Người Việt ở Ukraine: Tai bay vạ gió

Những ai đến Ukraine trước đây luôn lưu lại trong tâm trí một đất nước trù phú, xinh đẹp, con người hiền hòa, ruộng đồng màu mỡ và thiên nhiên ưu đãi. Chính sự quyến rũ đó đã thu hút hàng ngàn người Việt Nam từ hàng chục năm nay chọn Ukraine làm quê hương thứ hai.

Binh sĩ Ukraine tuần tra gần thành phố Debaltseve thuộc khu vực Donetsk ngày 3/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Ukraine tuần tra gần thành phố Debaltseve thuộc khu vực Donetsk ngày 3/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, kể từ sau làn sóng biểu tình Maidan ở trung tâm thủ đô Kiev, quốc gia này đã có những thay đổi tới chóng mặt, khiến cả những người trong cuộc khi nhìn lại cũng phải bất ngờ. 

Sau sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovich hồi tháng 2/2014, những tưởng đất nước Ukraine sau bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ dần trở lại ổn định, yên bình thì ngược lại, hệ lụy của Maidan càng đào sâu chia rẽ giữa người dân miền Đông và miền Tây. 

Hệ lụy này không chỉ đẩy nền kinh tế Ukraine ngày càng đi vào kiệt quệ mà còn tàn phá khu vực miền Đông, đặc biệt là hai tỉnh Donetsk và Lugansk bằng bom đạn chiến tranh. 

Trong tình hình đó, người Việt ở Ukraine - vốn được đánh giá cao ở sự chăm chỉ và tinh thần lao động miệt mài - bỗng dưng rơi vào cảnh vô cùng khó khăn và bế tắc chỉ trong vòng vài tháng.

Có thể nói yếu tố khó lường nhất với người Việt ở đây chính là sự biến chuyển quá nhanh của tình hình. Trong chưa đầy nửa năm từ tháng 2, tới thời điểm bầu cử tổng thống sớm tháng 5 rồi đến nay, chiến sự không chỉ biến các tỉnh công nghiệp Donetsk và Lugansk thành đống đổ nát, mà còn làm tê liệt hoạt động làm ăn buôn bán ở miền Đông, nơi có đại bộ phận người Việt sinh sống.

Tại Donetsk và Lugansk, qua trao đổi điện thoại với ông Trịnh Văn Tiên, Phó Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Donetsk hiện vẫn trụ lại thành phố Donetsk, phóng viên TTXVN được biết hầu hết trong số 300 người Việt (khoảng 60 hộ gia đình) ở thành phố này đã tản cư tới chỗ bạn bè và người Việt ở nơi khác như Kharkov, Odessa. 

Một số tản cư tới Mariupol, thành phố mới được quân đội Ukraine "giải phóng" hơn một tháng nay để tránh tên bay đạn lạc. Hiện tại ở Donetsk chỉ còn vài người Việt bám trụ trông coi nhà cửa và đồ đạc, tập trung ở với nhau trong một căn hộ tầng một tại tòa nhà có tầng hầm để trú ẩn trong trường hợp bị pháo kích. 

Sân bay Donetsk mới được xây dựng phục vụ giải vô địch bóng đá châu Âu đã tan hoang. Nơi ở của họ cách sân bay Donetsk chỉ 3 km và họ thường xuyên nghe thấy tiếng súng. Thành phố cũng bị trúng đạn pháo do "tên bay đạn lạc". 

Ông Tiên cũng cho biết hiện người Việt ở đây chưa ai thương vong, tuy nhiên do tình hình chiến sự suốt thời gian qua, hàng hóa không bán được, công việc làm ăn của bà con thực sự khó khăn. 

Hầu hết người Việt ở đây đã làm ăn gắn bó với Donetsk hàng chục năm nên trong tư tưởng họ không muốn rời đi, song cũng chưa biết tới lúc nào tình hình mới yên ổn. 

Theo ông Tiên, người Việt ở Ukraine cũng đùm bọc giúp đỡ cho người Việt ở Donetsk có nơi trú ngụ khi tản cư. Liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng thường xuyên được duy trì.

Chuyển sang Kharkov, nơi có đông người Việt làm ăn buôn bán nhất - khoảng một nửa trong tổng số 10.000 người Việt ở Ukraine, qua trao đổi với ông Trần Đức Tựa, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Kharkov, phóng viên được biết tình hình làm ăn của bà con ở đây cũng không kém phần bi đát. 

Chợ Barabansovo, trung tâm bán lẻ và bán sỉ lớn của người Việt - trước đây tấp nập là thế song nay hầu như vắng khách, các chủ quầy kinh doanh không đủ tiền chi trả "thuế" chợ. 

Theo giải thích của ông Tựa, trước đây chợ này là đầu mối cung cấp hàng cho toàn bộ khu vực, đặc biệt là các tỉnh của Nga nằm gần Kharkov như Belgorod, Crimea... song nay do biên giới Ukraine-Nga bị kiểm soát gắt gao, khách buôn Nga hầu như không tới chợ lấy hàng nữa. 

Tình hình kinh doanh èo uột của bà con chợ Barabansovo diễn ra đã hơn 1 năm qua, song càng ngày càng tồi tệ hơn. Có quầy suốt 2 tuần hầu như chẳng bán được món hàng nào. Ông Tựa chia sẻ, nếu tình hình không cải thiện, không biết vài tháng tới cuộc sống của bà con sẽ ra sao. 

Tuy vậy, bà con cũng đã có những biện pháp tiết giảm chi tiêu như ở tập trung lại với nhau hơn, con em nhiều người đã đưa về Việt Nam để tiết giảm chi phí trong thời buổi khó khăn này.

Tới Odessa, thành phố có đông người Việt thứ hai tại Ukraine (khoảng 3.000 người), trong tháng 7 đã liên tiếp xảy ra ba vụ cướp nhằm vào cộng đồng người Việt ở đây. Sau các vụ việc này, Ban chấp hành Hội người Việt tỉnh Odessa đã khẩn trương tổ chức họp bà con tại các cụm dân cư để phổ biến kinh nghiệm và cùng bàn bạc tìm cách đối phó. 

BCH Hội khuyến cáo bà con không nên mang theo người nhiều tiền. Khi từ chợ đi về nhà hay đi công chuyện mang theo tiền, bà con nên đi 2-3 người một xe, đi theo tốp 2-3 xe. Lúc tan chợ, trước khi ngồi vào xe cũng như trong suốt đoạn đường, cần thận trọng, để ý quan sát.

Nhìn chung, đặc điểm của đại bộ phận người Việt ở Ukraine là làm ăn và sinh sống đã hàng chục năm, mảnh đất hiền hòa này nuôi sống họ trong một thời gian dài, với nhiều tình cảm gắn bó nên khó có thể dứt áo ra đi. Đối với họ, tình hình khó khăn bất ngờ hiện nay chỉ có thể giải thích qua ngôn từ "tai bay vạ gió".

Theo Duy Trinh
TTXVN