Bộ trưởng Công Thương: Vênh số liệu chắc chắn có buôn lậu, "kinh tế ngầm"

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thực trạng về chênh lệch số liệu thống kê giữa các nước trong quan hệ xuất, nhập khẩu với nhau cho thấy, chắc chắn trong này có buôn lậu và kinh tế ngầm.

Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu, kinh tế ngầm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Chất vấn người đứng đầu ngành công thương trong phiên họp Quốc hội ngày 12/6, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi về chênh lệch số liệu giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc.

"Qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ngoài phương pháp tính có sự khác nhau giữa các nước. Rõ ràng có vấn đề trong vấn đề quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu làm cho đại biểu Quốc hội chúng tôi và cử tri trong cả nước hết sức lo lắng, không yên tâm. Không biết vấn đề này có tình trạng "kinh tế ngầm" ở nước ta hay không và việc này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của đất nước”, ông Minh nói.

Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay: "Tại phiên thảo luận trực tiếp tại Hội trường Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã giải thích, trên thực tế việc có sự chênh lệch số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu giữa các nước với nhau, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà kể cả các nước với nhau, nếu kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn dẫn tới chênh lệch càng nhiều".

Theo Bộ trưởng Hoàng, số liệu Bộ Công Thương đã thống kê cho thấy, ngoài với Trung Quốc giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng có chênh lệch về số liệu thống kê xuất nhập khẩu.

Cụ thể, năm 2014 số liệu xuất khẩu của Việt Nam chênh lệch với số liệu xuất khẩu của Nhật Bản, Nhật Bản thống kê là 14,180 tỷ USD, chúng ta thống kê là 14,693 tỷ USD tức là chúng ta thống kê cao hơn họ 513 triệu USD. Đối với Hàn Quốc, bạn thống kê ta xuất khẩu 7,99 tỷ USD, ta thống kê chỉ có 7,144 tỷ USD, chênh lệch 847 triệu USD.

Đối với Singapore, Singapore thống kê Việt Nam xuất sang họ 3,2 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam thống kê xuất chỉ có 2,9 tỷ USD chênh lệch 260 triệu. Về số liệu nhập khẩu, số liệu thống kê Việt Nam sang Nhật Bản năm 2014 là 12,9 tỷ USD bạn thống kê chỉ có 10,9 tỷ USD chênh lệch 2 tỷ USD.

Đối với Hàn Quốc, Việt Nam thống kê xuất khẩu 21,7 tỷ USD, nước bạn thống kê xuất khẩu của Việt Nam 22,3 tỷ USD chênh lệch 589 triệu USD và Singapore chênh lệch đến 6 tỷ USD. 

"Báo cáo với các vị đây là một ví dụ chênh lệch trong số liệu thống kê và đặc biệt đối với Trung Quốc, chúng tôi xin nêu mấy số liệu để đại biểu Quốc hội thấy chênh lệch rất lớn. Tôi xin khẳng định rằng số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam là số liệu chính thức và số liệu đã thống kê qua sổ sách bởi vì đều thông quan qua các cửa khẩu", Bộ trưởng khẳng định.

Vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của vị tư lệnh ngành Công Thương, Đại biểu Ngô Văn Minh tiếp tục xin phát biểu: "Đúng là tôi không hỏi về số liệu, tôi chỉ hỏi về tình trạng quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu có hoạt động kinh tế ngầm ở đây không? Và thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác xuất nhập khẩu, trong đó có việc quản lý thị trường và tác hại của việc này đến nền kinh tế của nước ta như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ ý đấy".

Tiếp lời Đại biểu tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Hoàng cho hay: "Chúng tôi không có ý viện dẫn quá nhiều con số, nhưng chúng tôi nêu một số ví dụ để minh họa thực trạng về chênh lệch số liệu thống kê là có giữa các nước trong quan hệ xuất, nhập khẩu với nhau. Về trách nhiệm tôi nghĩ rằng chắc chắn trong này có buôn lậu, như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định và có kinh tế ngầm". 

Bộ trưởng cũng cho rằng, đánh giá một cách thật chính xác thì chưa đầy đủ cơ sở, trong đó có phần trách nhiệm liên quan đến lực lượng quản lý thị trường trong đội hình của Ban chỉ đạo 389. Những giải pháp, những biện pháp, Bộ Công Thương đã báo cáo với Quốc hội làm trong sạch đội ngũ, tăng cường năng lực và thực hiện quy định về luân chuyển, thay đổi vị trí công tác, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”