30 phút "ác mộng" với giới đầu tư: Chứng khoán "xả van" lao thẳng đứng

Mai Chi

(Dân trí) - Không phải tất cả cổ phiếu đều điều chỉnh song nỗ lực của nhóm dầu khí, hàng không, thủy sản không cứu vãn được tình trạng lao dốc của chỉ số: VN30-Index mất gần 41 điểm, VN-Index về sát 1.470 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng bị "xả" mạnh

Mặc dù điều gì đến cũng phải đến, việc VN-Index cần "lấp gap" bù lại khoảng trống tăng giá của tuần trước đó đã được nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần, nhưng diễn biến ở phiên hôm nay (14/2) vẫn không khỏi gây thất vọng.

Những tưởng VN-Index đã điều chỉnh xong sau chạm sát 1.480 điểm ở đầu phiên sáng. Tuy nhiên, lực cầu có vẻ chưa đủ mạnh để chiến thắng áp lực bán ra nên chỉ số tiếp tục giằng co rất kịch liệt trong suốt gần cả phiên sau đó.

30 phút giao dịch cuối cùng mới là "ác mộng" đối với nhà đầu tư khi mà bên cung "xả van", hàng loạt cổ phiếu lao dốc, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Theo đó, VN30-Index bị "thổi bay" tới 40,85 điểm tương ứng thiệt hại 2,64% còn 1.505,07 điểm.

30 phút ác mộng với giới đầu tư: Chứng khoán xả van lao thẳng đứng - 1

Cú "đánh úp" cuối phiên của chỉ số khiến nhà đầu tư choáng váng (Ảnh chụp màn hình Trading View).

Với việc bluechips bị bán tống bán tháo, VN-Index mất 29,75 điểm tương ứng 1,98% ngay trong phiên đầu tuần, lùi về 1.471,96 điểm. HNX-Index giảm 5,88 điểm tương ứng 1,38% còn 421,01 điểm và UPCoM-Index giảm 1,69 điểm tương ứng 1,5% còn 110,85 điểm.

Các chỉ số đều đồng loạt đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Cú "đánh úp" đột ngột cuối phiên khiến nhiều nhà đầu tư nỗ lực "bắt đáy" trong phiên rơi vào tình cảnh "bắt dao rơi" và đứng ngồi không yên vì còn tới 2 phiên để theo dõi thị trường trước khi cổ phiếu về tới tài khoản.

Trên sàn HoSE có tới 322 mã giảm giá so với 132 mã tăng, trong khi con số này tại sàn HNX là 159 mã giảm và 68 mã tăng, sàn UPCoM có 195 mã giảm và 119 mã tăng.

Cổ phiếu ngân hàng thiệt hại nặng nề vì áp lực xả hàng quá mạnh. Đây là nhóm cổ phiếu đã có nỗ lực kéo chỉ số tăng điểm mạnh thời gian qua.

LPB và STB giảm sàn và trắng bên mua trong khi khớp lệnh ở mức cao: LPB khớp lệnh 17,7 triệu cổ phiếu; STB khớp lệnh tới 37,4 triệu cổ phiếu.

SHB cũng suýt soát mức sàn, giảm tới 6,8% về 22.000 đồng; TPB giảm 6,7% về còn 40.000 đồng; BID giảm 6,6%; HDB giảm 6,4%; CTG giảm 6%; MBB giảm 5,7%; OCB giảm 5,6%; MSB giảm 4,9%; ACB giảm 4,8%...

Nhóm cổ phiếu này ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chính thì có đến 9 mã là cổ phiếu ngân hàng. Riêng ảnh hưởng của VCB là 4,84 điểm; của BID là 3,24 điểm; của CTG là 2,7 điểm và TCB là 1,97 điểm.

30 phút ác mộng với giới đầu tư: Chứng khoán xả van lao thẳng đứng - 2

Cổ phiếu ngân hàng trở thành "tội đồ" của chỉ số phiên hôm nay (Ảnh chụp màn hình VNDS).

Thị trường phân hóa

Là nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao nên khi VN-Index lao dốc, nhóm chứng khoán cũng không thoát khỏi bị bán mạnh. VCI giảm sàn về 56.900 đồng; APS giảm 6,6%; CTS giảm 5,6%; BMS giảm 5%; VND giảm 4,9%; BSI giảm 4,3%; HCM giảm 4%.

Cổ phiếu ngành thép cũng điều chỉnh khi POM giảm 2,4%; HSG giảm 2,2%; TLH giảm 2,1%; HPG giảm 2%.

Nhóm dầu khí phân hóa. Trong khi một số mã bị chốt lời, giảm giá như PXI giảm 5,6%; PTL giảm 4,1%; PXL giảm 2%; PLC giảm 1,9%; BSR giảm 0,4% thì POS lại tăng trần 14,5%; GAS tăng 4,5%; PVS tăng 2,8%; PXS tăng 2,7%; PVC tăng 2,6%; PVT tăng 1,5%...

Đi ngược thị trường phiên hôm nay ngoài một số nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá dầu trong ngành dầu khí thì ngành hàng không vẫn giữ được đà tăng tích cực. VJC tăng 5,4% lên 140.000 đồng; HVN tăng 0,8% lên 26.400 đồng

Cổ phiếu ngành vận tải cũng khởi sắc: VIP tăng trần; VOS tăng 6,1%; ILB tăng 3,5%; HAH tăng 3,1%; GMD tăng 1,1%. Ngành thủy sản tăng giá mạnh: VHC và ANV tăng kịch trần, trắng bên bán; IDI tăng 6,5%; CMX tăng 4,3%.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản đã thu hút được dòng tiền quay trở lại và tăng mạnh. DIG, VRC, CCI tăng trần, DRH tăng 2,5%; NTL tăng 1,6%.

Thanh khoản phiên hôm nay cải thiện so với phiên giao dịch cuối tuần trước cho thấy lực cầu bắt đáy khá tốt nhưng đồng thời cũng phản ánh áp lực bán cuối phiên rất mạnh và áp đảo bên mua.

Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 25.920,89 tỷ đồng, khối lượng giao dịch ở mức 810,81 triệu đơn vị; trong khi đó, khối lượng giao dịch trên HNX đạt 74,87 triệu cổ phiếu tương ứng 2.150,3 tỷ đồng và trên UPCoM là 71,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.574,69 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán phiên hôm nay được cho là đến từ tâm lý lo ngại của giới đầu tư với tình hình căng thẳng tại Ukraine. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng bày tỏ sự thận trọng với tình trạng lạm phát leo thang.