20 doanh nghiệp nhận Giải vàng Chất lượng Quốc gia
(Dân trí) - Ngày 22/3, Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức họp báo về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2015. Trong đó, 20 doanh nghiệp được trao Giải vàng Chất lượng Quốc gia; 57 doanh nghiệp được trao Giải bạc Chất lượng Quốc gia.
Tại buổi họp báo, ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là giải thưởng về chất lượng được Thủ tướng Chính phủ trao tặng và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2015, qua hai vòng đánh giá, thẩm định của Hội đồng sơ tuyển (cấp tỉnh/thành phố); Hội đồng quốc gia (gồm đại diện các Bộ, ngành và tổ chức liên quan) và lấy ý kiến hiệp y của các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp được đề nghị tăng GTCLQG, 77 doanh nghiệp được gửi đi lấy ý kiến đều được UBND tỉnh, thành phố đồng ý trao GTCLQG năm 2015.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 311 QĐ-TTg về việc trao tặng GTCLQG năm 2015 cho 77 doanh nghiệp, trong đó: 20 doanh nghiệp được trao Giải vàng Chất lượng Quốc gia; 57 doanh nghiệp được trao Giải bạc Chất lượng Quốc gia.
Trên cơ sở kết quả trao GTCLQG năm 2014 và 2015, trong năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề cử 3 hồ sơ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO) chủ trì thực hiện. Kết quả, ngày 30/7/2015, Tổ chức APQO đã chính thức công bố kết quả tham dự GPEA năm 2015. Cả 3 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia đều đạt giải, bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Thiên Long; Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam OSCVN; Công ty TNHH Nam Dược.
Năm 2015 là năm thứ 15 Việt Nam tham dự GPEA. Tính đến nay đã có 37 lượt doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải thưởng quốc tế này.
Trước câu hỏi của báo chí về việc hiện này có rất nhiều giải thưởng dành cho các doanh nghiệp, không ít trong những giải thưởng đó có thể “mua được”, vậy GTCLQG sẽ được đánh giá và giám sát như thế nào để thể hiện cái tấm của quốc gia?
Giải đáp vấn đề này, ông Trần Văn Vinh - Tổng Cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ: Hiện nay đúng là có rất nhiều giải thưởng và có quy mô khác nhau, các thức tiếp cận khác nhau và tiêu chí khác nhau, đồng thời có các biện pháp, cách thức để quảng bá khác nhau. Chính từ những cái này mà chất lượng, uy tín cũng ở cấp độ khác nhau và nhận thức người tiêu dùng cũng khác nhau.
Theo quy định thì những giải thưởng chất lượng nói chung về hàng hóa được quản lý theo Thông tư 06 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân hoặc các bộ/ngành, địa phương nếu như tổ chức một giải thưởng về chất lượng sản phẩm hàng hóa thì phải thực hiện theo Thông tư 06. Tuy nhiên quá trình thực hiện và tiêu chí đưa ra là rất quan trọng. Tuy việc đưa ra các tiêu chí và cách thức thực hiện mà có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia hoạt động gì đó thì mới được giải…
Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh
“Để giải quyết vấn đề này thì cần phải đẩy mạnh phương pháp quản lý nhà nước”, ông Vinh nhấn mạnh.
ông Vinh cũng cho hay, các tiêu chí để xét duyệt là bài bản và làm hết sức nguyên tắc nên dẫn đến tính quảng bá, tính sâu rộng của doanh nghiệp chưa được nhiều. Trong năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 để làm sao cho mềm mỏng, uyển chuyển nhưng tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là không nặng nề về khâu thủ tục hành chính.
Được biết, GTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Từ năm 1996 đến năm 2015 đã có 1.690 lượt doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng, 188 doanh nghiệp đạt giải vàng, 128 doanh nghiệp được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Hùng