Nhà báo gốc Việt và hành trình lấp đầy "khoảng trống ký ức"

(Dân trí) - Tháng 4/1975, nhà báo Cath Turner sang Úc theo chiến dịch “không vận trẻ em” khi mới 5 tháng tuổi. Trong phim tài liệu “Rất gần mà rất xa”, cô đã kể lại hành trình tìm lại mẹ ruột sau nhiều năm luôn cảm thấy có một “khoảng trống ký ức”.


Cath Turner chụp ảnh cùng cha nuôi người Úc. (Ảnh: 
Cath Turner chụp ảnh cùng cha nuôi người Úc. (Ảnh: Al Jazeera)

Nhịp cầu kết nối tìm lại người thân

 

Theo đề nghị của bạn đọc, báo Dân Trí sẽ làm cầu nối để đăng tải thông tin nhằm giúp những người con Việt Nam trong “chiến dịch không vận trẻ em” năm 1975 tìm lại thân nhân. Độc giả trong và ngoài nước quan tâm, có những thông tin hay câu chuyện về chiến dịch này, hãy chia sẻ với chúng tôi. Thư xin gửi về địa chỉ thegioi@dantri.com.vn. Chân thành cảm ơn! (Thư có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh).

Ngày 3/4/1975, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố đưa các trẻ em Việt mồ côi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay trong chiến dịch “không vận trẻ em”. Các em nhỏ sau đó được cho đi làm con nuôi trong các gia đình ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp.

Theo Al Jazeera, chiến dịch “không vận trẻ em” là một sự kiện để lại di sản lâu dài. Khoảng 2.700 trẻ em Việt Nam rời Sài Gòn trong chiến dịch này. Nhiều em bé năm xưa đã lớn và trở lại Việt Nam tìm hiểu cội nguồn.

Nhà báo Catherine Turner thuộc kênh truyền hình Al Jazeera nằm trong những đứa trẻ đó. Trong tập phim tài liệu mang tên "Rất gần mà rất xa" (So Close, So Far Away) của Al Jazeera, Turner đã kể về cuộc sống của một đứa trẻ châu Á, lớn lên trong một gia đình da trắng người Úc và hành trình tìm lại mẹ ruột.

Cath Turner chụp ảnh trên đường phố Việt Nam. 

Cath Turner chụp ảnh trên đường phố Việt Nam. (Ảnh: Al Jazeera)

Cath sinh năm 1974 tại Việt Nam, cô được đặt tên Huỳnh Thị Cẩm Tú. Sau khi sang Úc trong chiến dịch không vận khi mới 5 tháng tuổi, cô được cha mẹ nuôi đặt tên mới là Catherine Turner (Cath Turner).

Thuở nhỏ, dù được gia đình cha mẹ nuôi yêu thương, Cath vẫn thấy lạc lõng giữa các bạn da trắng. “Chúa ơi, mình muốn đánh đổi tất cả để thành người Da Trắng, Da Trắng, Da Trắng", Cath ghi trong cuốn nhật ký hồi nhỏ.

“Tôi luôn biết rằng mình có một khởi đầu khác với các bạn đồng trang lứa, bởi tôi không nhớ gì về những năm đầu đời”, nhà báo Cath tâm sự.

Hình ảnh hồi nhỏ của Cath Turner.
Hình ảnh hồi nhỏ của Cath Turner.(Ảnh: Al Jazeera) 

Cô chia sẻ rằng: “Tôi không nhớ bất cứ điều gì về Việt Nam, luôn cảm thấy mình bị tách rời khỏi khoảng thời gian ở Việt Nam. Tôi nói về Việt Nam đó như thể nó là một phần ký ức của anh chị hay một ai đó mà tôi quen”.

“Khi tôi đề xuất với Al Jazeera làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình trên cương vị một đứa trẻ trong chiến dịch không vận, tôi chỉ nghĩ nó sẽ được xây dựng trên con mắt của một phóng viên.


Tôi muốn tập trung làm rõ các tác động ngắn hạn và dài hạn của chiến dịch “không vận trẻ em” đến những em bé bị đưa khỏi quê hương từ khi còn nhỏ và được cho đi làm con nuôi.

Tôi muốn nói đến nhân dạng, nguồn gốc, màu da hay chủ nghĩa đa văn hóa theo hình thức một câu chuyện mà tất cả mọi người trên thế giới đều sẽ đồng cảm”, Cath cho hay.

Nhà báo thường trú tại New York của kênh Al Jazeera thú nhận: “Nhưng phải đến gần ngày bắt đầu quay tôi mới nhận ra sự riêng tư của bộ phim.

Tôi hoàn toàn thoải mái khi đứng trước ống kính máy quay nói về nước Mỹ, về sàn giao dịch chứng khoán New York hay các tin tức mới nhất của nền kinh tế tài chính hàng đầu thế giới này. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi biết tất cả về gia đình tôi hay nơi tôi lớn lên”.

“Bộ phim tài liệu này sẽ thay đổi tất cả. Tôi sẽ để cuộc đời của mình trần trụi trước ống kính, kể lại toàn bộ những khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc đời mình”, Cath nói về bộ phim tài liệu mà cô ấp ủ.

Hành trình tìm lại mẹ ruột sau gần 30 năm

Catherine chụp cùng mẹ ruột và gia đình của bà tại Việt Nam. 
Catherine chụp cùng mẹ ruột và gia đình của bà tại Việt Nam. (Ảnh: Al Jazeera)

Trong bộ phim tài liệu, Cath cho hay cô đã đi nhiều chuyến giữa ba nước Mỹ, Úc, Việt Nam, gặp những người tham gia chiến dịch không vận trẻ em, như giám đốc trại trẻ mồ côi nơi cô ở tại Sài Gòn, hay lãnh đạo phân tích tình báo thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ, làm việc tại Đại sứ quán ở Sài Gòn.

Mong mỏi tìm câu trả lời về gốc gác, cô nhà báo 27 tuổi lần đầu về Việt Nam để tìm mẹ vào năm 2001. Dù mang theo giấy khai sinh và đã đến đồn công an, hỏi han nhiều người, Cath chưa thể tìm thấy mẹ.

Năm 2003, Cath về Việt Nam cùng cha mẹ nuôi người Úc trong một chuyến du lịch, không ngờ chuyến thăm lại là dịp cô đoàn tụ với người mẹ ruột. Một người bạn phiên dịch đã giúp cô tìm mẹ.

Và khoảnh khắc Cath chờ đợi suốt 30 năm đã diễn ra… Theo lời kể của mẹ ruột, Cath là kết quả của một mối tình dang dở. Do sức khỏe yếu và lại khó khăn về kinh tế, mẹ cô gửi con vào trại trẻ mồ côi và đồng ý cho cô làm con nuôi.

Giấy tờ mà Cath Turner giữ lại, trong đó ghi tên tiếng Việt của cô là Huynh Thi Cam Tu. 
Giấy tờ mà Cath Turner giữ lại, trong đó ghi tên tiếng Việt của cô là Huynh Thi Cam Tu. (Ảnh: Al Jazeera)

Ngày 1/5/1975, sau khi đất nước thống nhất, mẹ Cath quay lại trại trẻ tìm con gái nhưng cô nhi viện xưa kia nay đã trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Bà suy sụp vì tưởng Cath đã chết, không hề hay biết cô đã rời Việt Nam tới Úc trong chiến dịch không vận trẻ em.

Cath kể về những thay đổi trong cuộc sống của cô kể từ khi tìm được mẹ: “Tôi đã gặp phải một số khó khăn. Lớn lên ở Úc và có mối liên hệ chặt chẽ với đất nước này, nhưng giờ tôi có một gia đình ở Việt Nam muốn giữ liên lạc với tôi và yêu tôi rất nhiều. Họ muốn tôi về tại Thành phố Hồ Chí Minh và sống với họ”.

“Tôi luôn cố gắng để không ai trong gia đình cảm thấy bị xem nhẹ, hay bị tôi bỏ rơi. Và tôi biết mình hết sức may mắn khi cả hai gia đình đều tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau”, nữ nhà báo tâm sự.

Tiếng vọng của chiến dịch “không vận trẻ em”

Cath chụp cùng mẹ (người mặc áo xanh), bà ngoại và cha dượng. 
Cath chụp cùng mẹ (người mặc áo xanh), bà ngoại và cha dượng. (Ảnh: Al Jazeera)

Nhà báo Cath Turner cho hay, cô đã được tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người trong quá trình làm bộ phim tài liệu. "Càng nói chuyện với nhiều người, chúng tôi nhận ra chiến dịch không vận trẻ em thực sự có những ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng", Cath Turner cho biết.

Cô cho rằng đối với phần lớn những trẻ em năm xưa, dường như không có giải pháp hay hồi kết nào ngay trước mắt dành cho họ. "Những giấy tờ và văn bản còn lại rất ít, cộng với những vấn đề của cuộc chiến khiến việc tìm ra câu trả lời nhiều người đang mong muốn là điều bất khả thi", cô cho biết.

Nhiều trẻ em trong chiến dịch không vận trẻ em may mắn đã tìm lại được cha mẹ ruột của mình.

Nhưng Cath chia sẻ rằng hàng ngàn trẻ em trong chiến dịch không vận không có cách nào để tìm được nguồn gốc và những người ruột thịt của mình. Một số người không bận tâm và không muốn biết, trong khi những người khác lại tìm mọi cách để lấp đầy khoảng trống ký ức trong tuyệt vọng.

“Và hàng ngàn người cha, người mẹ Việt không hay biết điều gì đã xảy đến với con trai, con gái của mình, chúng sống ở đâu, với ai và có hạnh phúc không. Dù có thể sẽ không bao giờ biết, những người này vẫn luôn hy vọng con cái họ sống hạnh phúc, và mơ về một ngày đoàn tụ”, Cath nói.

Câu chuyện không vận trẻ em đã được kể nhiều lần trong hàng chục năm qua và “tôi tin là nó sẽ còn tiếp tục được lưu truyền và những tiếng vọng của sự kiện lịch sử này sẽ còn vang mãi trong nhiều năm tới”, Cath viết.

Thoa Phạm
Theo Al Jazeera

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm