3 cách để PepsiCo lọt danh sách 12 công ty hàng đầu thế giới về ESG
(Dân trí) - Các nhà đầu tư có ý thức về môi trường đang rất chú ý đến chỉ số ESG của một công ty trước khi đưa ra quyết định rót vốn.
Trong vài năm gần đây, khái niệm về ESG đã ngày càng trở nên phổ biến. ESG là viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp). Bộ tiêu chuẩn này để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của một doanh nghiệp đến cộng đồng.
Theo Yahoo Finance, các nhà đầu tư có ý thức về môi trường đang rất chú ý đến chỉ số ESG của một công ty trước khi đưa ra quyết định rót vốn. Theo tờ Bloomberg, tài sản ESG toàn cầu có thể đạt mức 50.000 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, áp lực từ các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang khiến các công ty thực hiện ESG một cách nghiêm túc.
Cuối năm 2022, tạp chí Insider Monkey của Mỹ đã công bố danh sách những công ty được xếp hạng hàng đầu về chỉ số ESG dựa trên kết quả hoạt động của họ liên quan đến các vấn đề môi trường, người lao động, khách hàng, cộng đồng và cổ đông.
PepsiCo - công ty mẹ của những thương hiệu quen thuộc như Pepsi và Lay's - là một trong số 12 doanh nghiệp có tên trong danh sách này. Họ đã cam kết thực hiện nhiều sáng kiến về ESG trong những năm qua.
Năm 2021, công ty mở rộng cam kết đó bằng việc ra mắt một kế hoạch quản trị và phát triển bền vững tập trung vào 3 trụ cột là nông nghiệp, chuỗi giá trị và các lựa chọn, được gọi là PepsiCo Positive.
Chuyển đổi hoạt động kinh doanh để sản xuất sản phẩm bền vững hơn đã được hãng nước giải khát này thực hiện ra sao?
Kết nối tính bền vững và quản trị
Công ty này liên kết các nỗ lực phát triển bền vững của mình với một sáng kiến để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng tuân theo khoa học khí hậu mới nhất.
Ví dụ, công ty có kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 và đạt mục tiêu "net-water-positive" (tất cả lượng nước không thể uống được tại chỗ đều được cung cấp bằng cách dùng nước tái chế do chính khuôn viên tạo ra và thu gom) vào năm 2023.
Tiến độ về tính bền vững của công ty này được xem xét bởi hội đồng bao gồm các thành viên của nhóm điều hành. Công ty thường xuyên chia sẻ tiến độ về các sáng kiến ESG với nhiều bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Hỗ trợ con người và cộng đồng
Chia sẻ với Business Insider, bà Anna Palazij - Phó chủ tịch phụ trách mảng ESG và đầu tư chiến lược của PepsiCo - cho biết con người là yếu tố quan trọng của công ty này. Một phần quan trọng trong sáng kiến của công ty là tạo ra môi trường an toàn và bình đẳng cho nhân viên, các cộng đồng mà công ty tiếp cận cũng như những người tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
Công ty này cam kết cải thiện sinh kế của 250.000 người trong chuỗi cung ứng nông nghiệp của mình thông qua quan hệ đối tác với một số đơn vị khác; kỳ vọng cung cấp nước an toàn cho 100 triệu người vào năm 2030 so với con số 68 triệu người hiện nay.
Năm 2020, công ty khởi động kế hoạch đầu tư 570 triệu USD trong 5 năm tiếp theo để hỗ trợ các cộng đồng và doanh nghiệp yếu thế. Công ty còn cam kết dành 100 triệu USD cho đến năm 2025 để hỗ trợ các cơ hội cho nữ giới trong lực lượng lao động.
Thúc đẩy đổi mới bền vững
Công ty này còn có chương trình hợp tác với quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm xác định công nghệ mới giúp đẩy nhanh chương trình phát triển bền vững của mình, tên gọi là PepsiCo Labs.
"Người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi hơn một tỷ lần mỗi ngày, vì vậy chúng tôi đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi. Chúng tôi cho rằng đó vừa là nghĩa vụ vừa là cơ hội để thay đổi cách thức kinh doanh. Chúng tôi cũng hy vọng tất cả mọi người có thể cùng nhau thúc đẩy đổi mới ESG để tạo ra tác động tích cực", bà Palazij nói thêm trên Business Insider.