Nền kinh tế Việt Nam đã có thể "dựa lưng" vào tầng lớp trung lưu, triệu phú
(Dân trí) - Ở Việt Nam, mặc dù còn mỏng, nhưng tầng lớp trung lưu đang dần định hình, đây là phản ánh sự phát triển của thị trường Việt Nam và cho thấy một nền kinh tế dựa vào tầng lớp trung lưu đã đủ điều kiện để hình thành ở Việt Nam.
Đây là ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra mới đây để kiến nghị Nhà nước và bộ ngành cần có những chính sách để nâng tầm và phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Thành, cơ chế thị trường đã giúp người dân giải phóng các tài sản, vật chất lẫn phi vật chất, của cá nhân hoặc của gia đình, để thoát khỏi nghèo đói và trở thành thành viên của tầng lớp trung lưu. Chính cơ chế thị trường đã làm một bộ phận người dân trở nên giàu có hơn và làm xã hội phát triển. Điều này cho thấy một nền kinh tế dựa vào tầng lớp trung lưu đã đủ điều kiện để hình thành ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR cho hay: Tầng lớp trung lưu của Việt Nam mới chỉ tăng về lượng, còn chưa bảo đảm về chất. "Thu nhập tăng lên chưa chuyển hóa thành giáo dục, kỹ năng nghề nghiệp, lao động", ông Thành nói.
"Hiện quy mô của tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa đủ lớn và ổn định để có thể trở thành động lực cho sự tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế. Vì vậy, Nhà nước phải phát huy tốt vai trò điều tiết của mình trong việc ổn định vĩ mô để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu lớn mạnh", TS Nguyễn Đức Thành nói.
Đồng thời, Viện trưởng VEPR cho rằng: Việt Nam cần phải có những chính sách nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu từ việc cải thiện chăm sóc y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư vào các trường đại học và đào tạo kỹ thuật, cũng như xử lý những chênh lệch về thu nhập và giáo dục.
"Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành một xã hội trung lưu và các chính sách điều hành Nhà nước sẽ phải thay đổi trọng tâm, từ chỗ hỗ trợ thoát nghèo sang trợ giúp tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có hơn và quản lý những rủi ro có thể đẩy lùi những thành quả về kinh tế - xã hội", TS Nguyễn Đức Thành nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, hiện hơn ai hết, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ có những đòi hỏi lớn hơn về “tiếng nói”, phải có đại diện độc lập của người lao động ở nơi làm việc, công dân được giám sát các dịch vụ công, các tổ chức xã hội của người dân được tham gia nhiều hơn.
An Linh