Nhớ những mùa xuân quê hương
(Dân trí) - Cứ mỗi độ nàng Xuân về, ở nơi xa quê hương hàng vạn dặm, người VN ta dù là ở trong các ốp (khu chung cư) hay tại các kva (căn hộ) lại quây quần cùng nâng chén ruợu chúc mừng năm mới trong làn khói hương thoang thoảng và khóe mắt lại cay cay….
Thời để nhớ
Nhớ hồi còn các ốp Việt vào những năm 1990 đầu 2000 ở Mátxcơva như: Saliut, Sông Hồng, Tôgi, Vôicốp, Xôcôl, chợ Vòm (Cherkidopxki)…mới thấy cái không khí đón tết Nguyên đán của bà con mình thật là ấm cúng, vui vẻ.
Khoảng sau tết dương lịch mọi người đã bắt đầu chộn rộn. Kẻ thu xếp vali về nước ăn tết nguyên đán cổ truyền với gia đình, người tất bật lo hàng họ vì là những ngày cuối năm. Nhìn họ háo hức ra về với quê hương mà những người ở lại vì lí do nọ kia phải chạnh lòng để rồi thoáng chút “ghen tị” đáng yêu…
Tết dương lịch hầu như bà con VN tại Nga chỉ cùng vui trong cái không khí thường thường bởi quan niệm “tết Tây mà!” Chỉ ở những gia đình Việt kiều (kết hôn với người Nga) thì đúng là có vẻ “vui như tết”, vì các cháu mang 2 dòng máu Việt – Nga hớn hở du xuân cùng bố mẹ. Nhất là khi chúng hồi hộp mong chờ ông già Tuyết tặng quà Năm mới vào đêm giao thừa qua cửa sổ, bên cạnh cây thông năm mới được trang trí sặc sỡ với những bóng đèn nhấp nháy, dây kim tuyến đủ màu, những quả cầu thủy tinh lấp lánh…
(Được cái thời kì này chuyện làm ăn bán buôn của người VN ở Nga khá thuận lợi, bởi bao người đã trở nên khá giả, có của ăn của để nên họ nào là tậu nhà, mua bất động sản, đất đai, sắm xe cộ, gửi tiền mặt vào ngân hàng ở VN…Nhiều người còn lên đời bằng những con xe ngoại đắt tiền tại Nga, đến nỗi người địa phương cũng phải trầm trồ…Có lẽ cũng có phần vì thế mà làn sóng người Việt du lịch vào Nga ngày càng đông hơn các nước khác, thời kì đỉnh điểm lên đến hàng trăm ngàn người).
Gần giáp tết Nguyên đán, bà con ta người lo mua bán kiếm thêm chút đỉnh, kẻ lo mua sắm sửa soạn cho cái tết cổ truyền ở nơi xa xứ sao cho cũng đậm hương vị của quê hương. Ngày 23 tháng Chạp âm, nhà nào nhà nấy, phòng nào phòng nấy cũng tíu tít lo cúng ông Công ông Táo. Rồi nồi bánh chưng cũng được chuẩn bị với đủ đầy lá dong, nếp, lạt bằng giang hẳn hoi nhé, đậu xanh, thịt lợn, hành, tiêu…để đêm giao thừa cúng ông bà.
Các nhà hàng thì được dịp tất bật, lò nấu mở hết công suất. Mẻ bánh nào vừa dỡ ra còn bốc khói nghi ngút, lập tức được các quầy hàng khô và thực phẩm tươi sống ở chợ thu gom với giá bán ra cũng rất vừa phải - vào khoảng 200 đến 250 rúp/gần 0,8 USD thời kì đó. Bây giờ giá bánh lên tới 300 rúp/ gần 10 USD, song có khá nhiều nhà tự gói lấy.
Nhìn vào mâm cỗ dọn ở bàn hay trên bàn thờ nghi ngút khói hương chiều 30 tết âm lịch, nhà nào cũng có: Gà trống luộc, cặp bánh chưng xanh, ruợu trắng, giò lụa kiểu VN được sản xuất tại Nga, nem (chả) rán, thịt lợn kho Tàu, xôi nếp cái hoa vàng, mứt tết, bánh đậu xanh, đĩa ngũ quả và không thể thiếu vàng hương…
Đấy là chưa kể “cành đào” nhân tạo từ những cánh hoa giấy màu hồng xinh xinh ghép lên cánh cây khô chặt ngoài rừng…y chang đào Nhật Tân! (chỉ có vài đại gia chịu chơi thửa cành đào thứ thiệt tại quê nhà sang bằng đường máy bay, mà sắc hồng thắm của hoa như còn mang hơi thở của quê hương…làm nỗi nhớ trong lòng ai cũng thêm cồn cào, khiến bao người phải trầm trồ thán phục xen chút ghen tị!)
Cũng quây quần bên nhau chiều 30 tết, cùng nâng lên đặt xuống, chúc nhau một năm mới ăn nên làm ra, sức khỏe dồi dào…Và câu chuyện trở nên sôi nổi đúng là “vui như tết”. Nhưng hễ có người nào đó sụt sùi vì nỗi nhớ nhà (thường thì do các cô, các chị…) là không khí như trầm hẳn lại.
Thời để thương
Ngày tết ở phương xa trong lòng ai cũng canh cánh nỗi nhớ về nếp nhà nho nhỏ thủa nào, bởi nơi đó có cha mẹ, anh chị em, vợ con, bà con họ hàng, bạn bè thân thiết…Có lẽ đó cũng là nét tính cách riêng của người châu Á nói chung, nhất là VN thường là vậy. Còn người châu Âu có vẻ như nghĩ thoáng hơn. Họ cởi mở hơn, sống ít nội tâm, khuôn khổ kiểu Việt chăng?
Bà con ta mấy ngày tết âm lịch này cũng thường dẹp công việc sang một bên, sau phút giao thừa là bắt taxi đến thăm và chúc tết bà con, bạn bè thân thiết. Còn thân sơ sơ hoặc xa quá thì đành alô dăm ba câu chúc tết. Cũng không ít những giọt nước mắt khi gọi điện về cho người thân ở quê nhà…Bởi vậy, nói Tết buồn hơn bởi càng chạnh lòng nhớ quê hương âu cũng là lẽ thường tình.
Trẻ nhỏ là thế hệ F2 sinh ra ở Nga cũng được bố mẹ quan tâm và chúng tỏ ra rất thích thú vì được đón 2 cái tết! Lì xì phong bao là truyền thống của người VN nên chúng háo hức mong chờ như chúng tôi ngày xưa vậy.
Những gia đình ở ốp (khu chung cư) thì thường là mỗi phòng có bảy tám người hoặc hơn. Các thành phần cũng đủ loại. Độc thân có mà ghép đôi kiểu sống thử cũng có. Ở kva (căn hộ) thì cũng vậy. Nhưng cho dù là cùng vợ con hay là anh em bạn bè cùng quê, khác quê thì cái chính là hợp nhau và cả tiện về kinh tế.
Khi quây quần bên nhau trà dư tửu hậu, câu chuyện càng thêm đậm đà bên khói thuốc và cứ vậy chuyện nở như ngô rang…Anh nào chị ấy thi nhau kể về tết quê mình nhà mình…Anh thì miền Trung gió Lào hát dặm hát ví, chị miền Bắc “liền chị liền anh” với câu quan họ, chú miền Nam với 6 câu vọng cổ cải lương vui náo nhiệt mà cũng đắm say…Rồi thi nhau kể các trò chơi, món ăn ngày tết ở quê, chỉ nghe mà đã rõ là thèm…
Chán rồi quay ra đánh bài, cờ quạt, xem tivi qua kênh VTV4. Cũng may là còn có thêm phương tiện internet nên báo chí phim ảnh được xem thả cửa và tiện lợi vô cùng. Chưa kể đến telephon cầm tay hiện đại hơn những năm 90, đầu 2000 (hồi đó còn phải gọi về nhà bằng điện thoại bàn, máy công cộng phải ra tận ngoài đường phố giữa giá rét).
Riêng tôi, mỗi độ đông qua sang xuân đến, là lại bồi hồi, xao xuyến tưởng nhớ hương vị hoa dạ hương thoang thoảng về đêm, nhớ cồn cào mùi hương trầm ngõ phố, góc vườn. Nhớ những cơn mưa phùn mang theo hơi lạnh từ phương bắc (tết mà thiếu đi cái dư vị mưa phùn lắc rắc trên ve áo thì chưa phải là tết), những cánh hoa đào khoe sắc thắm, mùi pháo nổ với làn khói khen khét, sắc đỏ câu đối trên tường nhà, bức tranh cá chép ngắm trăng, mùi dưa hành nồng nồng cay cay…
Ôi chao, nhớ ơi là nhớ... Nhớ quê hương đến nao lòng bởi đã hơn 20 cái tết cổ truyền xa quê tới xứ bạch dương tuyết trắng hết sức thân quen và cũng nặng nghĩa tình này. Bao giờ tôi lại sẽ được trở về ăn cái tết cổ truyền ở quê hương trong mùi vị hương trầm phảng phất, đi trong cơn mưa phùn bay bay mơn man…và nghe Anh Thơ hát: “…mọc giữa dòng sông xanh/một bông hoa tím biếc/ơi con chim chiền chiện/hót chi mà vang trời…” (Một mùa xuân nho nhỏ)
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)