2,5 triệu đồng/con lợn tiết kiệm, mua về "buốt ruột" không dám đập
(Dân trí) - Ký ức tuổi thơ của không ít người là cứ đến Tết, bố mẹ lại mua cho những con lợn tiết kiệm xanh đỏ nhiều màu sắc để bỏ tiền mừng tuổi. Nét văn hoá này hiện vẫn được lưu giữ nên các làng nghề gốm cứ mỗi độ Tết lại tha hồ "đút túi" từ mặt hàng này.
Dạo quanh làng Bát Tràng (Hà Nội) những ngày cuối năm, gần như cửa hàng nào cũng có bán lợn bỏ tiết kiệm. Chỉ có điều, mỗi nơi lại bán một loại hàng khác nhau.
Một số cửa hàng bán loại truyền thống, một số lại cập nhật theo xu hướng phim ảnh. Còn những cửa hàng có thương hiệu, tên tuổi thì sẽ bày bán các sản phẩm có thiết kế riêng, có màu men độc lạ, hay thậm chí là lợn dát vàng.
Tuy nhiên, bán chạy nhất vẫn là lợn tiết kiệm truyền thống. Vì giá hàng rẻ, mà mẫu mã lại bắt mắt. Sau một thời gian, người dùng có thể đập mà không cảm thấy tiếc. Hơn nữa, cảm giác được đập lợn tiết kiệm cũng là khoảnh khắc nhiều người cảm thấy thích thú.
Đã kinh doanh lợn tiết kiệm 4 năm, anh Nguyễn Thanh Tùng (Bát Tràng, Hà Nội) rất bận rộn vào dịp cuối năm. Bởi sản xuất và bán mặt hàng này chỉ tập trung vào dịp trước và sau Tết.
Thậm chí theo anh Tùng, hàng phục vụ Tết nhiều gấp 4 lần các tháng khác trong năm. Khoảng giữa năm, mặt hàng này bán rất chậm, hàng gần như chững lại.
Tuy nhiên, anh Tùng vẫn phải vào lò để tích hàng cho dịp Tết. Theo đó, mỗi chuyến lò vào khoảng 1 - 2 nghìn con, nếu khách không lấy hết thì anh Tùng lại để vào kho phục vụ Tết. “Khoảng 2 - 3 tháng trước Tết là thời điểm tôi phải dồn hàng, thì gần Tết mới đủ để giao cho các mối buôn”, anh Tùng nói.
Hiện tại, giá lợn tiết kiệm mua buôn dao động từ 15.000 - 200.000 đồng/con. Tuy nhiên, phân khúc bán chạy nhất vẫn là loại hàng 40 - 50 nghìn đồng. Hàng cao cấp, lợn dát vàng thì giá có thể lên tới 2,5 - 3 triệu đồng.
Theo dân buôn mặt hàng này, loại hàng rẻ thường cung cấp làm quà tặng cho các trường tiểu học hoặc cấp 2. Còn hàng đẹp thường được các siêu thị, các mối buôn lấy về bán lẻ. Riêng với hàng cao cấp, tuy thiết kế như lợn tiết kiệm, nhưng đa phần đều là để trang trí.
Anh Hoàng (Bát Tràng, Hà Nội) cũng kinh doanh mặt hàng này cho biết, các mối buôn sẽ đi lấy hàng từ trước tết khoảng hơn 1 tháng. Nhưng chỉ đến ngày 23 âm lịch là gần như dừng hẳn.
“Năm ngoái, đến thời điểm đó là tôi đã “cháy” hàng. Bởi lợn tiết kiệm lại trùng với năm con lợn, nên 7 - 8 vạn hàng bán vẫn thiếu”, anh Hoàng cho biết thêm.
Chưa sang tháng 12 âm lịch, nên trung bình mỗi ngày anh Hoàng mới chỉ tiêu thụ khoảng 200 - 300 con/ngày. Thế nhưng, chỉ khoảng nửa tháng nữa, lượng hàng mỗi ngày có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần. Dự kiến năm nay, anh Hoàng sẽ tiêu thụ khoảng 10 vạn con lợn tiết kiệm.
Lợn tiết kiệm không chỉ cuối năm, mà sang đầu năm mới nhu cầu của thị trường vẫn rất cao. Vì ngoài chức năng chính, thì biểu tượng những chú lợn cũng mang ý nghĩa may mắn, sức khoẻ với nhiều gia đình.
Thế Hưng