Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu

Mai Chi

(Dân trí) - Với sức bền và sự quật cường, các doanh nhân tuổi Sửu và doanh nghiệp của mình đã vượt qua "năm Covid" với những kết quả đáng kinh ngạc.

Trên thương trường Việt có những doanh nhân tuổi Sửu lừng lẫy, sở hữu giá trị tài sản hàng nghìn tỷ đồng gây choáng ngợp.

Trải qua "năm Covid" 2021 với sự hoành hành của dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng dịch lần thứ tư buộc phải giãn cách xã hội trên diện rộng, theo đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động đáng kể. Mặc dù vậy, với sức bền và sự quật cường trong kinh doanh, loạt doanh nhân tuổi Sửu vẫn gặt hái nhiều kết quả đáng kinh ngạc, có những hoạt động đáng chú ý với doanh nghiệp của mình.

Năm kinh doanh kỷ lục của "vua thép" Trần Đình Long

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát - sinh năm 1961 (Tân Sửu), quê ở Hải Dương. Với vị thế của Hòa Phát trên thị trường, ông Long được gọi là "vua thép" và cũng là một trong những "tỷ phú USD" của Việt Nam được Forbes công nhận.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 1

Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long lãi kỷ lục trong năm 2021 (Ảnh minh họa: Forbes).

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đóng cửa phiên cuối cùng của năm Tân Sửu 2021 ở mức 42.200 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 0,12%. HPG ghi nhận mức sụt giảm 26% trong vòng 3 tháng nhưng vẫn tăng gần 47% trong một năm giao dịch.

Cổ phiếu HPG cuối năm 2021 và đầu năm 2022 diễn biến bất lợi chủ yếu do dòng tiền đầu cơ chảy vào cổ phiếu "nóng" mặc dù kết quả kinh doanh của Hòa Phát đạt kỷ lục. Cụ thể, trong quý IV/2021, Hòa Phát đạt 45.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 73% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.

Công ty của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục giữ vị trí số 1 thị phần thép xây dựng, ống thép, là doanh nghiệp Việt duy nhất sản xuất được HRC (thép cuộn cán nóng). Ở mảng nông nghiệp, công ty này cũng dẫn đầu về sản lượng bò Úc tại Việt Nam. Trứng gà sạch của Hòa Phát hiện đang dẫn đầu thị trường miền Bắc với sản lượng khoảng 800.000 quả/ngày. 

Trên thị trường chứng khoán, HPG giảm mạnh so với đỉnh, nhưng Hòa Phát vẫn là một trong 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, đạt 188.757,2 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại. Tài sản của ông Trần Đình Long đạt 49.222 tỷ đồng thông qua sở hữu gần 1,17 tỷ cổ phiếu HPG. Còn theo thống kê của Forbes thì giá trị tài sản ròng của vị doanh nhân này đạt 2,8 tỷ USD.

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh: Lợi nhuận tăng vọt

Bà Trương Thị Lệ Khanh (sinh năm Ất Sửu 1961) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) - là một trong những "nữ tướng" đình đám trên thương trường Việt. Năm vừa qua, tuy Covid-19 tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn là một năm rực rỡ với "bà hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 2

Bà Trương Thị Lệ Khanh (Ảnh chụp màn hình).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, trong quý cuối cùng của năm 2021, Vĩnh Hoàn đạt 2.694 tỷ đồng doanh thu, tăng 33,8% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh 26,4% so với quý IV/2020, đạt mức 461, tỷ đồng. EPS đạt gần 2.500 đồng/cổ phiếu.

Lũy kế cả năm 2021, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 9.060 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn và chi phí bán hàng lẫn chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn vẫn tăng hơn gấp rưỡi (tăng 54,3%) so với cùng kỳ, ở mức nghìn tỷ (đạt 1.110 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo công ty cho hay, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn tăng vọt trong năm 2021 do sản lượng và giá bán trong năm 2021 đều tăng.

Cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đạt đỉnh ngày 5/1 năm nay ở mức giá 67.300 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh giảm xuống mức 61.000 đồng ở phiên 28/1 - phiên cuối cùng của năm Ất Sửu. Mặc dù vậy, trong vòng một năm qua, VHC cũng đã tăng tới 65,5%. Với sở hữu 79,15 triệu cổ phiếu VHC, bà Khanh hiện sở hữu khối tài sản trị giá 4.828 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng "lò vôi"): Một năm bận rộn

Ông Huỳnh Uy Dũng sinh năm 1961 (Tân Sửu), có nguyên quán tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định.

Ông Dũng là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam. Cơ nghiệp của ông Dũng được biết tới gồm có khu công nghiệp Sóng Thần 2, khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…

Nổi tiếng nhất là khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) với quy mô 450 ha, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, có vườn thú rộng 12,5 ha, trường đua ngựa 60 ha, đường đua F1… Tuy vậy, ông Dũng chuyển giao quyền lực lại cho vợ mình là bà Nguyễn Phương Hằng.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 3

Vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng - bà Phương Hằng trong một buổi livestream (Ảnh chụp màn hình).

2021 là năm mà tên tuổi vợ chồng ông Dũng - bà Hằng cùng Trường đua Đại Nam phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội và truyền thông. Các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng thu hút sự chú ý lớn của công chúng.

Giữa năm 2021, bà Hằng đưa ra khả năng có thể giải thể, đóng cửa Khu du lịch Đại Nam, đồng thời tiết lộ, "thực ra Khu du lịch Đại Nam là mảng kinh doanh không có lãi" và vì phục vụ cộng đồng nên vợ chồng bà đã lấy tiền từ chỗ này chỗ kia để bù đắp vào khu du lịch này.

Tháng 6/2021, Quỹ từ thiện Hằng Hữu của gia đình bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng gửi công văn đến ba bệnh viện lớn là: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy về việc tạm ngừng tài trợ các chương trình "Trái tim Hằng Hữu" và "Giờ vàng cấp cứu" từ tháng 10/2021.

Lý do là diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến Công ty Cổ phần Đại Nam tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ của Khu du lịch Đại Nam văn hóa thể thao. Việc tạm dừng đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu (nguồn thu chính) của công ty, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Khu du lịch được dùng cho các chương trình thiện nguyện của Quỹ từ thiện Hằng Hữu cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Quỹ từ thiện Hằng Hữu đã gửi công văn thông báo sẽ tạm ngưng các hoạt động thiện nguyện từ tháng 10/2021.

Năm Sửu rực rỡ của các "banker"

Lĩnh vực ngân hàng có nhiều doanh nhân tuổi Sửu tài năng như ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank, bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch Kienlongbank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - CEO Sacombank.

2021 là năm rực rỡ của ngành ngân hàng, trong đó, những ngân hàng kể trên dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân tuổi Sửu đã bứt phá và tạo nên kỳ tích.

Ông Phạm Quang Dũng sinh năm Quý Sửu (1973) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietcombank kể từ 30/8/2021. Trước đó, ông Dũng đã từng giữ chức vụ Thành viên  HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng này từ tháng 11/2014.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 4

Ông Phạm Quang Dũng (Ảnh: VCB).

Trong năm đầu dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành với mức lãi trước thuế 27.376 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 424%.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 5

Bà Trần Thị Thu Hằng (Ảnh: KLB).

Trong khi đó, Kienlongbank dưới sự lãnh đạo của bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm Ất Sửu - 1985) cũng tăng trưởng vượt trội với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng (đạt 1.010 tỷ đồng), cao gấp 6 lần so với năm 2020. Năm 2021, ngân hàng này cũng đã tăng vốn điều lệ thành công lên 3.653 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Năm con Trâu quật cường của các doanh nhân tuổi Sửu - 6

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (Ảnh: STB).

Tại Sacombank, trên cương vị Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (sinh năm Quý Sửu - 1973) cũng đã điều hành giúp ngân hàng này xử lý dứt điểm phần lớn vấn đề tồn tại trong quá trình tái cơ cấu. Cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán thời gian qua tăng mạnh bất chấp biến động thị trường, lập đỉnh 35.550 đồng/cổ phiếu tại ngày 26/1.