1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

126.600 tỷ đồng tín dụng đã được "bơm" ra thị trường trong tháng 11

Mai Chi

(Dân trí) - SSI Research đánh giá, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu của SSI Research vừa công bố, trong tuần vừa qua, nghiệp vụ thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay đều không ghi nhận có giao dịch mới.

Thanh khoản trong hệ thống duy trì dồi dào và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,63% (giảm 1 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần là 0,74% (tăng 1 điểm cơ bản).

Đáng chú ý, theo cập nhật mới nhất, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/11 đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ tăng 8,4%).

Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường - gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9).

126.600 tỷ đồng tín dụng đã được bơm ra thị trường trong tháng 11 - 1

Tín dụng cung ra thị trường trong tháng 11 gần gấp đôi so với tháng 11 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, chia sẻ tại Tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế" do Báo Đầu tư tổ chức, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cũng đã cập nhật, tính ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 10% so với cùng thời điểm năm 2020. Cuối tháng 10, con số này là 8,7%.

Trong một diễn biến liên quan, NHNN cũng đã chấp thuận nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng (nới room tín dụng) năm 2021 cho một số ngân hàng, nới thêm 1 - 6 điểm phần trăm tùy vào chất lượng tín dụng và chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Cụ thể, hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng cổ phần sẽ là: VIB 20%; MSB 25%; TPBank 5%; Techcombank 25%; VPBank 17,1%; LietVietPostBank 20%; HDBank 20%; OCB 20%. Riêng nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh gồm VietinBank là 11,5%; Vietcombank 14% và BIDV là 11,5%.

Tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11. Bên cạnh đó, góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại TPHCM được đẩy mạnh từ tháng 10 để hỗ trợ nền kinh tế.

"Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số NHTM gần đây từ NHNN" - theo chuyên gia SSI Research.

Một điểm đáng lưu ý trong tháng 12 là động thái từ Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chặt chẽ hơn.

Tính đến hiện tại, 2 tổ chức phát hành và một công ty chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nguyên tắc phát hành. Do vậy, đơn vị này dự báo, thị trường TPDN có thể sẽ kém sôi động hơn trong quý IV nhưng đây là một bước đi cần thiết để lành mạnh hóa thị trường.

126.600 tỷ đồng tín dụng đã được bơm ra thị trường trong tháng 11 - 2

(Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp).

Về thị trường ngoại hối, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh, tăng tới 0,52% so với tuần trước, và kết tuần ở 22.792 VND/USD. Diễn biến tương tự cũng được thấy ở tỷ giá niêm yết ở các NHTM, kết tuần giao dịch ở mức 22.690/22.920, tăng 145 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó.

Diễn biến này tương đồng với các đồng tiền trong khu vực (ví dụ THB giảm 0,88%) khi Đông Nam Á thông báo đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron đầu tiên.

Theo công ty chứng khoán, đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố báo cáo đánh giá "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" và tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, dù đã vi phạm 3 điều kiện trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến hết tháng 6 năm nay.

Nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực, đến từ cán cân thương mại thặng dư (11 tháng ước tính xuất siêu 1,46 tỷ USD) , dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì khả quan, như trong tháng 11 ghi nhận dòng tiền trị giá khoảng 340 triệu USD từ việc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm