Người nghệ sĩ mang dòng máu Việt Nam – Campuchia

Có một cái tên khá đặc biệt, Bôpha XôRiGia Lê Huy Hoàng còn gây ấn tượng với vẻ bề ngoài cũng đặc biệt không kém: khuôn mặt gầy gò, xương xẩu, nổi bật lên chòm râu dài, tóc dài.

Nghệ sĩ Bôpha XôRiGia Lê Huy Hoàng


Nghệ sĩ Bôpha XôRiGia Lê Huy Hoàng

Sinh năm 1967, Lê Huy Hoàng có một tuổi thơ không êm đềm. Bởi bố là bác sĩ quân y người Campuchia, sang Việt Nam theo phong trào Cách mạng Đông Dương rồi gặp mẹ anh vốn là một cô giáo người Việt hiền dịu. Hai người yêu rồi lấy nhau, nhưng những ngày được sống bên nhau thì ngắn ngủi và ít ỏi do thời chiến, công việc của cả bố và mẹ thường xuyên phải di chuyển, thay đổi. Năm 1970, bố anh được lệnh trở về Campuchia và đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tàn khốc. Đến tận năm 1982, gia đình anh mới biết tin bố đã mất khi nhận được thư báo về.

Nối nghiệp cha, Lê Huy Hoàng theo học Trường Sĩ quan Lục quân II. Tốt nghiệp năm 1987, anh sang Phnom Penh (Campuchia) học trường văn hóa quân đội. Năm 1994, Hoàng về nước. Nhưng cuộc đời với nhiều ngã rẽ đã khiến cho Lê Huy Hoàng tìm đến với nghệ thuật, bởi như anh tâm sự, đó mới là định mệnh của cuộc đời mình. Kiên trì với sự lựa chọn này, Hoàng mất đến 4 năm mới thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, khi ấy anh 32 tuổi.

Bước chân vào giới nghệ thuật muộn, lại ít nói và càng ngại nói về mình, Hoàng chủ trương gây dấu ấn trong lòng khán giả bằng những tác phẩm. Cho đến nay, anh đã kịp có cho mình hai triển lãm cá nhân mang tên Khăn (năm 2009) và Mưa (năm 2010) đều thuộc thể loại nghệ thuật sắp đặt tại Nhà Sàn Đức (Ba Đình, Hà Nội). Ngoài ra, anh còn tham gia triển lãm nhóm chung với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, Đan Mạch, Úc... ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Italia...

Phối cảnh Bức tường”


Phối cảnh "Bức tường”

Với Bức tường, triển lãm sắp đặt đang diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội, Lê Huy Hoàng cho biết ý tưởng bắt nguồn từ nỗi đau của chính gia đình anh trong những năm tháng đen tối của lịch sử Campuchia. Anh chia sẻ: "Trong lịch sử loài người có rất nhiều bức tường đã được dựng lên, có những bức bị phá hủy nhưng lại có những bức vẫn còn tồn tại cả trong thực tế và trong tiềm thức: bức tường Béc-lin, biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên, hay như dải Gaza… Chúng chia rẽ con người và gợi lên nỗi buồn cho nhân loại. Với tôi, "Bức tường” chính là hình ảnh nhằm ám chỉ sự ngăn chặn khu biệt, ly cách, giam cầm một cá nhân hay một cộng đồng nào đó. Và tôi tin rằng, ngay trong nội tâm của mỗi con người cũng có những bức tường vô hình biến họ trở thành vô cảm.

Đến với không gian của triển lãm, ấn tượng đầu tiên của người xem chính là "bức tường”, được dựng lên từ xương động vật đã qua xử lý đặc biệt cao hơn 4m, dài 10m. Bức tường này chia phòng triển lãm của viện Goethe thành hai không gian biệt lập, gợi lên cảm giác áp chế không dễ gì xóa nhòa trong lòng mỗi người chứng kiến.

Mượn một hình ảnh mang nhiều tính ẩn dụ như "bức tường”, triển lãm của Lê Huy Hoàng không chỉ nói về đề tài chiến tranh với sự vô nghĩa, tàn khốc của nó mà còn chỉ ra sự tàn bạo, vô cảm của con người trong xã hội hôm nay. Bởi thế, "Bức tường”, của Lê Huy Hoàng mang một vẻ đẹp nhân văn đáng quý!

Theo San San
Đại Đoàn Kết