Tiếng vĩ cầm từ London

Sau 30 năm sống ở châu Âu, Nguyễn Sầm Thi quay trở lại Hà Nội để tham gia buổi biểu diễn duy nhất tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Trò chuyện với người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc ngắn chải ngược, chị đã chia sẻ về duyên nợ đời mình với cây vĩ cầm...

Nghệ sĩ Sầm Thi (phải) và tác giả.

 Nghệ sĩ Sầm Thi (phải) và tác giả.
Nguyễn Sầm Thi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bố chị là nghệ sỹ vĩ cầm Nguyễn Khắc Văn còn các cô chú Khắc Huề, Khắc Hoan, Tuyết Trang cũng đều là những nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng một thời của Hà Nội. Bản thân Sầm Thi đã được đánh giá là một tài năng vĩ cầm từ khi còn rất trẻ.

17 tuổi, Sầm Thi sang Nga học tại Học viện Âm nhạc Gnesin. Năm 1985, chị về Việt Nam theo học và làm trợ giảng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ba năm sau đó, chị tiếp tục sang Hong Kong, Na Uy và Anh để theo đuổi ước mơ âm nhạc của mình. Sầm Thi hiện đang sống cùng chồng và hai con tại London và tình yêu với vĩ cầm luôn là nguồn cảm xúc để chị làm tốt công việc cũng như truyền tình yêu đó tới các con mình.

Chị thấy cuộc sống bên Anh có khác Việt Nam nhiều không?

Tôi thấy sống ở đâu cũng như nhau cả thôi. Tôi vẫn có cuộc sống của một người mẹ, một người vợ bình thường cùng gia đình mình.

Chị vẫn đi biểu diễn vĩ cầm thường xuyên chứ?

Không, công việc chính của tôi là dạy nhạc, khoảng 30 giờ mỗi tuần. Hiện tôi đang làm cho Trung tâm liên kết các trường dạy nhạc cho trẻ em, đôi khi đi dạy thêm vĩ cầm, thỉnh thoảng mới biểu diễn tại một số chương trình.

Việc dạy nhạc cho trẻ em có gì thú vị?

Tôi đưa vĩ cầm đến với học sinh ở các trường tiểu học. Dạy cho các em biết thế nào là âm nhạc, là vĩ cầm. Sau một thời gian ngắn làm quen, tôi chọn ra những học sinh có tiềm năng để đưa vào một nhóm dạy nâng cao hơn.

Để chơi được nhạc phải có tiết tấu trong người, nếu không được dạy từ bé, các em sẽ không biết tiết tấu là gì, không phân biệt được các loại tiếng động…

Bên Anh có rất nhiều dàn nhạc giao hưởng, họ lo rằng nếu không giáo dục từ bây giờ, khi lớp nghệ sĩ hiện nay đến tuổi về hưu, ai sẽ lên thay thế. Vì thế họ chú trọng đào tạo âm nhạc từ lớp tiểu học. Tôi thấy phương pháp giáo dục này thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng của nền giáo dục Anh. Đó còn là vì họ có lịch sử giáo dục âm nhạc hơn mấy trăm năm.

Đối với Việt Nam, vĩ cầm dường như chỉ dành cho lớp “quý tộc”.

Tôi biết Việt Nam chưa chú trọng đến phát triển đời sống tinh thần của học sinh như nước Anh, và cũng chưa đặt nặng tầm quan trọng của âm nhạc. Tôi hy vọng mọi người hiểu rằng âm nhạc là gần gũi, đàn vĩ cầm và đàn dương cầm đều không phải cái gì cao sang cả.

Trong hơn 30 năm xa quê, đây mới là lần thứ ba chị trở về Tổ quốc. ..

Tôi về Việt Nam gần đây nhất vào năm 2009, cũng để tham gia một chương trình biểu diễn. Lý do có lẽ vì bố tôi đã mất cách đây 14 năm, mẹ và em trai tôi lại đang sống ở nước ngoài. Gia đình gần gũi nhất của mình không ở Việt Nam nên tôi chỉ kết hợp về biểu diễn...

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc - nền tảng đó tạo thuận lợi và khó khăn gì cho chị?

Tôi nghĩ thuận lợi nhiều hơn. Từ năm 17 tuổi, bắt đầu đi học ở nhiều nước, tôi thấy không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc từ sớm và réo rắt cả ngày thế này.

Còn khó khăn, vì nền tảng âm nhạc của gia đình nên mọi người luôn kỳ vọng tôi sẽ đạt được thành công ở mức độ nào đó, vô hình trở thành áp lực - đôi khi là khá lớn (cười).

Tôi đã xem chị tham gia chương trình TV Dinner với đầu bếp nổi tiếng người Anh Hugh Fearnley-Whittingstall.

Ồ, bạn cũng xem chương trình đó à? Lần đó là khi tôi mới trở về từ Malaysia. Tôi thấy trên truyền hình quảng cáo tìm kiếm những người không phải đầu bếp chuyên nghiệp nhưng yêu thích nấu ăn, không phải những món ăn phổ biến ở Anh. Thế là tôi gọi điện bảo họ rằng tôi là người Việt Nam, nấu được các món Việt Nam...

Tôi làm nem cuốn, chè đỗ đen và ốc nhồi mời các bạn tới ăn tân gia. Nếu xem chương trình bạn sẽ thấy, mấy người bạn của tôi chưa nhìn thấy đồ uống đen đen như thế bao giờ, nên ngay thìa đầu tiên, họ đã nhăn nhó... Tôi rất thích làm các món ăn Việt Nam và giới thiệu cho những người bạn quốc tế của mình.

Quay chương trình với vị đầu bếp nổi tiếng, chắc chị có nhiều ấn tượng lắm?

Mãi đến lúc chương trình được phát sóng, tôi mới biết anh ấy là đầu bếp nổi tiếng. Vì lúc đến nhà tôi, anh ấy ăn mặc đơn giản lắm. Còn Ban tổ chức lại tưởng tôi biết anh ấy từ trước rồi. Vì không biết nên lúc nấu ăn, tôi “sai vặt” anh ấy khá nhiều. Hồi ấy, tiếng Anh chưa tốt nên tôi nói rất đơn giản, không có please (làm ơn) hay gì cả. Lúc xem lại chương trình, tôi thấy ngại quá!

Bao giờ chị sẽ quay lại Việt Nam?

Có lẽ là tháng 10 năm nay, tôi sẽ về cùng em trai. Em trai tôi có buổi biểu diễn ở đây.

Chị sẽ đưa cả gia đình về chứ?

Chắc chắn rồi, một ngày nào đó…

Cảm ơn chị!

Theo Khánh My
TGVN