3 chàng trai tạo ra đế chế tỷ USD với nền tảng bán ô tô cũ
(Dân trí) - Nền tảng bán ô tô cũ Carro nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ kỳ lân Đông Nam Á với mức định giá công ty hơn 1 tỷ USD.
Carro là nền tảng trao đổi, mua bán ô tô cũ ở Đông Nam Á được thành lập bởi Tan, Aditya Lesmana, Kelvin Chng vào năm 2015.
Sau khi huy động thêm 360 triệu USD vào tháng 6, startup này nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ kỳ lân Đông Nam Á với mức định giá công ty hơn 1 tỷ USD. Thậm chí, Carro có thể đứng chung sân với các ông lớn trong lĩnh vực này như Carsome (Malaysia) và Carmudi (Đức).
Với sự hậu thuẫn của SoftBank, CEO Carro - Aaron Tan cho biết, họ đang có kế hoạch để công ty sớm IPO."Câu hỏi đặt ra là bây giờ là khi định giá đạt 1 tỷ USD, chúng tôi cần làm gì để đạt được 10 tỷ USD?", Tan nói với CNBC.
Kiếm tiền từ "khoảng trống" thị trường
Theo Tan, nhà đồng sáng lập Carro, để trở thành kỳ lân, anh đã phải trải qua một hành trình dài. Năm 13 tuổi, khi Tan còn sống ở Singapore, chỉ với chiếc máy tính, anh đã nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc viết và bán trang Web.
Sau này, khi Tan đến Mỹ, với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm, anh đã nhìn thấy cơ hội "2 trong 1" để kết hợp khả năng kinh doanh với niềm đam mê thực sự của mình: kinh doanh ôtô.
Lúc đó, Tan nhìn thấy, thị trường bán lại ô tô ở Mỹ khá phát triển, tuy nhiên, điều này lại không diễn ra ở Đông Nam Á khi những người trung gian khiến người mua và người bán khó có được những giao dịch tốt nhất.
Tan muốn thay đổi điều đó. Vì vậy, anh trở lại Singapore vào năm 2015 và hợp tác với 2 người bạn ở trường Khoa học Máy tính Carnegie Mellon để tạo ra một thuật toán thực hiện điều đó.
Bộ ba đã cùng nhau tạo ra một nền tảng phục vụ tầng lớp trung lưu am hiểu về công nghệ và những người ưa tiết kiệm khi có xu hướng sử dụng xe cũ trong nước. Vài năm sau, họ còn bắt tay với các đối tác nước ngoài là Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Đồng thời, startup này còn bổ sung các dịch vụ tài chính như cho vay, bảo hiểm và chăm sóc xe hậu mãi.
Tận dụng thời cơ để bứt phá
Lấy cảm hứng kinh doanh từ những gã khổng lồ Netflix, Spotify, năm 2019, Carro đã tung ra dịch vụ đăng ký dùng xe hơi, cho phép người dùng thuê xe với một khoản phí hàng tháng, bao gồm thuế, bảo hành và bảo dưỡng.
"Chúng tôi nhận thấy hành vi sở hữu ô tô của người dùng đang thay đổi, từ đó thị trường sẽ xuất hiện những khoảng trống. Và việc chúng tôi cần làm là tìm kiếm khách hàng để điền vào khoảng trống đó", Tan nói.
Sau đó, vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng với Tan và các cộng sự lại là cơ hội để họ phát triển. Khi sự quan tâm về vệ sinh và an toàn cá nhân trong mùa dịch được đặt lên hàng đầu, do đó, nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân tăng cao. Đồng thời, việc thiếu hụt vi mạch toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô, làm xu hướng tìm tới các dòng xe cũ, đã qua sử dụng tăng vọt.
"Covid-19 đã giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình số hóa" là nhận định của Tan khi cho rằng Carro đã đưa ra những sáng kiến, giải pháp hữu ích trong mùa dịch. Họ tạo ra các Showroom không tiếp xúc ở khắp mọi nơi, cho phép khách hàng đến xem và lái thử xe tự động tại các địa điểm bằng mã QR.
Đến tháng 3/2021, doanh thu của Carro đạt 300 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Carro đang đi ngược lại với tình hình chung của thị trường khi các nhà sản xuất ô tô có kế hoạch loại bỏ dần các loại ô tô động cơ đốt trong truyền thống bằng các loại xe chạy điện.
Nói về điều này, Carro cho rằng, trong thời gian tới, họ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi giao thông xanh.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là cho phép tái chế hoặc tái sử dụng các phương tiện trong thời gian ngắn nhất. Còn với việc sử dụng xe điện sẽ là một luồng gió mới khuyến khích sự thay đổi tích cực. Chúng tôi không ngại đương đầu với sự thay đổi bất kỳ nào của thị trường", Tan nói.