Trăn trở tiếng Việt ở Thái Lan

Bà con kiều bào ta không chỉ ở Thái Lan mà còn hơn bốn triệu người ở khắp nơi trên thế giới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp để tiếng Việt không bị mai một ở các thế hệ kiều bào mai sau

Trăn trở tiếng Việt ở Thái Lan - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ kiều bào và sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thái Lan.

Dù thời gian thăm hạn chế, nhưng cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với đại diện bà con Việt kiều ở Thái Lan lại khá dài và cảm động. lý do rất đơn giản. đó là vì những tiếng nói chân thành của quê hương được gặp nhau nơi đất khách.

Thời thế thay đổi

Ở Thái Lan hiện có hơn 100.000 bà con kiều bào đang sinh sống. Họ sang đây từ hồi Pháp thuộc, trong những năm chiến tranh ở Đông Dương và cả sau này. Thời đó, tiếng Việt bị cấm sử dụng nơi công cộng, những người di cư từ Việt Nam chỉ lén lút trao đổi ngôn ngữ mẹ đẻ tại gia. Bởi vậy, những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, thậm chí là thứ tư, được sinh ra và lớn lên trên đất Thái hầu như không biết tiếng Việt. Họ chỉ có thể được nghe ông bà mình sử dụng tiếng Việt trong khuôn khổ hạn hẹp, khi có những sự kiện liên quan đến họ hàng còn lại ở Việt Nam.

Những năm gần đây, tiếng Việt ở Thái Lan đã có cơ hội phục hồi khi quan hệ hai nước phát triển, cũng như mối giao lưu trong khối ASEAN ngày càng rộng mở.

Trước hết, các bạn trẻ Việt kiều ở Thái muốn được tìm hiểu về tổ tông của họ, về đất nước mà ông bà, cha mẹ họ đã lớn lên. Tiếp đó, những người biết tiếng Việt sẽ có ưu thế tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp mà Thái Lan đang đầu tư vào Việt Nam cũng như kinh doanh với Việt Nam. Trong các nước khu vực, Thái Lan là bạn hàng thương mại số 1 của Việt Nam và là nhà đầu tư nằm trong top 10 tại đây. Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực như hải quân, an ninh, tiếng Việt cũng như tiếng của các nước ASEAN khác được coi là môn ngoại ngữ được khuyến khích học tập bên cạnh tiếng Anh.

Cần quyết tâm cao

Muốn học một ngoại ngữ thì cần phải có những yếu tố sau: giáo viên, giáo trình và địa điểm dạy - học. Lâu nay, bà con Việt kiều ở Thái cố gắng xoay sở để có được những điều này. Thầy giáo có thể đơn giản là ông bà, cha mẹ hoặc một người hàng xóm lớn tuổi tốt bụng nào đó muốn truyền đạt ngôn ngữ tổ tiên cho con cháu. Giáo trình thì có thể lấy từ trên mạng hoặc thông qua những người ở Việt Nam sang, với lối diễn giải chung chung. Còn nơi học là những cửa hàng ban ngày để bán hàng, buổi tối lau chùi sạch sẽ thành lớp học. Người học rất đa dạng từ lứa tuổi các cháu mới đi học, nhưng cũng có thể là các cô cậu thanh niên và cả những cô bác trên 50 tuổi.

Khó khăn là như vậy, nhưng điều đó không ngăn cản kiều bào ở Thái Lan hướng về quê cha đất tổ, với thành tố cơ bản là ngôn ngữ. Làng Hữu nghị Thái -Việt được xây tại tỉnh Nakhon Phanom, rồi Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Udon Thani hay Trung tâm Hữu nghị do UBND TP. Hà Nội hỗ trợ xây dựng tại một tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan đều hướng đến việc truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt. Ông Cao Văn San, Chủ tịch Hội người Việt toàn Thái nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Thái Lan đã đề nghị sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam gửi giáo viên hoặc kinh phí cho giáo viên dạy tiếng Việt, một bộ giáo trình chuẩn, giúp xây dựng các trung tâm dạy tiếng Việt. Ngoài ra, kiều bào ở Thái Lan cũng mong muốn có cơ hội nhìn thấy các đoàn văn nghệ từ trong nước sang biểu diễn để tận mắt chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống đích thực.

Ngay tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã chỉ đạo cho một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đi cùng đoàn cần làm việc ngay với Tổng hội người Việt toàn Thái để thảo luận chi tiết về các đề nghị truyền bá tiếng Việt. Thủ tướng cho rằng cốt lõi của tình cảm kiều bào xa xứ đối với quê hương chính là thông qua những giá trị văn hóa họ còn gìn giữ, mà thông điệp của nó chính là tiếng Việt. Những điều này chúng ta cũng đã biết từ lâu. Đã có những đề án dạy tiếng Việt cho kiều bào bằng sách giáo khoa, băng đĩa, học qua mạng hơn chục năm qua… nhưng chúng chưa đi vào thực tế.

Thời gian không chờ đợi. Bà con kiều bào ta không chỉ ở Thái Lan mà còn hơn bốn triệu người ở khắp nơi trên thế giới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp để tiếng Việt không bị mai một ở các thế hệ kiều bào mai sau. Nguyện vọng này hết sức chính đáng và cũng rất phù hợp với chính sách đại đoàn kết của dân tộc ta.

Theo Tùng Lâm

Thế giới và Việt Nam

Trăn trở tiếng Việt ở Thái Lan - 2