2 tỷ phú USD tuổi hổ nổi tiếng nhất thế giới

Nhật Linh

(Dân trí) - Mạnh mẽ, độc lập, táo bạo và tài trí hơn người là tính cách chung của những người tuổi hổ. Ở hai tỷ phú dưới đây, tính cách này càng nổi trội và nhờ đó họ đã gây dựng nên đế chế kinh doanh hùng mạnh.

Dù là ở Anh hay ở Ấn Độ, hai tỷ phú tuổi Dần dưới đây đều có khá nhiều đặc điểm chung đó là đam mê kinh doanh từ nhỏ, tự thân gây dựng sự nghiệp từ con số 0 và đều là những người có tầm nhìn táo bạo, quyết đoán trong kinh doanh.

Tỷ phú Richard Branson

Tỷ phú Richard Branson sinh ngày 18/7/1950, là một doanh nhân, ông trùm kinh doanh người Anh. Ông hiện là ông chủ của đế chế Virgin, tập đoàn đa ngành hiện kiểm soát 400 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

2 tỷ phú USD tuổi hổ nổi tiếng nhất thế giới - 1

Trong giới tỷ phú, ít có người nào chịu chơi và mạo hiểm như tỷ phú Richard Branson (Ảnh: Reuters).

Ngay từ hồi còn trẻ, Branson đã có khao khát trở thành một doanh nhân. Dự án kinh doanh đầu tiên của ông là một tạp chí có tên là Student, khi đó ông mới 16 tuổi. Năm 1970, ông thành lập công ty thu âm đặt hàng qua thư và mở chuỗi cửa hàng băng đĩa với tên gọi Virgin Records. Thương hiệu Virgin của ông phát triển nhanh chóng trong những năm 1980 khi ông thành lập hãng hàng không Virgin Atlantic và mở rộng thương hiệu âm nhạc Virgin Records.

Năm 1997, ông thành lập Virgin Rail Group để đấu thầu nhượng quyền đường sắt chở khách trong quá trình tư nhân hóa công ty đường sắt British Rail. Thương hiệu Virgin Trains đã vận hành nhượng quyền thương mại InterCity West Coast từ năm 1997 đến 2019, nhượng quyền thương mại InterCity CrossCountry từ năm 1997 đến năm 2007 và nhượng quyền thương hiệu InterCity East Coast từ năm 2015 đến năm 2018. Năm 2004, ông thành lập công ty du hành vũ trụ Virgin Galactic, có trụ sở tại Mojave Air và Space Port ở California được thiết kế cho du lịch vũ trụ.

Tháng 3/2000, ông Branson được phong tước hiệp sĩ tại cung điện Buckingham vì những cống hiến "dịch vụ cho tinh thần kinh doanh". Với lĩnh vực kinh doanh trải khắp từ bán lẻ, âm nhạc, vận tải đến du lịch vũ trụ và những sở thích phiêu lưu, những trò chơi ngông, tỷ phú Branson trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng trên toàn cầu. Năm 2007, ông được xếp vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.

Tháng 7 năm ngoái, Richard Branson đã trở thành tỷ phú đầu tiên thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ trên con tàu của hãng hàng không vũ trụ Virgin Galactic do ông sáng lập. Sau thành công này, Virgin Galactic đang hướng tới mục tiêu khai thác thương mại du lịch vũ trụ vào đầu năm nay.

Với tài sản ròng 5,4 tỷ USD, tỷ phú Richard Branson hiện xếp thứ 589 trong bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes.

Tỷ phú Branson có những tính cách quyết đoán, mạnh mẽ, đôi khi quá táo bạo. Trong giới tỷ phú, ít có người nào chịu chơi và mạo hiểm như ông.

Không chỉ nhảy vào hầu hết lĩnh vực kinh doanh từ giải trí, viễn thông, hàng không, nước giải khát, y tế, tài chính, đường sắt, du lịch,… vị tỷ phú này còn khiến nhiều người sửng sốt vì những trò "điên rồ", khác người của ông. Trong một buổi giới thiệu nhãn hiệu váy cưới Virgin Bride, vị tỷ phú này đã khiến khách mời ngã ngửa khi xuất hiện trong trang phục váy cưới và trang điểm như một cô dâu. Những năm 1990, để cạnh tranh với các thương hiệu mang tính biểu tượng như Coca - Cola và Pepsi, ông đã lập ra Virgin Cola. Trong một buổi quảng cáo cho thương hiệu này ở Quảng trường Thời đại, ông đã bắn nhiều phát đại bác vào biển quảng cáo của đối thủ. Hay để quảng cáo cho thương hiệu Virgin Mobile, vị tỷ phú này còn trèo lên một chiếc cần cẩu, lột đồ và vẫy các thiết bị mới của mình. Năm 2021, ông còn gây sốc khi xuất hiện trong vai trò nữ tiếp viên trên chuyến bay của hãng Air Asia khi thua cược trong một giải đua xe công thức một.

Mặc dù nắm trong tay hơn 400 công ty nhưng phong cách điều hành của ông cũng "khác người". Môi trường công sở ở Virgin thoải mái đến nỗi nhân viên không cần phải mặc vest hay đeo cà vạt, không cần lễ phép với cấp trên, thậm chí có thể uống bia nơi làm việc…

Tỷ phú Gautam Adani

Ông Gautam Adani, sinh ngày 24/6/1962, là doanh nhân tỷ phú nổi tiếng người Ấn Độ. Trong năm qua, ông Gautam Adani là một trong những tỷ phú có tốc độ tăng trưởng tài sản ấn tượng nhất trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg khi "bỏ túi" thêm 55 tỷ USD.

2 tỷ phú USD tuổi hổ nổi tiếng nhất thế giới - 2

Ông Gautam Adani vừa vượt qua người đồng hương Mukesh Ambani trở thành người giàu nhất châu Á (Ảnh: EPA).

Cách đây 2 ngày, theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Forbes, vị tỷ phú này đã vượt qua người đồng hương Mukesh Ambani trở thành người giàu nhất châu Á khi giá trị tài sản tăng lên 90,4 tỷ USD, trong khi tài sản của ông Ambani là 89,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện tại, theo chỉ số Bloomberg Billionaire Index, ông Gautam Adani sở hữu 88,5 tỷ USD, thấp hơn ông Ambani chỉ 600 triệu USD.

Gautam là người sáng lập và là Chủ tịch của Adani Group, nhà khai thác cảng lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn cơ sở hạ tầng có trụ sở ở Ahmedabad này cũng là nhà sản xuất than nhiệt điện và kinh doanh than lớn nhất đất nước.

Sinh trưởng trong một gia đình bình thường có 7 anh em, cha làm nghề buôn vải ở Gujarat, Gautam có một tuổi thơ tương đối nghèo khó. Ngay từ bé, ông Gautam đã bộc lộ niềm đam mê với kinh doanh. Khi còn là sinh viên năm thứ 2, Gautam đã bỏ học để theo đuổi ước mơ kinh doanh nhưng không nối nghiệp nghề buôn vải của cha. Năm 1978, ông đến Mumbai để lập nghiệp với vỏn vẹn 100 rupee trong tay. Sau 2-3 năm làm nhân viên phân loại kim cương, ông đã thành lập công ty môi giới kim cương của riêng mình là Zaveri Bazzar ngay tại trung tâm buôn bán trang sức sầm uất ở Mumbai.

Năm 1985, ông về quản lý nhà máy nhựa cho anh trai ở Ahmedabad và bắt đầu nhập khẩu nhựa PVC về Ấn Độ để cung cấp cho các ngành công nghiệp quy mô nhỏ. Đến năm 1988, vị doanh nhân này đã thành lập Adani Exports Limited, công ty mẹ của Tập đoàn Adani, chuyên kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.

Những năm 1990, ông nhanh chóng mở rộng kinh doanh, đưa Adani Group thành đế chế hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác than, phân phối dầu khí, cảng biển và đặc khu kinh tế. Đặc biệt, năm 1995, ông đàm phán thành công và giành quyền xây dựng cảng biển Mundra ở Gujarat, đưa cảng này trở thành cảng biển tư nhân lớn nhất Ấn Độ.

Mới đây, vị tỷ phú này cho biết sẵn sàng mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực như cảng biển, cảng hàng không…