Thăm đại công trình của người Việt ở cố đô Yangon

Người Myanmar đã vui thì những nhà đầu tư Việt Nam - những đấu sĩ trên thương trường này đã có lý do chính đáng để còn vui hơn và có lẽ họ sẽ cùng nhau chung sức chung lòng hơn để làm cho đất nước chùa vàng ngày càng khởi sắc.

Niềm tự hào của người Việt

Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tại thành phố Yangon (nước Cộng hoà Liên bang Myanmar) toạ lạc tại khu vực đắc địa nhất của cố đô Yangon, nằm bên con đường đẹp nhất, là trung điểm giữa sân bay quốc tế nối với đường cao tốc đến thủ đô Nay Pyi Taw. Khu phức hợp đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đan xen giữa rừng cây xanh lâu năm, soi mình xuống những hồ nước mênh mông, sừng sững bên những hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nổi bật trên nền trời cố đô cổ kính của đất nước Myanmar. Tác phẩm kiến trúc hoành tráng của con người và thiên nhiên khiến những người dự lễ bàn giao mặt bằng và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 khu phức hợp đều ngạc nhiên, ngưỡng mộ trí tuệ, bàn tay, khối óc của những con người làm nên công trình có tầm vóc thế kỷ, lớn nhất Myanmar vào thời điểm này. Thiếu tướng, tiến sĩ, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân Phạm Văn Miên - người bạn đường trong chuyến đi của tôi, ngước nhìn khách sạn 5 sao - Melia Yangon, thốt lên: “Đẹp, sang trọng và bề thế hơn khách sạn Melia ở Hà Nội”.

Khách sạn Melia Yangon cao 23 tầng với tổng diện tích xây dựng 53.986m2, có 429 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm trung tâm hội nghị, nhà hàng, trung tâm giải trí, thể thao và các tiện ích cao cấp khác sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu các nhà đầu tư của khách du lịch quốc tế đến với đất nước Myanmar xinh đẹp có chùa Vàng, hồ Inle, khu đền Bagan… Những năm gần đây mỗi năm Myanmar đón 1 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch, giá phòng khách sạn 5 sao hiện nay là 250USD/đêm, khách sạn Melia Yangon sẽ là “con gà mái đẻ trứng vàng” cho Hoàng Anh Gia Lai tại sứ xở chùa vàng.

Ông Đoàn Nguyên Đức, những người hâm mộ môn thể thao vua thường gọi là “bầu Đức”. Bầu Đức là đại gia xuất thân từ vùng sơn cước xa lắc xa lơ tận trên Tây Nguyên - mái nhà Đông Dương, trông mộc mạc chân quê, người thấp, đậm, trán dô, mái tóc thưa, thiếu cái dáng dấp của một ông chủ lớn. Trong cái dáng người mộc mạc chân quê, trong vầng trán dô đó có một bộ óc thông minh nhanh nhạy và quyết đoán. Ông nói, giọng đầy cảm xúc “đây là một dự án bất động sản lớn của Tập đoàn HAGL đầu tư ra nước ngoài… Đây cũng là dự án lớn đối với Myanmar cũng như Việt Nam và trở thành trung tâm văn hoá kinh tế của Việt Nam ở Myanmar”.

Khách sạn 5 sao Melia Yangon mới chỉ là một hạng mục trong công trình khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar. Khu phức hợp này được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian 70 năm. Dự án có tổng mức đầu tư 440 triệu USD, với tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 650.376m2. Dự án này chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013 - 2015) sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trung tâm thương mại và 2 block văn phòng cho thuê (27 tầng) và khách sạn 5 sao Melia Yangon. Giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng 5 block 28 tầng có khoảng 1.000 căn hộ và khu văn phòng cho thuê với tổng diện tích xây dựng khoảng 73.828m2 cho cả 2 khu chức năng. Ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc của HAGL có mái tóc bồng bềnh trước trán, rất nhiệt tình với các nhà báo cho biết: Khu phức hợp này có các khu chức năng đứng riêng biệt nhưng được liên kết với nhau, cùng chung một hệ thống ngầm trong lòng đất. Xe cộ đi từ nơi này đến nơi khác trong các khu chức năng đều đi trong lòng đất. Tầng hầm có thể một lúc chứa được 5.000 xe, đủ công suất phục vụ cho 4 block văn phòng cho thuê, 5 block căn hộ, 1 khách sạn 5 sao và 1 trung tâm thương mại.

Công trình của một kế hoạch có tính chiến lược đón đầu mà HAGL đầu tư tại đất nước còn hoang sơ nhưng giàu tiềm năng về khoáng sản, du lịch… Tiếp tục tư duy trên ông Đoàn Nguyên Đức kỳ vọng: Chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh, buôn bán lẻ Việt Nam cùng nhau tụ tập về đây để làm ăn và trở thành một góc phố thu nhỏ của Việt Nam tại Myanmar. Buổi tối xem truyền hình, bất ngờ tôi tìm thấy kênh truyền hình K+ phát chương trình truyền hình Việt Nam mà thấy xốn xang trong lòng. Ngày diễn ra lễ bàn giao, người Việt Nam chủ trì tổ chức buổi lễ theo nghi thức và truyền thống của Việt Nam. Dàn ca sĩ, nhạc công đa số là người Việt Nam biểu diễn mở đầu và trong tiệc chiêu đãi… Tất cả những điều ấy có lẽ cũng đủ sức minh chứng cho ước mơ của ông Đoàn Nguyên Đức trở thành hiện thực. Những người Việt Nam tham dự chắc cũng tự hào về sự kiện này. Không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam, khu phức hợp còn đầy đủ điều kiện cho các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đầu tư ở Myanmar thoả mãn về chỗ làm việc, ăn ở, giao dịch… đón các dòng khách du lịch, những nhà đầu tư vào đất nước chùa vàng. Ý định của ông Đức không hề huyễn hoặc. Có lẽ ông sẽ trở thành một “ông bầu mới” trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đua tranh cật lực trên đất nước đầy tiềm năng này.

Khúc tráng ca về sự hợp tác và tinh thần lao động

Dự án “Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar” khởi công từ năm 2013, đó là bước đột phá quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Myanmar trên 12 lĩnh vực kinh tế hợp tác đặc biệt là ngân hàng - tài chính; xây dựng - bất động sản…

Với kinh nghiệm “chinh đông chinh tây” ở các nước trong khu vực ASEAN, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tiên phong, dũng cảm đầu tư vào vùng đất còn hoang sơ này. Dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar với diện tích khoảng 74.000m2 đất là dự án lớn nhất trong số các dự án FDI bất động sản tại Myanmar. Việc đưa vào sử dụng trên 12.000m2 diện tích sàn sử dụng của dự án này là kết quả quá trình lao động của hơn 2.700 lao động Myanmar và hơn 400 cán bộ kỹ sư, kỹ thuật và cán bộ quản lý cao cấp người Việt Nam, trong đó có gần 200 kiến trúc sư, kỹ sư và những người có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà cao tầng được Hoàng Anh Gia Lai chiêu hiền đãi sĩ đưa từ Việt Nam sang làm việc. Để hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn I khu phức hợp này, những lao động người Myanmar, người Việt Nam trên công trường đã làm việc miệt mài, sáng tạo và không biết mệt mỏi, không quản nắng mưa liên tục suốt 700 ngày đêm ròng rã. Những vật tư quan trọng như đá ốp tường, đá trang trí, đồ gỗ nội thất; hệ thống điện lạnh, phòng cháy chữa cháy, các vật tư thiết yếu, các loại thiết bị xây dựng hiện đại đều được HAGL cho vượt đại dương đưa từ Việt Nam sang.

Hoàng Anh Gia Lai đã tìm những đối tác có tầm vóc quốc tế tham gia công tác quản lý. Khu văn phòng cho thuê và Trung tâm thương mại HAGL Myanmar đã ký với thương hiệu CBRE - một thương hiệu về bất động sản hàng đầu thế giới làm công tác quản lý. Sức hút của thương hiệu CBRE và tầm vóc chất lượng của khu văn phòng cho thuê đã có tới 50% của 85.701m2 diện tích sàn được các khách hàng lớn như Hãng Dầu khí Petromas (Malaysia), dầu khí Thái Lan, dầu khí Trung Quốc, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan, Ngân hàng BIDV, các công ty tài chính, kiểm toán quốc tế… đặt chỗ. Khách sạn 5 sao Melia Yangon của Tập đoàn HAGL cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Quản lý khách sạn hàng đầu thế giới Melia và chính thức tham gia vào hệ thống khách sạn 5 sao do Melia quản lý trên toàn cầu. Thế là Melia Hà Nội - Melia Yangon đã cùng chung một thương hiệu, cùng chung một ngôi nhà với trên 350 khách sạn mang thương hiệu Melia trên toàn thế giới. HAGL quả là biết người biết ta, biết chia sẻ lợi ích để phát huy cao nhất thành quả lao động. Biến thành quả lao động mang tính quốc tế cao mang lại lợi ích cao nhất cho mình và các đối tác.

Chung lòng, đấu sức trên “đấu trường” mới

Sau tuyên bố chung của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Uthein Sein tháng 4.2010, Chính phủ Việt Nam đã tin tưởng giao cho BIDV làm đầu mối xúc tiến thành lập Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIN) và giữ vai trò chủ tịch hiệp hội. Tới nay hiệp hội đã có gần 100 hội viên. Hiệp hội đã chọn lọc và giới thiệu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành có uy tín, tiềm lực và đặc biệt là có quyết tâm đầu tư vào đất nước Myanmar. Đến nay có 73 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động và đầu tư đã có mặt tại thị trường Myanmar. Hai đơn vị “lĩnh ấn tiên phong” có mặt và đầu tư sớm nhất, triển khai công việc với quyết tâm cao nhất là Tập đoàn HAGL và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư phát triển - BIDV. Trong ngày lễ khánh thành, bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I khu phức hợp HAGL, thì BIDV cũng khai trương hoạt động Công ty tài chính BIDV và văn phòng đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV tại Myanmar…

Chuyến bay từ TPHCM sang sân bay quốc tế Yangon sáng ngày 23.6.2015 của Hãng Hàng không

Vietnam Airlines là chuyến bay đặc biệt do HAGL thuê riêng cho các khách mời sang dự lễ bàn giao mặt bằng và đưa vào sử dụng khu phức hợp HAGL tại Myanmar. Khách mời là những đối tác thân thiết, những bạn hàng, những chiến hữu trong hiện tại và tương lai. Họ là những nhân vật quan trọng của các công ty tài chính, ngân hàng lớn đã và sẽ làm ăn lâu dài với HAGL. Tôi quen em Nguyễn Thảo Vy - chuyên viên phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt, một cô gái trẻ trung xinh đẹp, trên chuyến bay này. Tôi tò mò hỏi công ty em làm ăn với HAGL với vai trò như thế nào, em nghiêng mình trả lời: Công ty em sang nghiên cứu tìm hiểu về hoạt động của HAGL tại Myanmar để phân tích đánh giá giúp các nhà đầu tư khác muốn làm ăn với HAGL có cơ sở để ra quyết định đúng. Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Trần Hải Hà, cũng hào hứng tham gia chuyến du khảo với mục đích như Nguyễn Thảo Vy. Ngoài ra Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội còn cử Lê Quốc Minh - Giám đốc khối khách hàng lớn cùng đi chuyến này. Minh còn trẻ nhưng đã mang quân hàm trung tá lại đẹp trai, to cao đầy hấp dẫn đối với phụ nữ. Anh đi khảo cứu để sẵn sàng hô “biến” HAGL thành khách hàng lớn ở giai đoạn 2 và thăm dò tìm hiểu để đầu tư vào thị trường Myanmar giàu tiềm năng…

Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch AVIM, Chủ tịch HĐQT BIDV: Việt Nam là nước đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài và Myanmar, quan hệ thương mại từ năm 2010 đến 2014 tăng trưởng bình quân 31%.

Ngày tổ chức lễ bàn giao mặc dù mưa rất to nhưng những vị khách mời người Myanmar đến rất đông, kín cả phòng khánh tiết ở tầng một. Người Myanmar vui là phải, vì dự án của HAGL đi vào khai thác sẽ giúp giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động bản xứ với thu nhập bình quân 5.000USD/năm. Nó cũng giúp bổ sung nguồn cung bất động sản cao cấp với giá thành rất hợp lý tại Yangon. Giá chào bán căn hộ bình quân của HAGL thấp hơn mặt bằng giá thị trường tại đây từ 30 - 40%; góp phần đưa giá thuê nhà ở Yangon về mặt bằng chung của khu vực ASEAN (khoảng 40USD/m2/tháng).

Những dự án của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam dự kiến triển khai tại Myanmar mà ông Trần Bắc Hà tiết lộ tại buổi lễ long trọng có sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Tổng thống Myanmar - Sai Mauk Kham là những thông tin tạo nên niềm hào hứng cho những quan khách và những người tham dự: Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đất để đầu tư xây dựng khu phức hợp nông nghiệp, dự án trồng và chế biến cây công nghiệp, dự án trồng cây caosu của Tập đoàn HAGL… các tập đoàn Viettel VN, Hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air đã tìm được đối tác liên doanh liên kết, những dự án về công nghệ thông tin, khảo sát thăm dò khai thác dầu khí trên đất liền… cũng đang được tích cực xúc tiến. Tất cả đang chờ Chính phủ Myanmar “gật đầu” đồng ý là những nỗ lực, những ý tưởng của các nhà đầu tư Việt Nam sẽ thành hiện thực.

Người Myanmar đã vui thì những nhà đầu tư Việt Nam - những đấu sĩ trên thương trường này còn vui hơn và có lẽ họ sẽ cùng nhau chung sức, chung lòng hơn để làm cho đất nước chùa vàng ngày càng khởi sắc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện sự tin tưởng HAGL, đã giao nhiệm vụ cho ông Trần Bắc Hà sứ mệnh làm nhạc trưởng trong giàn hợp xướng của các nhà đầu tư tại Myanma.

Theo Đỗ Văn Phú/Lao Động

Thăm đại công trình của người Việt ở cố đô Yangon - 1