Người đưa dân ca Việt Nam vào dàn nhạc giao hưởng Đức

Đó là nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt, nhạc công người Việt Nam duy nhất trong Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker (Đức).

Nằm trên một con phố yên tĩnh ở ngoại ô thủ đô Berlin (Đức), ngôi nhà gỗ xinh xắn có vẻ rất phù hợp với một nghệ sĩ violin như Lê Ngọc Anh Kiệt. Chúng tôi đến thăm nhà anh vào buổi chiều muộn, trời lạnh tê tái, những bông tuyết nhỏ lắc rắc rơi. Đón chúng tôi vào nhà, những giai điệu dân ca Bắc Bộ du dương cùng sự tiếp đón nồng nhiệt của chủ nhà như làm tan đi giá rét của mùa đông châu Âu. 

Căn phòng cuối cùng của ngôi nhà được bao bọc hoàn toàn bằng kính trong suốt hướng ra khu vườn nhỏ được Anh Kiệt dùng làm không gian riêng cho âm nhạc. Sự hiện diện của chúng tôi dường như không làm xáo trộn buổi tập của họ, 3 nghệ sĩ vẫn thăng hoa trong những giai điệu mượt mà của “Người ở đừng về”, “Bèo dạt mây trôi”,... Giữa nơi đất khách, tiếng đàn violon da diết tấu lên giai điệu dân ca quan họ Bắc Ninh quen thuộc khiến chúng tôi thấy ấm áp, gần gũi như được gặp lại người quen.

Nghệ sĩ Anh Kiệt cùng các đồng nghiệp chơi nhạc tại nhà riêng (Ảnh: Công Hân)

Nghệ sĩ Anh Kiệt cùng các đồng nghiệp chơi nhạc tại nhà riêng (Ảnh: Công Hân)

Lý giải cho sự bất ngờ của chúng tôi khi thấy anh và các nhạc công người Đức chơi nhạc dân tộc Việt Nam, nghệ sĩ Anh Kiệt kể: “Bất cứ người Việt Nam nào cũng có tình yêu với đất nước, dân tộc cũng như âm nhạc truyền thống quê nhà. Tôi cũng thế thôi, cũng rất yêu âm nhạc Việt Nam. Tôi sinh ra trong một gia đình làm âm nhạc nên tình yêu đó có từ trong thâm tâm.

Bố tôi là nghệ sĩ Lê Tiến Trạch chơi kèn Trompet ở TP.HCM trước năm 1975 khá nổi tiếng, còn mẹ tôi là nhà viết kịch. Tôi học violon hệ trung cấp tại Nhạc viện TP.HCM và trở thành học trò của GS Bùi Công Thành. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời là khi tôi giành được học bổng du học tại Nhạc viện Leningrad, Nga. Ở đây, tôi đã được GS nổi tiếng Komarova giảng dạy.

Nghệ sĩ Anh Kiệt (Ảnh: Công Hân)

Nghệ sĩ Anh Kiệt (Ảnh: Công Hân)

Sau khi tôi tốt nghiệp, gia đình đã sang Đức định cư nên tôi về đây làm việc. Hai năm sau, tôi quay trở lại Nga tiếp tục học thầy Bùi Công Thành. Năm 1995, tôi bắt đầu làm việc tại Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker. Đến năm 2007, tôi trở thành biên chế chính thức của dàn nhạc và là người Việt Nam duy nhất trong dàn nhạc danh tiếng ở châu Âu này.

Lúc đầu làm việc với dàn nhạc ở đây, họ không hề biết chút gì về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Họ không nghĩ chúng ta có một nền âm nhạc chính thống, có những giai điệu đẹp như thế. Tôi đã tìm cách để giới thiệu và thuyết phục họ bằng sự làm việc chăm chỉ, tích cực của mình, dần dần, tôi nảy ra ý tưởng lập ra một nhóm Tứ tấu. Tôi đã hợp tác cùng 3 nhạc công Đức danh tiếng trong dàn nhạc là nghệ sĩ violin Hans Maile, nghệ sĩ viola Erhard Starke và nghệ sĩ cello Dietmar Spallek để lập ra Tứ tấu BESA”.

Nhóm tứ tấu BESA (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm tứ tấu BESA (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nói thì đơn giản vậy nhưng để những giai điệu dân ca Việt Nam có thể vang lên giữa không gian âm nhạc sang trọng của Nhà hát Giao hưởng Berliner Philharmonie (Berlin, Đức) lại không hề đơn giản. Có một chuyện giống như dấu mốc khiến nghệ sĩ Anh Kiệt nhớ và tự nhắc mình phải nỗ lực hơn nữa mỗi lúc gặp khó khăn. Đó là 2 năm sau khi làm việc tại dàn nhạc Berliner Symphoniker, Nhạc trưởng Lior Shambadal hỏi anh là người nước nào, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Câu trả lời: “Tôi là người Việt Nam” khiến vị nhạc trưởng đáng kính ngạc nhiên: “Việt Nam cũng có nhạc cổ điển à?”.

Không tự ái, không tranh luận, Anh Kiệt dần dần chứng minh nền âm nhạc dân tộc Việt Nam bằng sự ra đời của nhóm tứ tấu BESA. Nhóm tự tập luyện, biểu diễn những tác phẩm khí nhạc cùng một số bản chuyển soạn cho tứ tấu đàn dây của các nhạc sĩ như Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Công Sơn... và những bài dân ca quen thuộc của Việt Nam.

Nhóm tứ tấu BESA biểu diễn trên sân khấu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm tứ tấu BESA biểu diễn trên sân khấu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chọn cái tên BESA, theo anh lý giải chính là cách viết tắt của Berlin và Sài Gòn - 2 mảnh đất gắn con đường âm nhạc của nghệ sĩ Anh Kiệt. Từ tình yêu âm nhạc truyền thống cộng thêm chút tự ái, tự hào dân tộc, hiện nay, nhóm Tứ tấu BESA đã có vị trí nhất định trong các buổi diễn (concert) lớn nhỏ ở Nhà hát Giao hưởng Berliner Philharmonie, ở Berlin nói riêng và nước Đức nói chung, bên cạnh đó là biểu diễn ở các sự kiện ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như nhiều dịp lễ, Tết của cộng đồng người Việt ở Đức.

Không chỉ vậy, nghệ sĩ Anh Kiệt còn nỗ lực đưa nhóm Tứ tấu BESA và Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker về nước biểu diễn vào năm 2012 và 2013 để các nghệ sĩ Đức hiểu hơn về Việt Nam cũng như âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, anh còn là cầu nối giúp các nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn tại Đức. Mới đây nhất, ngày 2/2, Anh Kiệt đã kết nối để nghệ sĩ violin Bùi Công Duy sang tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker tại Berlin.

Người Việt sống ở ngoài nước yêu các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là một điều đáng quý và càng đáng quý hơn khi họ truyền tải tình yêu ấy đến với bạn bè quốc tế giống như nghệ sỹ Lê Ngọc Anh Kiệt đã và đang nỗ lực thực hiện.

Theo Ý Dịu - Công Hân
VOV Online