Phương Tây ngỡ ngàng trước ảnh chiến tranh của phóng viên Việt Nam
Triển lãm ảnh Chiến tranh Việt Nam tại Pháp đã gây ấn tượng mạnh với các bức ảnh của các phóng viên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ 30/8 đến 14/9 ở thành phố Perpignan phía Nam nước Pháp đã diễn ra Liên hoan ảnh báo chí quốc tế thường niên lần thứ 26 mang tên “Visa pour l’image” (tạm dịch là Dấu chứng thực hình ảnh).
Nhóm chiến sĩ thông tin trong mũi tấn công của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị (ảnh: Đoàn Công Tính 1970)
Giữa rất nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh như các cuộc xung đột tại Ukraine, Syria và Iraq, những bức ảnh do các phóng viên ảnh Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm, Mai Nam tác nghiệp trong giai đoạn 1966-1973 tại Việt Nam đã gây xúc động mạnh đối với khách thăm quan quốc tế. Những bức ảnh này được trưng bày trong triển lãm “Những phóng viên ảnh miền Bắc” trong khuôn khổ Liên hoan, theo sáng kiến của phóng viên người Pháp, ông Patrick Chauvel, người đã xuất bản cuốn sách cùng tên và chuẩn bị cho ra đời một phim tài liệu về chủ đề chiến tranh Việt Nam.
Patrick đã tới Việt Nam năm 18 tuổi với tư cách phóng viên ảnh chiến trường. Cứ vài ngày ông lại ra chiến trường tác nghiệp, cuối chuyến công tác lại quay lại Sài Gòn, tận hưởng những tiện nghi của khách sạn Continental và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp phương tây. Trong số họ không có ai không tò mò về những phóng viên ảnh phía bên kia chiến tuyến, những người luôn phải tác nghiệp dưới mưa bom bão đạn. Đôi khi, Patrick và các bạn bè của mình cùng nâng ly vì những người đồng nghiệp chưa từng trò truyện này.
Tháng 3/1973, Patrick đã được chứng kiến một sự kiện lịch sử bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, đó là sự kiện trao đổi tù binh ngụy và chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Ông còn nhớ mình đã cảm thấy lo lắng không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào khi hàng trăm tù nhân được thả. Và ông cũng đoán phía Bắc Việt Nam cũng bố trí các phóng viên ảnh ghi lại giây phút này. Nhắc lại sự kiện này tại triển lãm, ông vẫn vô cùng xúc động.
Bên vì lý tưởng, bên vì tiền
Ông còn nhớ mình đã kịp hỏi một phóng viên ảnh miền Nam trong ngày hôm đó về lý do người này chọn làm phóng viên chiến trường, người này nói đó là công việc, họ được trả tiền và họ chấp nhận nguy hiểm, tuy nhiên họ sẽ không đánh đổi mạng sống của mình vì bất cứ giá nào. Trong khi đó, ông Thành và các đồng nghiệp miền Bắc không làm việc vì tiền, tất cả mọi người đều chuẩn bị sẵn tinh thần hy sinh trong khi thực hiện sứ mệnh vạch trần tội ác của chính phủ Hoa Kỳ khi xâm lược Việt Nam, và họ tự hào được cống hiến hết mình.
Quá trình chuẩn bị cho cuộc triển lãm và cuốn sách cùng tên “Những phóng viên ảnh miền Bắc” đã thỏa mãn những câu hỏi của Patrick và các bạn ông xưa kia về những phóng viên miền Bắc Việt Nam, những người luôn “tàng hình” trong cuộc chiến.
Những tác phẩm của các phóng viên miền Bắc Việt Nam trong triển lãm được đánh giá ngang với những bức ảnh nổi tiếng của các phóng viên Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam. Với nhiều người phương Tây, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chiêm ngưỡng những khoảnh khắc lịch sử ấn tượng này. Các nhiếp ảnh gia chiến trường tham dự sự kiện tại Perpignan đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với những người đồng nghiệp lão thành từ miền Bắc Việt Nam thông qua những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt trong suốt buổi ra mắt triển lãm.
Bộ đội cụ Hồ cố gắng mở đường vượt thác ghềnh cho các đơn vị hậu cần theo sau vận chuyển thực phẩm và trang bị vũ khí. (ảnh: Đoàn Công Tính)
Sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, bên bờ sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra cuộc trao đổi tù bình lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ngay lập tức lột bỏ áo tù binh, nhảy xuống khỏi thuyền và chạy những bước dài về phía những người đồng chí của mình với vòng tay giang rộng chào đón. (ảnh: Chu Chí Thành 9/3/1970)
Một chiếc máy bay Hoa Kỳ bị bắn hạ tại tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh: Mai Nam 4/9/1966)
Cô Nguyễn Thị Hiền, 19 tuổi, tiểu đội trưởng dân quân tại Yên Vực, Thanh Hóa, người đã sống sót sau 800 cuộc không kích và bị chôn sống 4 lần trong những cuộc ném bom B52. (ảnh: Mai Nam1966)
Sau khi bắn hạ một máy bay ném bom ngoại thành Hà Nội, các chiến sĩ dân quân đang thu dọn các mảnh máy bay rơi (ảnh: Đoàn Công Tính 1972)
Bộ đội và dân quân trên đường mòn Hồ Chí Minh đang làm đường giúp xe tăng T54 hành quân ra mặt trận ở phía nam vùng giải phóng năm 1972 (ảnh: Lương Nghĩa Dũng)
Các chiến sĩ du kích ngụy trang tránh máy bay chiến đấu và tiếp cận quân thù (ảnh: Dương Thanh Phong)
Bức ảnh o du kích nhỏ và người lính Mỹ lực lưỡng đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại gã khổng lồ Mỹ (ảnh: Phan Thoan)
Lính ngụy đồng loạt rũ bỏ đồng phục ở ngoại ô Sài Gòn trên đường chạy trốn vào 30/4/1975 (ảnh: Dương Thanh Phong)
Theo Thùy Dung
VOV