30 sàn vàng “chui” đang hoạt động trên cả nước
(Dân trí) - Trong tổng số 30 sàn vàng đang hoạt động “chui” trên cả nước, TP.HCM có 10 sàn. 10 sàn vàng “chui” này có thể sập bất cứ lúc nào nên nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng khi tham gia vào các giao dịch “ảo”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Đồng một xu được trả giá 55 tỷ đồng * Cả nước có khoảng 30 sàn vàng “chui” như HGI * Giá dầu có thể giảm đến 31USD/thùng? |
Theo Trung tướng Triệu Văn Đạt, hiện có khoảng 10 sàn vàng chui đang hoạt động ở TP HCM trong tổng số 30 sàn vàng “chui” trên cả nước. Nhắc lại việc Bộ Công an vừa điều tra xử lý sàn vàng của công ty HGI mới đây, ông Đạt cho biết, Bộ Công an vừa khởi tố, bắt khẩn cấp các đối tượng “cộm cán” điều hành sàn vàng của công ty HGI và đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm. Theo kết quả điều tra ban đầu, công ty HGI đã huy động vốn trái phép gần 300 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
“Thủ đoạn của những nhóm tội phạm công nghệ cao này rất tinh vi. Khi người dân bỏ tiền đầu tư, chúng thường làm những hợp đồng ủy quyền để góp vốn đầu tư với lãi suất mỗi tháng từ 1,2% trở lên. Tại TP.HCM vừa qua, cảnh sát cũng nhận được nhiều đơn trình báo của người đầu tư vào chi nhánh của HGI ở Sài Gòn. Nguy cơ mất hết tiền rất cao và cơ quan điều tra cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn có đông người tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do lòng tham” - Trung tướng Đạt nhấn mạnh.
Trước đó, PV Dân trí đã tìm hiểu nhiều chiêu thức “hợp tác huy động vốn” của một số sàn vàng chui trên địa bàn thành phố. Chiêu thức này đã được một số sàn lớn sử dụng để chiêu dụ khách, cụ thể, các sàn sẽ ký với khách hàng những hợp đồng kinh doanh dưới dạng “hợp tác đầu tư”. Khách hàng phải đóng tiền thật cho “sàn cái”. Tuy vậy, những dự án mà sàn cái đưa ra chỉ là “ảo”, chủ yếu đưa khách hàng vào “kịch bản” lừa đảo đã dựng từ trước.
Khi đã nhận tiền, sàn cái sẽ lập cho khách hàng tài khoản tương đương với số tiền khách đã đóng để thoải mái kinh doanh trên hệ thống. Khi có tài khoản, người chơi có thể mua bán, chốt có lời, nếu chốt lỗ thì coi như là mất trắng. Một điểm đặc biệt trong chiêu thức “hợp tác đầu tư” này là khách sẽ được hưởng mức lợi nhuận 2%/tháng từ số tiền khách đóng vào ban đầu. Đây được coi là một chiêu thức mới khiến người chơi lao vào nhiều hơn.
Cùng với chiêu “huy động vốn đầu tư”, nhiều sàn còn tung ra chiêu trò “mạo danh thương hiệu” để thu hút khách. Cụ thể, sàn cái sẽ lấy tên giống với những ngân hàng, doanh nghiệp lớn để lừa khách hàng. Khi khách hàng tỉnh táo vào trang chính của sàn thì hoàn toàn không phải là tên như vậy. Một trong những sàn lớn đang dùng chiêu thức này là sàn P.N, khiến nhiều người lầm tưởng đến tên một ngân hàng. Tuy nhiên, hệ thống lõi của sàn DFX này lại không phải. Với chiêu thức này, sàn DFX đã lừa được hàng ngàn khách hàng tham gia sàn. Đã có hàng ngàn khách hàng tham gia mua và bán trên hệ thống của sàn “chui” này.
Việc sàn cái lừa đảo và chiếm đoạt tiền của khách hàng đã diễn ra từ lâu nhưng vì những món lợi khủng mà khách hàng vẫn tiếp tục lao vào đầu tư. Không biết việc lừa đảo của các sàn cái này sẽ diễn ra đến bao giờ nhưng nếu người chơi vẫn tiếp tục mờ mắt thì những sàn vàng chui sẽ tiếp tục nở rộ. Nhiều chiêu thức mới nữa sẽ vẫn được những sàn tung ra để đưa người chơi vào “tròng”.
Không chỉ dùng đủ chiêu lừa người chơi, để tồn tại đội ngũ đầu não kinh doanh vàng tài khoản đã tìm đủ chiêu trò để qua mắt cơ quan chức năng.
Theo T.A (một đầu nậu trong giới kinh doanh vàng tài khoản tại TP.HCM), thông thường, các chủ sàn sẽ thành lập một công ty lấy danh nghĩa “tư vấn vàng” và tự giới thiệu mình kết nối, trung gian với sàn FX nước ngoài. Nhưng thực tế, khi nhà đầu tư tham gia, chuyển tiền, tiền không “ra nước ngoài” mà ở lại các doanh nghiệp tư vấn, môi giới đó. Đây là cách kinh doanh phổ thông của nhiều sàn tại Việt Nam.
Các sàn này trực tiếp mở một hệ thống riêng, có khả năng làm “đơ” phần mềm giao dịch, thay đổi đồ thị trên phần mềm, không cho “chốt giá”... Vậy nên, khách hàng thua thì tiền mất, thắng thì họ đổ lỗi cho “lỗi hệ thống” (một điều khoản có ghi trong hợp đồng để “ăn chặn” tiền, hoặc chỉ trả lại tiền gốc - PV). Nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi không biết phải kiện ở đâu, vì nhà nước đang đứng ngoài cuộc trong kênh đầu tư này.