10 kiot bánh Trung thu "chen chân" đoạn phố 100m, chung cảnh đìu hiu

Chưa đầy 1 tháng nữa là tới Rằm tháng 8, các kiot bán bánh Trung thu dựng lên nhan nhản khắp vỉa hè Thủ đô, cùng trên một phố có tới hàng chục thương hiệu khác nhau nhưng phần lớn đều chung cảnh đìu hiu, vắng khách.

Đoạn đầu phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội), chỉ khoảng 100m đã có tới 10 hàng bán bánh Trung thu, một số thương hiệu sở hữu 2 kiot ngay trên đoạn phố ngắn này. Cách đó chỉ một con phố, ngay ngã tư tiếp theo lại có 4 kiot khác và cũng là từng ấy thương hiệu bánh. Vắng khách, hầu hết các kiot chỉ có 1 nhân viên trông hàng.

10 kiot bánh Trung thu chen chân đoạn phố 100m, chung cảnh đìu hiu - 1

Hàng dài kiot bánh Trung thu vắng khách tại phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội

Chị Thuỳ Trang, nhân viên bán bánh Trung thu (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, ca làm việc của chị khá nhàn, phần lớn thời gian ngồi không vì vắng khách. “Mình làm thời vụ từ 7h – 15h mỗi ngày, ngoài lương cứng, được hưởng thêm 2% doanh thu”, chị Trang nói.

10 kiot bánh Trung thu chen chân đoạn phố 100m, chung cảnh đìu hiu - 2

Nhân viên bán hàng ngồi không vì vắng khách

Thị trường phong phú, nhiều lựa chọn về phân khúc, giá cả, tuy nhiên, hầu hết các kiot bánh vỉa hè đều chung cảnh đìu hiu. Mở bán đã hơn nửa tháng nay, đặt kiot ở những tuyến phố đông người qua lại như Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến (Hà Nội) hay ngay dưới vỉa hè trung tâm thương mại, siêu thị sầm suất nhưng tình hình kinh doanh của nhiều đại lý vẫn không mấy khả quan, ế ẩm.

Chị Minh Anh, nhân viên bán bánh Trung thu (Trung Hoà, Hà Nội) cho biết, từ ngày mở hàng đến nay, đắt khách nhất là dịp trước Rằm tháng 7 do nhiều người mua ăn sớm, thắp hương.

“Ngày thường, số bánh bán được vào sổ có khi không hết 1 trang, chủ yếu là dòng bánh cơ bản. Hãng mình có hộp đắt nhất là 4,5 triệu đồng thì chưa có người hỏi mua”, chị Minh Anh kể.

10 kiot bánh Trung thu chen chân đoạn phố 100m, chung cảnh đìu hiu - 3

Dòng bánh giá cả bình dân được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Tương tự, nhân viên một hãng bánh Trung thu Hong Kong ở Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết, lượng bán ra những ngày này khá ảm đạm và kỳ vọng doanh thu sẽ khởi sắc vào đợt cao điểm 1-15/8 (Âm lịch) sắp tới. 

Theo tiết lộ của một đại lý bánh Trung thu tại Hà Nội, không phải người bán không biết sức mua thị trường mà dựng kiot sớm cả tháng nay, tất cả đều có lý do.

Người này phân tích: “Một phần đấy là quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, tạo độ phủ sóng lớn cho thương hiệu. Ngoài ra, thuê kiot sớm sẽ giữ được vị trí đẹp, trung tâm dễ hút khách”.

Thị trường bánh Trung thu năm nay, ngoài những thương hiệu truyền thống trong nước còn có các dòng bánh ngoại nhập, liên doanh, bánh cao cấp của các khách sạn 5 sao. Thêm vào đó là các loại bánh ăn kiêng, bánh cho thiếu nhi, bánh Trung thu thủ công nghệ thuật, … cũng được tung ra thị trường.

Các loại bánh phổ thông cỡ nhỏ 120 – 150g giá thấp nhất từ 50.000 đồng/ cái, bánh cỡ lớn 230 – 800g giá 180.000 – 380.000 đồng/ cái. Dòng bánh cao cấp có kèm trà/ rượu giá thấp nhất từ 2,5 triệu đồng/hộp.

10 kiot bánh Trung thu chen chân đoạn phố 100m, chung cảnh đìu hiu - 4

Hộp bánh trung thu 1,9 triệu đồng của một khách 5 sao tại Hà Nội

Bánh của các khách sạn nổi tiếng đã có mặt trên thị trường từ trước rằm tháng 7. Phân khúc 5 sao ghi nhận giá rẻ nhất khoảng 720.000 đồng/hộp 4 bánh của khách sạn Grand Plaza. Đắt tiền hơn là bánh của các khách sạn Sheraton, JW Marriott, Daewoo. Thuộc nhóm kịch trần trong phân khúc 5 sao là bộ 6 bánh 100g kèm rượu của khách sạn Metropole giá gần 3 triệu đồng/ hộp. Ngoài ra, một khách sạn ở Hà Nội còn tặng đêm nghỉ cho khách hàng mua 6 hộp trở lên.

Bộ sưu tập bánh Trung thu tại khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72 có 9 vị bánh. Bánh được đặt trong ba thiết kế: hộp đơn bánh, hộp bốn bánh kèm trà và hộp sáu bánh kèm một chai rượu vang. Mỗi hộp có giá từ 225.000 - 1.550.000 đồng.