1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

2 cán bộ công ty chứng khoán tiếp tay lừa hơn trăm tỉ

Tiếp tay cho 2 “sếp” lớn của Công ty chứng khoán SME lừa đảo, chiếm đoạt của đối tác cả trăm tỉ đồng, Nguyễn Huy Sơn và Nguyễn Phương Lan, là 2 trưởng bộ phận của công ty SME, đã bị bắt để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguồn tin ngày 22/3 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Huy Sơn (trú tại khu Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), nguyên Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính Công ty cổ phần chứng khoán SME (Công ty SME), và Nguyễn Phương Lan (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nguyên Trưởng bộ phận lưu ký chứng khoán Công ty SME về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, hồi tháng 8/2012, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nơi ở và bắt tạm giam đối với Phan Huy Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty SME và Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty SME cùng với tội danh trên.

Theo tài liệu tố tụng, bằng thủ đoạn gian dối, đưa mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, Chí và Tuấn đã tạo dựng được lòng tin, để Công ty Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (Công ty PVI) chuyển gần 108 tỉ đồng cho Công ty SME. Khi tiền đã nằm trong tài khoản, Chí rút hơn 42,4 tỉ đồng; Tuấn rút gần 37 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Quá trình điều tra mở rộng đã xác định vai trò đồng phạm, giúp sức cho Tuấn và Chí thực hiện hành vi lừa đảo của 2 bị can Sơn và Lan.

Được biết, Sơn là người trực tiếp liên hệ, cung cấp các hồ sơ về khách hàng "ảo"; biết rõ số dư các mã chứng khoán đưa vào hợp tác đầu tư với Công ty PVI là không có thật, nhưng vẫn cung cấp cho Công ty PVI để tạo lòng tin là chứng khoán thật...

Ngoài ra, Sơn còn ký hợp đồng đầu tư chứng khoán niêm yết  góp vốn đầu tư  với Công ty PVFI,  giá trị hợp đồng hơn 49,9 tỷ đồng; trong đó Sơn góp 60% bằng số dư các mã chứng khoán có giá trị gần 30 tỷ đồng.  Nhưng thực tế trong tài khoản của Sơn tại Công ty SME không có số dư các mã chứng khoán.

Đối với Nguyễn Phương Lan có hành vi nhập khống số dư các mã chứng khoán vào tài khoản của Công ty tư vấn Anh để tạo lập tài sản giả, làm cho Công ty PVI tin là có chứng khoán thật đồng ý ký hợp đồng và chuyển tiền cho Công ty SME, tạo điều kiện cho Chí và Tuấn chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp này.
 
Theo N.Quyết
Người Lao Động