17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1, nhóm bất động sản dẫn đầu

Thảo Thu

(Dân trí) - Tháng đầu năm 2023 sẽ có 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%, đến hạn.

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tháng đầu năm 2023 là gần 17.500 tỷ đồng. Số này tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng, với giá trị đạt lần lượt 10.500 tỷ đồng và 5.900 tỷ đồng.

Năm 2022 vừa rồi, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.500 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng trong tháng 12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 39.542 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021.

Cũng trong tháng 12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% và chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành.

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu năm 2022 là 337.713 tỷ đồng.

Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục thận trọng trong kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo tổng hợp của VBMA, mới có 2 ngân hàng đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay là Bac A Bank có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2, giá trị hơn 2.500 tỷ đồng trong tháng 1 và tháng 2/2023, kỳ hạn 7 và 8 năm.

BIDV cũng có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 với tổng giá trị hơn 6.700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 7, 8 và 10 năm. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 12/2022 đến tháng 1/2023 (tùy thuộc điều kiện thị trường thuận lợi).