1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam và chuyện “vênh” số liệu

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị giải thích sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014, đồng thời đặt vấn đề liệu có hay không hiện tượng “làm đẹp”, “làm sạch” số liệu thống kê khi công bố?

Làm rõ "vênh" số liệu thống kê thương mại hàng hóa với Trung Quốc

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự án Luật Thống kê (sửa đổi), hiện vẫn có những ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị giải thích sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 .

Cụ thể, trong năm 2014, số liệu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD, số liệu nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu của Trung Quốc 20 tỷ USD.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, nguyên nhân năm 2014 có sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do phương pháp thống kê và buôn lậu, gian lận thương mại.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để làm rõ số chênh lệch do các nguyên nhân khác nhau đòi hỏi các nước phải phối hợp rà soát trong khoảng thời gian nhất định.

“Trước tình hình số liệu thống kê chênh lệch lớn, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Tổng cục Hải quan phân tích, giải trình chi tiết để thấy rõ sự khác biệt lớn. Chính phủ cũng đang chỉ đạo theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình này” – báo cáo cho hay.

Việc chênh lệch số liệu thống kê hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ là một trong nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến chất lượng số liệu thống kê và hiện tượng “vênh” số liệu giữa Tổng cục Thống kê với các bên công bố khác.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)

Có hay không “làm sạch”, “làm đẹp” số liệu?

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, đang có tình trạng “làm đẹp con số chạy theo thành tích”.

Theo ông Vở, chất lượng số liệu thống kê vốn dĩ mang tính hệ thống dây chuyền, nên dù chỉ một trong các khâu lệch chuẩn, kết quả số liệu cuối cùng vẫn không chính xác. Ngược lại các khâu ở đầu vào đúng nhưng khâu cuối cùng lệch chuẩn thì số liệu cũng sẽ lệch.

Vị đại biểu cho rằng, điều cốt lõi của dự án Luật thống kê là phải đạt cho được yêu cầu chất lượng và tính chính xác của số liệu trong hoạt động thống kê.

“Bởi lẽ, hoạt động thống kê có vai trò hết sức quan trọng, đó là cung cấp thông tin thống kê cho yêu cầu nhận diện, đánh giá đúng thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự báo xu hướng phát triển để trên cơ sở đó giúp cho Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược, xây dựng qui hoạch, kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội đáp ứng cho nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức và cá nhân” – ông Vở nói.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đặt vấn đề, vì sao GRDP của tất cả các địa phương cao hơn rất nhiều so với GDP của quốc gia? Bà An cho rằng, đang có “tiết mục làm sạch” trong vấn đề thống kê số liệu.

“Không biết trong thống kê của mình ở các địa phương, các nơi có chuyện làm sạch số liệu hay làm đẹp số liệu hay không? Tôi nghĩ để tránh hiện tượng này để làm sạch số liệu có khi phải đưa điều cấm vào đây. Mặc dù đã đưa yêu cầu chính xác nhưng nên cấm làm sạch, đẹp số liệu vì thành tích của các nơi.”

Đại biểu An đồng thời kiến nghị, cơ quan Tổng cục thống kê nên trực thuộc Quốc hội.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 3 số liệu thống kê là số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê ước tính và số liệu thống kê chính thức. Giữa các số liệu này có lúc xảy ra chênh lệch lớn.

Giải thích về hiện tượng có sự khác nhau giữa 3 mức độ của số liệu thống kê nói trên, Ủy ban Thường vụ cho biết, do có sự khác nhau về tính sẵn có của nguồn thông tin và thời điểm khác nhau về thông tin dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê.

Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, khi có sự khác nhau lớn, cơ quan công bố số liệu thống kê phải có giải thích rõ khi công bố.

Tại dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về thẩm định số liệu thống kê để đảm bảo tính chính xác của số liệu thống kê.

Bích Diệp

20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam và chuyện “vênh” số liệu - 2