31 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng

(Dân trí) - Theo kế hoạch của NHNN, trong những ngày tới, cơ quan này sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng các điều kiện tham gia kinh doanh, mua bán vàng miếng. Như vậy, trên 63 tỉnh thành cả nước sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch vàng miếng theo đúng chuẩn.

Thời gian tới, người dân dễ dàng trao đổi vàng miếng tại hơn 2.000 điểm giao dịch.
Thời gian tới, người dân dễ dàng trao đổi vàng miếng tại hơn 2.000 điểm giao dịch.
Tại cuộc họp báo chiều nay 27/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như: mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng.

Cụ thể, theo kế hoạch của NHNN, trong những ngày tới, NHNN sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện tham gia kinh doanh, mua bán vàng miếng. Trong đó có 15 doanh nghiệp và 17 TCTD. Như vậy, trên 63 tỉnh thành cả nước sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch vàng miếng theo đúng chuẩn.

Cũng theo NHNN, từ ngày 10/1/2012, các TCTD, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua bán vàng miếng.

Đồng thời, để kiểm soát rủi ro biến động giá vàng trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ ban hành văn bản yêu cầu các TCTD đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng phải tuân thủ trạng thái vàng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Trong năm 2013, NHNN tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá.

Và để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hóa quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác để hỗ trợ cho các TCTD có nguồn vàng chi trả cho các khoản huy động, giữ hộ đến hạn.

“Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, nhằm thực hiện giai đoạn cuối cùng về xóa bỏ vàng hóa nền kinh tế, Nhà nước huy động nguồn lực vàng trong nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và việc phát triển kinh tế đất nước. Lúc đó, NHNN sẽ tham gia vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, bảo đảm sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước”, đại diện NHNN nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho rằng “là năm ghi nhận sự thành công bước đầutrong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng thông qua việc tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ”. Với thị trường, dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa hai thị trường (hiện gần 5 triệu đồng/lượng) không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”.

“Mặc dù từ đầu năm đến nay, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng hầu như không diễn ra việc thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng qua biên giới. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng”, ông Huy cho biết thêm.

Số liệu do NHNN cung cấp tính đến ngày 21/12/2012 cho thấy, tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại giảm 0,96% so với cuối năm 2011. Tình trạng “đô la hóa” giảm (tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ, tổng phương tiện thanh toán là 13,2%, thấp hơn mức 15,8% cuối năm 2011). NHNN đã mua lượng ngoại tệ đáng kể bổ sung dư trữ ngoại hối (ước đến cuối năm đạt 24 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu).

Nguyễn Hiền