1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

18 lao động Việt Nam mới làm bằng 1 lao động Singapore?

(Dân trí) - Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, mặc dù đã được thu hẹp dần khoảng cách song hiện nay năng suất lao động Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Mỗi lao động Việt Nam làm ra được hơn 74 triệu đồng (trên 3.500 USD) - ảnh minh họa.
Mỗi lao động Việt Nam làm ra được hơn 74 triệu đồng (trên 3.500 USD) - ảnh minh họa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

Những đại gia Việt tiêu tiền “gây sốt” nhất năm 2014

* VN thành công xưởng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới?

* Ngân hàng nào “đạt chuẩn” sáp nhập với Vietcombank và BIDV?

* Sập sàn, sụt bê tông tại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

* Indonesia: Máy bay AirAsia chở 162 người đã rơi xuống biển

* Thủ tướng bổ nhiệm một loạt nhân sự mới

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội  năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.515 USD/lao động).

Trong đó, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 133,4 triệu đồng/lao động, gấp 1,8 lần mức năng suất chung và khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng/lao động, gấp 1,36 lần. 

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 ước tính tăng 4,3% so với năm 2013, trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; khu vực dịch vụ tăng 4,4%. 

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng hé lộ một thực tế, là hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Tổng cục Thống kê chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của Việt Nam đạt thấp so với các nước trong khu vực là do cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao.

Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012 cũng là yếu tố khiến năng suất lao động “lép vế” hơn so với các nước khác.

Trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp: Tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 - 2005 chỉ đạt 11,9%; giai đoạn 2006 - 2010 là -4,5%; giai đoạn 2011 - 2013 là 23,6%. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ (hai khu vực quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn) vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam từng được đưa ra “mổ xẻ” nhiều lần tại các diễn đàn kinh tế thời gian qua. Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 9 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp từng lý giải: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc cả”. Song với trình độ như hiện nay, với nguồn vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay, thì sự phản ánh năng suất lao động thấp là khá chính xác. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tái cơ cấu là phải phát triển kinh tế theo chiều sâu, chú trọng công nghệ, như vậy mới hy vọng sớm cải thiện được năng suất lao động của Việt Nam.

Cũng tại báo cáo lần này, Tổng cục Thống kê cho biết thêm, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2014 đã lùi xuống 2,45%, thấp hơn mức 2,74% của năm 2012 và 2,75% của năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2014 là 2,08% (quý I là 2,21%; quý II là 1,84%; quý III là 2,17%; quý IV là 2,1%). Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) năm 2014 là 6,3%, cao hơn mức 6,17% của năm 2013.

Bích Diệp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”