1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm
(Dân trí) - Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Đó là công bố mới nhất được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam vào chiều nay (5/4).
Theo đó, Việt Nam đang giảm nghèo mạnh nhất trong thập niên qua, đặc biệt trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm tới 13%.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố dẫn đến điều này là bởi thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao đã giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo, giảm khoảng 4% từ năm 2014 xuống còn 9,8% vào năm 2016.
Bên cạnh đó, hiện nay, 70% người dân Việt Nam được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.
Hơn nữa, tầng lớp thu nhập cao này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.
“Đến thời điểm này, Việt Nam cũng đã có những bước tiến rất dài về giảm nghèo và tăng mức thịnh vượng chung, đặc biệt nổi bật ở nhóm dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là con số, nó còn thể hiện định hướng tốt của Chính phủ về nỗ lực giảm nghèo trong thập kỷ vừa qua”, ông Dione nói.
Bên cạnh đó, đại diện WB cũng cho rằng, khi người dân thoát nghèo thì kì vọng của người dân cũng tăng lên, như vậy chúng ta cũng phải thay đổi từ việc có thức ăn thành có thức ăn ngon. Đồng thời là trong tương lai, thu nhập phải tăng lên bền vững và không chỉ là có việc làm nữa mà phải là có việc làm tốt hơn.
“Tôi mong muốn người dân Việt Nam được hỗ trợ đồng đều và không có bất kì ngoại lệ nào dù họ ở Hà Giang hay Cà Mau”, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam chia sẻ.
Đồng tình với ông Dione, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cũng nhận định rằng, hiện Việt Nam còn 9 triệu người dân sống dưới mức nghèo cùng cực và nhiệm vụ của đất nước là không được để bất kì ai tụt lại phái sau.
Do đó, để họ có thể tiếp cận được mức sống tốt hơn thì phải triển khai những hành động thiết thực hơn để bản thân họ cũng có thể được hưởng lợi qua những phát triển chung của xã hội.
“Dân giàu ở Việt Nam là giàu cả dân tộc chứ không riêng tầng lớp nào cả”, ông Liêm nói thêm.
Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược nhằm thúc đẩy giảm nghèo và tăng cường chia sẻ thịnh vượng chung như nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cải cách giáo dục hay đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp,...
Hồng Vân