32 cửa hàng bị tước giấy phép kinh doanh trong 8 tháng

(Dân trí) - Cục Quản lý thị trường cho biết, trong 8 tháng đã tước quyền sử dụng giấy phép của 32 cửa hàng, nhắc nhở 266 vụ, đang chờ xử lý 39 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 6,2 tỷ đồng.

Từ 15-20/9 có kết quả điều tra, xử lý vi phạm hành vi găm hàng xăng dầu

Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Công thương diễn ra chiều nay (10/9), ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết, trong 2 đợt điều chỉnh giá gần đây nhất vào giữa tháng và cuối tháng 8, cả nước có tổng cộng có 220 cửa hàng bán xăng dầu cắt giảm thời gian và ngừng bán hàng.
 
Dựa trên nguyên nhân qua tìm hiểu của Cục Quản lý thị trường, cơ quan này đã phân loại các cửa hàng thành 4 nhóm, bao gồm những cửa hàng đã thực hiện việc nghỉ bán từ một vài tháng hoặc nhiều ngày trước; nghỉ bán do bị đình chỉ kinh doanh; nghỉ bán do sự cố mất điện, hỏng hóc thiết bị.

Nhóm cuối cùng, theo ông Lam cho biết là quan trọng và được quan tâm nhiều nhất đó là những cửa hàng nghỉ bán với lý do hết xăng dầu dự trữ, cung ứng.

Họp báo Bộ Công thương tháng 8/2012 diễn ra chiều 10/9 (ảnh: B.D).
Họp báo Bộ Công thương tháng 8/2012 diễn ra chiều 10/9 (ảnh: B.D).

Thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, trong 2 đợt điều chỉnh tăng giá vừa rồi có 136 cửa hàng ngừng bán hàng mà theo lời khai ban đầu là hết xăng dầu.
 
Trước những phản ánh về hiện tượng này, cuối tháng 8, Cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo làm rõ nguyên nhân hết xăng dầu, xác định hành vi và xử lý vi phạm.

Ông Lam cho biết, hiện nay, cơ quan này đã yêu cầu 33 chi cục quản lý thị trường trên cả nước vào cuộc.

Hoạt động kiểm tra này tập trung vào những nội dung cơ bản như hợp đồng đại lý bán lẻ từ đầu năm đến hết tháng 8/2012; hóa đơn, chứng từ xuất - nhập xăng dầu trong 8 tháng đầu năm 2012, mức chiết khấu của tổng đại lý và các doanh nghiệp.

Theo dự kiến của ông Lam, kết quả của đợt kiểm tra thực hiện bởi các Chi cục Quản lý thị trường sẽ có từ ngày 15 - 20/9 tới.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện của Cục Quản lý thị trường, Vụ thị trường trong nước và cơ quan Công an trực tiếp kiểm tra.

Kết quả của đoàn kiểm tra này dự kiến có từ ngày 25/9.

62 vụ vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu trong tháng 8

Trước mỗi thời điểm tăng giá xăng dầu (khoảng 4-5 ngày), theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình thị trường có những diễn biến phức tạp, tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu bán hàng cầm chừng hoặc ngừng bán hàng gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Tại thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu, đã xuất hiện một số cửa hàng, điểm bán cắt giảm thời gian bán hàng, một số cửa hàng ngừng bán do mức chiết khấu thấp. Một số vi phạm đã được Quản lý thị trường phát hiện ở khu vực miền Bắc là: TP. Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc; ở phía Nam là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu, Cục Quản lý thị trường đã liên tiếp có các công điện khẩn yêu cầu kiểm tra, kiểm soát và báo cáo tình hình xăng dầu cũng như yêu cầu tăng cường kiểm tra kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu có điều chỉnh.

Liên tục sau đó là Công điện khẩn số 1033/CĐ-QLTT ngày 27/8/ 2012 về tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong kinh doanh xăng dầu; Công văn số 1057/QLTT-CBL ngày 29/8/2012 về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Kết quả ban đầu, trong tháng 8, đã xử lý 62 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 383 triệu đồng.

Tổng cộng trong 8 tháng đầu năm đã kiểm tra 5.655 vụ, xử lý 933 vụ vi phạm, trong đó, vi phạm về điều kiện kinh doanh 321 vụ, vi phạm về giá 40 vụ, vi phạm về cắt giảm thời gian bán hàng 5 vụ, xuất lậu xăng dầu 1 vụ; vi phạm về chất lượng 57 vụ; vi phạm về đo lường 42 vụ; và 154 vụ vi phạm khác như không đăng ký hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối, tự ý phá niêm phong cột bơm...

Cục Quản lý thị trường cho biết đã nhắc nhở 266 vụ, đang chờ xử lý 39 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 6,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đã tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 32 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm.

Một trong những vụ việc nổi bật trong tháng 8 là lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 2 vụ vi phạm do ngừng bán hàng không có lý do chính đáng đối với cửa hàng xăng dầu số 3, địa chỉ Châu Thời, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và cửa hàng kinh doanh xăng dầu Long Đức, địa chỉ ấp Long Đức 3, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 10 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 3 tháng.

Ngày 27/8, Đội QLTT Quận Bình Thạnh (TPHCM) tiếp tục có tờ trình gửi UBND quận 6 và UBND quận Bình Thạnh đề nghị xử phạt 2 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 1 cửa hàng phạt đến 50 triệu đồng và cả hai cửa hàng bị đề nghị tước quyền sử dụng giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong thời hạn 3 tháng.

Trong tháng vừa rồi, do giá xăng dầu thế giới tăng cùng với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động để bảo dưỡng từ 5/8 và giảm sản lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa khiến nhập khẩu xăng dầu trong tháng tăng 5,8% về lượng và 12,1% về trị giá so với tháng 7.

Tuy nhiên, do trong những tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu đã giảm khá mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm nên tính chung 8 tháng, nhập khẩu xăng dầu vẫn giảm 12,3% về lượng và 7% về trị giá so với cùng kỳ.

Tháng 8 có sự điều chỉnh giá liên tiếp 3 lần vào các ngày 1/8, 13/8 và 28/8. Như vậy, tính từ đầu năm thị trường xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, 5 lần giảm và 5 lần tăng.


Bích Diệp