3 dấu ấn công nghệ Viettel qua góc nhìn của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh
Chặng đường đi lên của Viettel ghi dấu rất nhiều dự án khoa học, đổi mới công nghệ mang tính bước ngoặt, sáng tạo đối với Việt Nam cũng như thế giới. Rất nhiều điểm nhấn từ mô hình của Viettel tác động trở lại chính sách, để trở thành lực đẩy tiếp theo cho các doanh nghiệp đi sau.
Trong buổi làm việc với Tập đoàn Viettel ngày 7/7 , Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh đã có bài phát biểu tổng kết những dấu ấn đặc biệt nhất của Viettel trong 10 năm phát triển thần tốc, cũng như hình ảnh mới về tập đoàn này: không chỉ mạnh về kinh tế, mà còn sáng tạo, đi đầu về công nghệ cao.
Dấu ấn công nghệ trong 10 năm thần tốc
Theo dõi hoạt động và chặng đường vừa qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng Viettel đã có sự chuyển động rất mạnh, từ nghiên cứu công nghệ cao sang gắn bó với công nghiệp quốc phòng, nhất là trong vòng 10 năm gần nhất. Theo đó, với việc gắn chặt sự phát triển với chủ trương của Đảng, Nhà Nước, Quân uỷ Trung ương và Bộ quốc phòng, Viettel đã thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh tế, các mục tiêu của công nghiệp quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với các nhà máy, cơ sở kinh tế tạo được đầu tư chiều sâu.
Luôn đặt mục tiêu cao để thách thức, cách tiếp cận cũng khác biệt, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu sản xuất, người đứng đầu Bộ KHCN cho rằng những kết quả mà Viettel đã đạt được không chỉ được công nhận tại Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế. Theo đó, Viettel hiện nay là thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam về CNTT, Viễn thông, mà còn được công nhận nằm trong 100 doanh nghiệp tiêu biểu của thế giới
Riêng việc triển khai mạng 4G, không những thực hiện thần tốc (6 tháng triển khai 36.000 trạm) mà chất lượng mạng của Viettel còn vượt trội so với nhiều công ty lớn trên thế giới nhờ công nghệ 4 thu – 4 phát (thế giới hiện phổ biến công nghệ 2 thu – 2 phát), giúp tốc độ đường truyền tại Việt Nam cao hơn hẳn.
Sự thừa nhận trong nước và quốc tế đã mang lại nhiều giải thưởng lớn cho Viettel, từ giải truyền thông quốc tế tới giải công nghệ thông tin và giải thưởng về các giải pháp, ứng dụng đột phá, đặc biệt được ghi nhận với các dự án có ảnh hưởng lớn, gắn liền với an sinh xã hội, như hệ thống y tế liên cơ sở.
Trước chiến lược vươn ra toàn cầu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng ngoài việc tập trung trở thành tập đoàn tầm cỡ quốc tế cung cấp nội dung, viễn thông, CNTT, thiết bị điện tử, Viettel còn tìm kiếm những giải pháp tiếp cận cá nhân hoá.
“Thế giới đang nhắc nhiều về cách mạng công nghệ lần thứ 4, các đề tài quan trọng cũng dựa trên những yếu tố đó, như băng rộng, 5G, rồi đến cá nhân hoá. Nếu chúng ta làm được đúng tiến trình thì ít năm nữa, đến 2020, nó thực sự tạo được nền tảng rất tốt cho KHCN nói chung, cho công nghiệp nói riêng, nếu xét ở góc độ các ứng dụng thông minh hơn trong lĩnh vực kinh tế”.
Dấu ấn tập đoàn công nghệ cao Viettel
Theo đánh giá của vị tư lệnh ngành KHCN, tập đoàn Viettel vừa là tập đoàn về kinh tế, vừa là tập đoàn công nghệ cao. Tại hội nghị TW 4, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: “Làm thế nào để nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, thông qua đó để cạnh tranh, đóng góp cho nền kinh tế?” và để trả lời câu hỏi này, nền kinh tế chắc chắn cần có những những tập đoàn dẫn dắt về mặt công nghệ.
“Ta cứ nói không có doanh nghiệp phụ trợ được cho Samsung, nhưng thực tế chỉ đúng một nửa. Không phải mọi thứ chúng ta đều theo được, nhưng cũng không phải là không có thứ chúng ta làm được. Nhưng khi Samsung tới, họ mang theo chuỗi phụ trợ, vệ tinh đi theo, lập ra rào cản để những sản phẩm nội địa hoá không vào được.
Thế nên với cách đi lên của Viettel, chúng ta lập tức dẫn dắt được, và giờ đã có khoảng 300 công ty, chưa kể các viện, có KHCN rất tốt”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Viettel vừa là tập đoàn về kinh tế, vừa là tập đoàn công nghệ cao
Cụ thể, nếu xét về sản phẩm dân dụng, riêng với ngành viễn thông, tất cả các mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập… chỉ thời gian ngắn nữa Viettel sẽ làm chủ sản xuất và trang bị trên toàn hệ thống. Về ứng dụng với quốc phòng, 15 sản phẩm trang bị toàn quân cực kỳ hữu ích, 25 sản phẩm đang nghiên cứu sản xuất.
Thậm chí với các sản phẩm của đề án A1, Bộ trưởng cho biết là phía Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Viện Khoa học Công nghệ quân sự khi tiếp cận mất thời gian khá dài, nhưng nhờ thực hiện trên nền tảng của Viettel, quá trình đã có bước rút ngắn về mặt tốc độ, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ.
“Là doanh nghiệp nhà nước, lại hoạt động trong khu vực quốc phòng, Viettel đã thể hiện rất sinh động, kết hợp hài hòa giữa kinh tế và quốc phòng. Chẳng những năng lực trình độ công nghệ đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ khó khăn, mà kỷ luật, kỷ cương, bản lĩnh của người lính cũng đã góp phần để tạo nên được những thành tích nổi trội như vậy”.
Dấu ấn tác động Viettel tới chính sách khoa học công nghệ
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết hiện nay chính sách về KHCN theo thống nhất của Đảng và Trung ương là làm thế nào để đưa kết quả nghiên cứu vào kinh tế, cuộc sống nhanh nhất. Mặc dù dự chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là 2% nhưng thực tế giải ngân không được bao nhiêu, còn nguồn vốn xã hội hoá thì chưa được triển khai quyết liệt.
“Sắp tới, chúng ta sẽ phải tăng cường sức mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực, trước hết là từ doanh nghiệp, nhất là các đơn vị dẫn đầu như Viettel. Chúng ta đang ước ao đất nước, trong mọi lĩnh vực, đều có những doanh nghiệp tập đoàn dẫn đầu như Viettel, với đóng góp quỹ nghiên cứu phát triển KHCN chỉ 10% lợi nhuận đã đạt con số 4.500 tỷ đồng”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ngoài đóng góp về tài chính, phía Viettel còn có những cách làm sáng tạo để thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ trong chính đơn vị và những nhóm startup. Cụ thể, nếu như trước với một công nghệ tốt, Viettel sẽ mua hẳn, nhưng hiện tại chỉ mua dưới 20%; 80% còn lại sẽ để lại cho các bạn trẻ ở nhóm startup đó, vừa tạo ra động lực để sáng tạo, vừa được dựa vào thương hiệu của Viettel và các nền tảng công nghệ khác để phát triển.
Sự chuyển hướng quan điểm này đã khiến rất nhiều hoạt động khoa học công nghệ của Viettel mang tính đi đầu và coi như thí điểm cho cả nước, thông qua đó quay trở lại tác động tích cực vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật về khoa học công nghệ. Thực tế, trong quá trình sửa đổi luật chuyển đổi công nghệ của Quốc hội, các cơ quan chủ quản cũng bàn trực tiếp với Viettel và đã nhận được những ý kiến góp ý bổ sung vào điều khoản nhỏ, tạo nên nền tảng cho chính mô hình mới của Viettel và nhiều chính sách khác.
Với vị trí dẫn đầu, Viettel cũng đã tham gia vào những chương trình, sản phẩm khoa học công nghệ quốc gia quan trọng nhất. Viettel cũng là doanh nghiệp đi đầu trong kiến nghị về an ninh an toàn mạng, nên khi xây dựng sản phẩm quốc gia về an ninh an toàn mạng thì không có lý do gì không để Viettel chủ trì, Bộ sẽ hợp tác cùng tham gia, nhất là về chính sách để tạo nên sự bứt phá.
Vốn có nhiều kinh nghiệm trong thu hút và đãi ngộ nhân tài, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá Viettel đã có sự chia sẻ cao với cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai Viện khoa học công nghệ Việt Nam. Về phía Bộ, cơ quan này cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Viettel trong các hoạt động Khoa học Công nghệ kết hợp Quốc phòng nói chung và trong các chặng đường phát triển tiếp theo của Viettel.
Nguyễn Long (ghi)