10 thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới
(Dân trí) - Theo một báo cáo mới nhất của công ty tư vấn đầu tư cư trú Henley & Partners, thành phố New York là nơi có nhiều cá nhân có giá trị tài sản ròng cao nhất trên thế giới.
Báo cáo cho thấy có khoảng 345.600 triệu phú cư trú tại Big Apple (biệt danh của thành phố New York), trong đó có 15.470 triệu phú có tài sản trên 10 triệu USD, 737 người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên và 59 tỷ phú. Trung tâm tài chính của Mỹ cũng được coi là thành phố giàu nhất thế giới dựa trên nhiều tiêu chí.
Theo báo cáo, khoảng 4% trong tổng số 8,38 triệu dân New York sở hữu các tài sản có thể đầu tư - bao gồm bất động sản, tiền mặt hoặc cổ phiếu - có giá trị trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, con số đó đã giảm đáng kể xuống còn 15.470 người khi đánh giá những người có tài sản trên 10 triệu USD.
Tổng tài sản tư nhân do cư dân New York nắm giữ hiện đã vượt quá con số 3.000 tỷ USD. Đáng chú ý, con số này còn nhiều hơn cả tổng tài sản do tư nhân nắm giữ ở hầu hết các nước G20.
Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đứng thứ 2 với 304.900 người có tài sản ròng cao. So với New York, những người có tài sản ròng trên 10 triệu USD của Tokyo ít hơn nhiều. Cụ thể, 7.350 triệu phú có tài sản trên 10 triệu USD, 263 người có tài sản trên 100 triệu USD và 12 người là tỷ phú USD.
Khu vực Vịnh San Francisco, bao gồm cả Thung lũng Silicon (Mỹ), đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố giàu nhất thế giới, với 276.400 người có tài sản ròng cao, trong đó 12.890 người có tài sản trên 10 triệu USD, 623 người có tài sản từ 100 triệu USD và 62 tỷ phú sống ở thành phố này.
Trong top 10 thành phố giàu nhất thế giới, ngoài New York và khu vực vịnh San Francisco, Mỹ còn có Los Angeles (xếp thứ 6), Chicago (xếp thứ 7) và Houston (xếp thứ 8).
Trong đó, Houston là một trong những thành phố có tốc độ tăng dân số triệu phú nhanh nhất. Theo báo cáo, tính đến năm nay, cá nhân có tài sản ròng cao ở Houston tăng 6%. Austin, Miami, West Palm Beach và Greenwich và một số thành phố khác của Mỹ cũng chứng kiến sự tăng trưởng cao về số lượng cá nhân có tài sản ròng cao.
Báo cáo cũng cho biết điều này có liên quan đến việc các công ty lớn của Mỹ chuyển trụ sở đến các thành phố trên. Kể từ khi đại dịch bùng phát và chuyển sang làm việc linh hoạt, các công ty yêu cầu ít không gian văn phòng hơn và nhiều nhân viên chuyển đến các thành phố nhỏ hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm chi phí sinh hoạt.
Xu hướng đó đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, khi Orcale và Tesla chuyển từ California đến Austin, Hewlett-Packard chuyển đến Houston vào đầu năm nay.
Ngoài ra, theo ông Andrew Amoiks - trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn tài sản New Word Wealth, người hợp tác trong việc phát hành báo cáo với Henley & Partner, những thành phố trên cũng đã trở thành điểm đến nghỉ hưu hàng đầu.
"Florida là điểm đến ngày càng phổ biến đối với những cá nhân có tài sản ròng cao đã nghỉ hưu, đặc biệt là các thành phố ven biển của Mỹ", ông nói.
Tuy nhiên, 5 thành phố có mức tăng trưởng triệu phú nhanh nhất lại không thuộc Mỹ. Theo đó, dẫn đầu về khía cạnh này là các thành phố Riyadh ở Saudi Arabia, Sharjah và Dubai ở UAE, Lusaka ở Zambia và Luanda ở Angola. Trong nửa đầu năm nay, các thành phố này đã chứng kiến sự gia tăng dân số có giá trị ròng cao lên tới 20%. Điều này, theo báo cáo, là do sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt khi giá năng lượng tăng cao, thúc đẩy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tỷ lệ dân số có tài sản ròng cao không bùng nổ ở khắp nơi, nhiều thành phố thậm chí còn tụt hạng hoặc chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng những người siêu giàu sống ở đó.
Trong số 10 thành phố có số lượng cá nhân có giá trị ròng cao lớn nhất, 7 thành phố chứng kiến sự sụt giảm. Chỉ có Khu vực Vịnh San Francisco, Singapore và Houston là có sự tăng trưởng.
Ngay cả New York, thành phố xếp đầu bảng, cũng chứng kiến số cá nhân có giá trị ròng giảm 12% trong năm 2022. Los Angeles giảm 6% và Chicago giảm 4%.
Ông Amoils cho rằng, các cá nhân có giá trị ròng cao ở Mỹ thường tìm kiếm các thành phố có cơ hội kinh doanh tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn và thuế cũng là động lực chính thu hút các cá nhân siêu giàu tới sinh sống.
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, ông Amoils cho biết, số lượng cá nhân có giá trị ròng cao trên toàn thế giới đã giảm 5% trong nửa đầu năm nay. Sự sụt giảm này chủ yếu là do các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán hoạt động kém hiệu quả.
Top 10 thành phố giàu nhất thế giới và số lượng cá nhân có tài sản ròng cao do Henley & Partner công bố.
1. New York, Mỹ (345.600 người)
2. Tokyo, Nhật Bản (304.900 người)
3. Khu vực Vịnh San Francisco, Mỹ (276.400 người)
4. London, Anh (272.400 người)
5. Singapore (249.800 người)
6. Los Angeles, Mỹ (192.400 người)
7. Chicago, Mỹ (160.100 người)
8. Houston, Mỹ (132.600 người)
9. Bắc Kinh, Trung Quốc (131.500 người)
10. Thượng Hải, Trung Quốc (130.100 người)