Người gieo chữ Việt trên đất Séc

Khởi hành con đường vạn dặm (Kỳ I)

Thế kỉ 19, nhà ngôn ngữ học của Séc Josef Jungmann soạn bộ Đại từ điển Séc - Đức để khơi dậy lòng tự tôn dân tộc và để thế giới biết rằng tiếng Séc hay không kém bất cứ ngôn ngữ nào. Tinh thần ấy đã truyền cảm hứng cho một người Việt tại Séc.

Ông Nguyễn Quyết Tiến (ngoài cùng bên trái) và ông Ivo Vasiljev (thứ hai từ phải).

Ông Nguyễn Quyết Tiến (ngoài cùng bên trái) và ông Ivo Vasiljev (thứ hai từ phải).

Ông là kỹ sư điện điều khiển học, nhưng lại có niềm say mê ngôn ngữ đến kỳ lạ, có khả năng viết báo, viết sách, sáng tác thơ văn và đặc biệt, ông đam mê nghề dạy học. Đó là những nét cơ bản trong bức phác thảo chân dung một trong hai đồng tác giả bộ Đại từ điển Việt - Séc được xuất bản hồi đầu năm 2013 tại thủ đô Praha: Kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến.

Duyên trời se với con chữ

Nguyễn Quyết Tiến tới Séc du học ngành điện điều khiển học từ năm 1966, khi mới 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp năm 1972, ông làm việc cho Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam với công việc phiên dịch tại Đại sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tiệp Khắc.

"Nếu núi Vọng Phu chỉ là đá như những hòn đá khác/ Thì những người đi sẽ chẳng trở về" (thơ Đặng Hiển). Quyển đại từ điển mà chúng tôi xây dựng cũng phải có hồn để gợi cho các em về với cội nguồn. Không chỉ là giải nghĩa một cách khô khan, nó phải nêu được cái hay trong hai ngôn ngữ và những nét văn hóa, lịch sử của hai dân tộc". 

Ivo Vasiljev Trí Hiền - Nguyễn Quyết Tiến

Chính trong thời gian này, Nguyễn Quyết Tiến đã quen một người Séc tên là Ivo Vasiljev. Ông bảo: "Dạo ấy trình độ tiếng Séc của tôi còn non và anh Ivo đã giúp tôi rất nhiều. Dù tôi là học trò của anh nhưng anh vẫn coi tôi như một người bạn". Ông không thể ngờ rằng, công dân mẫu mực của nước Séc ấy còn đồng hành với ông trong một kế hoạch để đời hai thập kỷ sau đó.

Ông kể: "Thời của tôi, việc học ngoại ngữ vô cùng gian khổ vì thiếu từ điển. Khi tôi sang Tiệp Khắc du học chưa có một quyển từ điển Séc - Việt nào. Muốn tìm nghĩa một từ tiếng Séc, chúng tôi phải tra vòng qua từ điển Séc - Nga rồi Nga - Việt. Thế hệ chúng tôi rất biết ơn những bậc đàn anh đi trước, các tác giả Trần Xuân Đàm, Nguyễn Xuân Chuẩn, Bùi Đức Lại và cộng sự đã tạo nên cuốn Từ điển Séc - Việt đầu tiên vào năm 1969".

Sau khi về nước, ông công tác ở Bộ Ngoại thương và đến 1990, ông làm Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Tiệp Khắc. Những công việc chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa, thơ văn ấy dường như không tạo cho Nguyễn Quyết Tiến niềm vui trong công việc. Từ năm 1993, ông chuyển sang gắn bó với nghề dạy học, viết báo, viết sách, sáng tác thơ văn...

Vốn rất say mê ngôn ngữ và dạy học, ông bắt đầu viết những bài dạy tiếng Séc đăng trên các tạp chí của người Việt tại đây. Nhiều người đã cắt những trang báo ấy đóng thành quyển sách để học. Rồi bà con bắt đầu giục ông viết sách. Ý nghĩ cần thiết phải biên soạn một cuốn đại từ điển Séc - Việt dần hình thành.

Người bạn đặc biệt

Ivo Vasiljev sinh năm 1936 tại Séc, là người có biệt tài về ngôn ngữ (biết 10 thứ tiếng). Năm 18 tuổi, ông đã sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ là Nga, Séc, Đức và bắt đầu tự học tiếng Triều Tiên khi học Đại học khoa Triều Tiên học. Sau đó, ông làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Phó Tiến sĩ khoa học về tiếng Việt và Văn hóa, Lịch sử Việt Nam.

Thông thạo tiếng Việt và am hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam, ông đã dành cho dải đất hình chữ S này cảm tình đặc biệt. Năm 1966, khi đoàn đại biểu Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm Việt Nam, ông đã may mắn được vinh dự phiên dịch cho Hồ Chủ tịch. Ivo Vasiljev cùng với nhà thơ Koreák đã dịch tập thơ Nhật kí trong tù của Người sang tiếng Séc, viết sách Đi tìm di sản người Việt cổ và nhiều công trình nghiên cứu khác. Ông còn tự đặt cho mình cái tên Việt Nam là Trí Hiền.

Những cuốn giáo trình dạy tiếng Séc của ông Nguyễn Quyết Tiến được cộng đồng Việt Nam ở Séc đón nhận nhiệt liệt. Thậm chí, Cơ quan di trú của Bộ Nội vụ Séc còn đặt mua hàng trăm cuốn để dùng trong các trường dạy tiếng Séc cho người Việt.

Sau thành công ấy, ông Tiến đem ý nghĩ xây dựng một bộ từ điển trao đổi với ông Ivo và ngỏ ý mời ông giúp đỡ, cộng tác. "Anh Ivo rất hoan nghênh và hứa sẽ giúp đỡ, nhưng chưa hứa sẽ cộng tác. Một mặt vì thời gian ấy cả hai chúng tôi đều rất bận, mặt khác, có lẽ anh còn muốn xem cung cách tôi viết như thế nào. Năm 2007, tôi gửi đến anh một số trang từ điển soạn thử đầu tiên. Vài ngày sau, anh gửi cho tôi ý kiến góp ý, đồng thời tặng tôi món quà là cặp động từ thuộc loại khó nhất mà anh biên soạn với phong cách hoàn toàn mới so với các từ điển khác. Khó có thể nói tôi đã mừng như thế nào. Tôi trả lời rất thích cách biên soạn như vậy và sửa lại tất cả các trang đã viết theo hướng ấy. Cuối cùng, điều tôi mong mỏi nhất đã đến: Anh Ivo hứa sẽ cộng tác với tôi để cùng biên soạn bộ đại từ điển", ông Tiến kể lại.

Ông Tiến chia sẻ: "Khi đặt tay lên bàn phím để viết những dòng đầu tiên của vần A, tôi thấy con đường trước mặt xa thăm thẳm và cao vời vợi như đi lên một trái núi lớn. Nhưng bản lĩnh kiên nhẫn và ý chí quyết tâm rèn luyện được từ thời trẻ đã giúp tôi không lùi bước".

Con đường vạn dặm của hai “nông dân” gieo chữ Việt trên đất Séc ấy bắt đầu!

Theo Khánh Nguyễn
Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm