Vốn liếng mang về quê

Những ngày gần đây, hàng trăm ngàn Việt kiều đang từ khắp các quốc gia trở về VN ăn Tết Tân Mão. Hành trang về VN của họ không chỉ là đồng vốn chắt chiu, không ít người còn mong chuyển giao công nghệ, kiến thức học được ở nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh tại VN.

 

Vốn liếng mang về quê  - 1

Ước tính mỗi ngày có vài chục triệu USD được bà con kiều bào gửi về VN. Một lượng lớn trong nguồn vốn trên đang tìm kênh đầu tư, kinh doanh tại VN.

 

Quyết tâm về nước làm giàu

 

Theo Ủy ban người VN ở nước ngoài, dịp Tết Tân Mão cả nước sẽ đón hàng trăm ngàn kiều bào về quê ăn tết. Ông Trần Hòa Phương, phó chủ nhiệm Ủy ban người VN ở nước ngoài tại TP.HCM, cho biết năm 2010 có khoảng 500.000 Việt kiều về TP.HCM với các mục đích như thăm quê, thăm gia đình, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh đang có tại VN. Chỉ riêng dịp tết này, TP.HCM đón khoảng 50.000 kiều bào. Trong đó chủ yếu về từ các nước kinh tế phát triển Mỹ, Úc, Canada và các nước châu Âu.

 

Ông Phương cho biết hầu như bà con Việt kiều nào về quê ăn tết cũng “xách tay” một lượng tiền với nhiều mục đích như mua nhà, mua sắm, gửi người thân hoặc tham gia các kênh đầu tư... “Chúng tôi vừa tổ chức cho hơn 80 Việt kiều đi thăm các công trình trọng điểm tại TP.HCM như cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm... Đa số đều bất ngờ trước sự phát triển mạnh mẽ của TP và có ý muốn trở về VN làm ăn” - ông Phương cho biết.

 

Tại buổi giao lưu “Kiều bào và hội nhập” do Hội liên lạc người VN ở nước ngoài tổ chức, rất nhiều Việt kiều đã chia sẻ kinh nghiệm và quyết tâm trở về làm giàu. Tại buổi giao lưu, nhiều bà con kiều bào tỏ ra đặc biệt quan tâm tới dự án biogas trong mô hình VACB (vườn - ao - chuồng - biogas) do ông Đỗ Ngọc Quỳnh, cựu Việt kiều Đức, giới thiệu.

 

Ông Quỳnh cho biết nhiều người thân, bạn bè của ông từ Đức về VN ăn tết cũng có ý muốn làm ăn tại VN và ủng hộ mô hình VACB. Ngoài ra, các lĩnh vực về công nghệ môi trường, công nghệ thông tin, quản lý chất thải môi trường... cũng được nhiều Việt kiều quan tâm tìm hiểu để tìm cơ hội kinh doanh. Theo ông Phan Thám - chủ nhiệm Ủy ban người VN ở nước ngoài tại TP.HCM, hiện Khu công nghệ cao tại TP.HCM đã có mười dự án do vốn của bà con kiều bào đầu tư.

 

Gây dựng sự nghiệp mới

 

Mục Kiều bào rất mong nhận được chia sẻ chuyện về người Việt ở nước ngoài của độc giả. Xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thuytrang@dantri.com.vn. Xin chân thành cảm ơn!

Có nhiều mối quan hệ và sự am hiểu thị trường tiêu dùng sau hơn mười năm sống tại Pháp, ông Trần Quốc Hiếu cho biết sẽ tận dụng cơ hội hơn 20 ngày ở VN trong dịp tết này để tìm các cơ sở làm bánh tráng, kẹo dẻo, kẹo đậu phộng, bánh phồng tôm, đồ nội thất bằng mây tre... để lấy mẫu hàng, thương lượng giá, tìm hãng tàu, tính toán giá chào hàng với đối tác đã liên hệ trước tại Pháp.

Ông Hiếu cho biết đã có bảng báo giá một số mặt hàng và trước mắt sẽ xuất khẩu khoảng 10 tấn bánh tráng/tháng. Trở về VN, với số vốn ban đầu khoảng 300.000 USD, ông Hiếu đang cùng bạn bè chuẩn bị thành lập công ty để xuất khẩu các mặt hàng nói trên sang thị trường Pháp.

 

Cũng bắt đầu gầy dựng sự nghiệp mới tại quê nhà sau hơn 40 năm học tập và làm việc ở Đức, ông Trần Văn Bình - giám đốc Công ty TNHH Văn Trần - cho biết sẽ đảo lại thời gian biểu từ chín tháng tại nước ngoài và ba tháng còn lại trong năm ở VN thành chín tháng tại VN và ba tháng tại nước ngoài để tiện cho công việc.

 

Công ty đang làm nhiều dự án tư vấn và sắp tới sẽ liên doanh với đối tác nước ngoài để đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, trước mắt tập trung vào năng lượng gió, gồm các dự án tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre. Ông Bình cho biết: “VN có nguồn năng lượng gió vô cùng lớn. Nhiều bạn bè và nhà đầu tư tôi biết ở Đức rất muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch này. Họ đang chờ chính sách và quy định về mua bán điện từ năng lượng gió”.

 

Là tiến sĩ tại Đức về năng lượng gió, ông Bình chọn mở doanh nghiệp hoạt động trong ngành này không chỉ với lợi ích kinh tế mà còn truyền đạt, chuyển giao những gì ông và đồng sự đã học được về năng lượng gió cho các kỹ sư và những người kinh doanh quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch.

 

Để làm được điều này, bên cạnh các dự án thực tế, ông Bình đã cùng với hai người bạn khác xuất bản cuốn sách Phong điện - nguồn năng lương tái tạo cho VN với những thông tin về tiềm năng, thực trạng phát triển, thậm chí có nêu một số đề xuất tháo gỡ những vướng mắc nhằm thúc đẩy đầu tư, các kỹ thuật cơ bản của năng lượng gió. Ông Bình còn dự kiến thành lập một nhóm chuyên gia hoạt động trong ngành năng lượng gió để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

 

Giáo dục cũng là ngành hấp dẫn không ít Việt kiều. Ông Lê Đức Vĩnh, Việt kiều Singapore, cho biết vợ ông vẫn có quốc tịch VN nên việc đầu tư về trong nước khá thuận lợi. Trong khi bà xã Phạm Thị Như Trâm đang đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản thì ông Vĩnh cho biết sẽ chọn ngành giáo dục. “Bạn tôi cũng ở Singapore về, đã mở một trường quốc tế ở TP.HCM và đang hoạt động rất tốt. Tôi thấy đầu tư vào giáo dục tại VN rất hấp dẫn” - ông Vĩnh nói.

 

Theo Bạch Hoàn

Tuổi trẻ

 

Dòng sự kiện: Tết Việt nơi xa xứ