Người phụ nữ đồng hành cùng Việt Nam
Tham gia Hội sinh viên Việt kiều yêu nước từ 1972, hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội hỗ trợ phụ nữ và thành niên Việt Nam tại Đức vẫn từng ngày trăn trở với các dự án nhân đạo và xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Nhà Đoàn kết - một trong những dự án nhận được tài trợ của Vifi e.V
Sinh năm 1949 tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh sang Đức học tiếng tại Viện Goethe từ 1971 và tốt nghiệp kỹ sư hóa tại Đại học Aachen. Từ năm 1977-1982, bà làm cho hãng FOSECO ở Borken và một số cơ quan khác như Viện đào tạo Rag Bildung với nhiều chương trình trọng điểm về môi trường, trong đó chú trọng đến bảo vệ môi trường, nguồn nước và nghiên cứu các chất thải có nguy hại trong lòng đất.
Bên cạnh công việc chuyên môn, bà Hạnh luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Đức. Từ 1982-1988, bà đã đóng góp hỗ trợ cho hàng Việt trên thị trường Đức với tâm niệm làm kinh tế là hình thức đóng góp cho đất nước cụ thể nhất. Hoạt động ủng hộ hàng Việt do bà khởi xướng đã đáp ứng được khách hàng của thành phố Essen khá tốt nhưng sau đó không đạt được thành công vì có khó khăn trong việc mua hàng từ Việt Nam sang, do chất lượng không đảm bảo hoặc nhận các món hàng không có trong đơn đặt hàng.
Từ 1988-1994, bà Hạnh sinh hoạt trong tiểu bang Frankfurk am Main và trong liên bang. Thời gian này, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội với các tổ chức nhân đạo ở địa phương. Đây cũng là nền tảng giúp bà vận động anh chị em hỗ trợ việc thành lập Hội hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại Đức (Vifi e.V).
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII và tiếp tục được giới thiệu để hiệp thương trở thành Ủy viên Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII. Bà từng được nhận được Bằng khen của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2003; Bằng khen của Bộ Ngoại giao năm 2005, 2006; Bằng khen của Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2013. |
Từ 1995, trung bình mỗi năm Vifi e.V đã đóng góp 20 nghìn Mark Đức và từ 2001 đến nay là 20 nghìn Euro cho các dự án tại quê nhà. Từ năm 2000, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, dự án du học tự túc cũng đã hoạt động tốt với sự tham gia của 100 em.
Hiện bà Hạnh là thành viên Ban tư vấn của Liên hiệp cộng đồng người nước ngoài tại Đức, thành viên Ban giám sát quỹ vì tương lai Đức và là thành viên Ban tư vấn của Liên hiệp xã hội bình đẳng thiện nguyện Đức. Công việc của bà tại đây là thực hiện các dự án của Bộ viện trợ hợp tác và phát triển, Bộ Nội vụ, Tổng hội hỗ trợ người nhập cư và tị nạn Đức.
Với hoạt động xã hội phong phú, bà Hạnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển quỹ tài trợ dành cho quê hương. Trong kế hoạch tại Việt Nam từ 2013-2015, Vifi e.V sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo tại vùng nông thôn như xây dựng 340 căn nhà cho các hộ nghèo và cấp vốn cho các hộ nghèo để chăn nuôi tại Bình Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...; xây dựng 200 căn nhà cho các hộ nghèo và cấp vốn cho các hộ nghèo để chăn nuôi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lào Cai; xây dựng hai lớp học tại huyện Tánh Linh, Bình Thuận; xây dựng trung tâm nuôi dưỡng bán trú - phục hồi chức năng dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Quảng Trị…
Không chỉ vậy, bà Hạnh còn chú trọng việc tình nguyện viên về hoạt động tại Bệnh viện Trung tâm Huế, Trường Đại học mỏ, địa chất Hà Nội, Nhà Thiên Đức Hà Nội, Trung tâm phát triển lao động Hà Nội và Trung tâm Thiên Phước TP. Hồ Chí Minh.
Ở Đức, một sự kiện có tiếng vang lớn trong xã hội là cuộc đi bộ Đồng hành vì Việt Nam do Hội của bà Hạnh khởi xướng. Ngay từ lần tổ chức đầu tiên năm 2007, cuộc đi bộ nhằm gây Quỹ từ thiện nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong nước đã thu hút hơn 300 người, trong đó có gần 200 người Đức, đặc biệt có cả sự tham gia của bà Christel Humme, nghị sĩ Quốc hội liên bang Đức. Thị trưởng thành phố Bochum, Tiến sĩ Ottilie Scholz đã đánh giá cao sáng kiến đi bộ Đồng hành vì Việt Nam và cho đây là một hoạt động đầy ý nghĩa nhằm tăng cường tình đoàn kết Đức-Việt. Đến nay, cuộc đi bộ đã được tổ chức lần thứ sáu, ngày càng thu hút được nhiều người ủng hộ và tham gia.
Trở về Việt Nam dự Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ ngày 25-27/9), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh sẽ đại diện cho kiều bào và nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurk am Main trao tặng cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam số tiền 20 triệu đồng quyên góp được từ cuộc đi bộ lần thứ sáu tổ chức mới đây. Sự đóng góp này là tấm lòng của những kiều bào Đức luôn đồng hành cùng Việt Nam, như bà từng nói: "Người ta nói xa mẹ mới thương mẹ nhiều hơn, Việt kiều cũng vậy, xa quê càng thương đất nước nhiều hơn."
Theo Lê An
Thế giới & Việt Nam