100 tỷ USD người Việt chảy vào túi nước ngoài?
Ngay cả khi người Việt ‘thắt lưng buộc bụng’ thì các ông lớn ngoại vẫn liên tiếp mở siêu thị để hút tiền người Việt.
Thị trường 100 tỷ USD
Theo dự báo của hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỉ USD/năm vào 2016 và tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn trong khu vực coi Việt Nam là thị trường trọng yếu khi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) hình thành vào cuối năm nay.
Vì vậy, các tập đoàn bán lẻ khi đặt chân vào Việt Nam đều xác định một chiến lược kinh doanh bài bản, với mục tiêu trở thành những nhà bán lẻ hàng đầu.
Ngay cả khi người tiêu dùng vẫn còn thắt lưng buộc bụng, thì các DN ngoại vẫn ra sức mở thêm các siêu thị, trung tâm thương mại mới, theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Siêu thị ngoại lấn át các siêu thị nội. |
Điều này lại càng khiến cho nhiều người lo lắng đến "số phận" của các DN bán lẻ trong nước hiện nay, vốn đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, DN bán lẻ trong nước đa số có quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính yếu kém. Đây là lý do quan trọng nhất khiến các DN mãi không "lớn" được và từ lâu đã trở thành "tử huyệt" cho các tập đoàn nước ngoài khai thác.
Bấp bênh DN nội
Khó khăn nhất hiện nay với các DN bán lẻ nội là mặt bằng. Nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang tăng nhanh tại là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên giá thuê quá cao đối với DN nội địa. Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, giá thuê trung bình khoảng 100 USD/m2 tại khu trung tâm và 40USD/m2 ở bên ngoài, đang khiến cho chi phí mặt bằng quá cao, chiếm từ 20-25% tổng doanh thu. Trong khi đó, theo tính toán, giá mặt bằng bán lẻ nếu chiếm đến 20% trở lên, tức là DN không có lãi. Các DN Việt chủ yếu có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, trong khi với lĩnh vực bán lẻ, phải thuê mặt bằng dài hạn nên rất khó khăn.
Tài chính không mạnh, nên các DN bán lẻ nội không thể nào hợp tác với các DN khác, hay các địa phương để phát triển nguồn hàng. Không "trường vốn", quy mô các siêu thị lại nhỏ bé, nên cũng không mua được số lượng lớn từ nhà cung cấp sản phẩm. Vì vậy mà phải chịu giá cao, khó cạnh tranh..
Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống logistics chuyên nghiệp, thì với các DN bán lẻ Việt, kho bãi, công nghệ bảo quản, vận chuyển... thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hoá chủ yếu là có gì bán nấy.
Tự bơi và đuối sức
Trong khi đó, ngành bán lẻ hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Loan, hiện chúng ta có chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư... nhưng không có khuyến thương.
Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020, được Chính phủ phê duyệt từ ngày 29/4/2014 và có hiệu lực ngay, nhưng đến nay hơn 1 năm trôi qua, mới bắt đầu triển khai. Và khi đi vào thực tế, nhiều chính sách đã bị cặt gọt đi nhiều.
Kể từ ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) có hiệu lực… sự kiện này chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta còn có hàng rào thuế quan, nhưng khi hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, hàng hóa các nước sẽ tràn về Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải chịu sức ép lớn trên chính sân nhà.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm.
Cơ hội vẫn giành cho tất cả các DN bán lẻ, nhưng nếu không có sự thay đổi, DN Việt không biết sẽ như thế nào?.