Hương cà phê Việt giữa Mátxcơva

(Dân trí) - Cà phê là món điểm tâm không thể thiếu hàng ngày của người Nga. Cũng tương tự như ấm trà Thái Nguyên hay bát nước chè xanh xứ Nghệ sau mỗi bữa cơm quây quần ấm cúng, mà những người Việt xa xứ chúng tôi luôn nhớ da, nhớ diết.

Hương cà phê Việt giữa Mátxcơva - 1

Nhân viên phục vụ tại quán Hoàng Hà. 
 
Tao nhã phin nhôm

 

Chiều thứ bảy đang chưa biết làm gì thì anh bạn alô rủ đi uống cà phê. Tôi hỏi ở đâu? Anh bảo đến một nơi “bí mật”(!) Vội vàng khoác áo palto, mũ lông, với khăn len, găng tay da…xúng xính đội tuyết lạnh âm 15 độ C cóng tay ra đi.

 

Đến nơi tôi mới thích thú nhận ra đây là nhà hàng NEMS nổi tiếng quen thuộc ở Mátxcơva tại ga xe điện ngầm (metro) Yugo Zapaznaya của hai nhà cử nhân và cũng là doanh nhân Nguyễn Đình Hoàng và Nguyễn Thị Hạnh, quê Hà Tĩnh. Một địa điểm quen thuộc của các nhà văn nghệ sĩ, trí thức, cán bộ, nhân dân, sinh viên…ở Nga và cả từ trong nước sang công tác, du lịch.

 
Thật là bất ngờ khi được chứng kiến cái thú tao nhã ngoài sự tưởng tượng của tôi: cà phê Trung Nguyên pha bằng phin nhôm Việt Nam thứ thiệt hẳn hoi nhé! (chứ không phải là thứ cà phê của Brazil pha bằng ca nhôm vùi trong cát nóng của người Nga đâu). Đúng là một sự kiện hiếm hoi và vô cùng đặc biệt. Thảo hèn anh bạn tôi cứ tủm tỉm khẽ giơ ngón tay ra vẻ bí mật trên suốt chặng đường tới đây.

 

Đảo mắt nhìn quanh một lượt tôi ngỡ ngàng nhận thấy khá đông khách. Ngoài mấy ông Việt Nam quen thuộc như bọn tôi, còn có cả người Nga, người Trung Quốc và người các nước SNG (Liên Xô cũ)…

 

Hương cà phê quê hương quen thuộc thơm khó tả bảng lảng trong không gian khiến lòng những người con xa xứ chúng tôi ấm lại. Và có thể nói thêm là hoàn toàn không có “biên giới quốc gia” giữa những thực khách có mặt ở đây.

 

Khung cảnh vừa ấm cúng lại rất nền nã mà không kém phần sang trọng. Tranh treo trên tường đều là cảnh núi non, hoa lá, biển trời, sông nước nên thơ của Việt Nam. Hai chữ “HOÀNG HÀ” (Tên ghép của hai bố con ông chủ tiệm) màu vàng nổi bật trên nền nâu tựa màu cà phê thật ấn tượng. Sống động hơn là hình ảnh những cô phục vụ viên thành thục các thao tác pha chế cà phê trong những chiếc phin nhôm xinh xắn.

 

Thoáng trong bầu  không khí ấm cúng, xen lẫn tiếng nói cười khe khẽ của khách cả Tây lẫn ta, là tiếng những giọt cà phê rơi tí tách, rất nhỏ nhưng với chúng tôi nghe thánh thót như những nốt nhạc mùa đông. Ngoài kia qua khung cửa sổ tuyết vẫn rơi lất phất. Thật không còn gì thú vị cho bằng.

 

Chúng tôi ghé qua bàn hỏi mấy vị khách Nga về cảm tưởng khi thưởng thức cà phê “Made in Vietnam”. Một người xưng tên Sergei, dáng người to béo, cười vẻ thích thú ra mặt: “Ngon lắm, khác hẳn thứ cà phê Brazil hòa tan mà hàng ngày bọn tôi pha uống tại tư gia. Hơn nữa chúng tôi rất thích thú khi được nhâm nhi và chiêm ngưỡng cái ‘ấm’ nhôm nhỏ bé xinh xắn này”.

 

Rồi vừa xoay xoay cái phin cà phê trong tay, Sergei vui vẻ nói thêm: “Tôi sẽ nhờ ông chủ tiệm HOÀNG HÀ mua cho một cái ấm  như thế này và cả cà phê Việt Nam của các bạn, để có thể uống tại nhà khi bận công việc không ra nhà hàng được”.

Vậy là với “chiêu” mở cà phê phin tại nhà hàng “NEM” và bây giờ thêm một tên mới là cà phê “HOÀNG HÀ”, vợ chồng anh Hoàng và chị Hạnh đã đưa đến cho người dân Nga tại đây một thú vui tao nhã của dân Việt Nam ta nơi xứ bạn…
 
Hương cà phê Việt giữa Mátxcơva - 2
Thực khách thưởng thức cà phê Việt.

 

Điểm đến hấp dẫn

 

Để có được những giây phút mê hoặc lòng người bên giọt cà phê đắng này, hai anh chị Hoàng - Hạnh phải tìm tòi suy nghĩ rất nhiều về cung cách đổi mới. Với lại thời gian qua nước Nga khủng hoảng kinh tế, lượng khách có phần giảm. “Dịp này mọi năm vào tháng 12 là đông khách lắm nhất là đám sinh viên” - Anh Hoàng kể. Phải làm sao cho nhà hàng hoạt động phong phú thêm tránh đơn điệu như lâu nay. Chỉ có cà phê! Phải rồi. Làm thêm món cà phê Việt nam và pha bằng phin! Vậy là ý tưởng ra đời.  

Hai vợ chồng âm thầm lên kế hoạch. Những thứ gì cần mua sắm tại Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, phin nhôm pha chế, cốc chén, thìa dĩa, khay mây…Tất cả đều phải là “Made in Vietnam” xịn. Rồi tranh treo tường các loại lớn bé, mẫu mã, phong cảnh quê hương ra sao để thực khách có thể vừa nhâm nhi vị đắng cà phê Việt Nam, vừa thưởng ngắm những cảnh non nước hữu tình của dải đất hình chữ S.

 

Bàn ghế phòng ốc cũng phải tân trang lại tươm tất đúng phong cách một tiệm cà phê. Được cái “NEM” và “HOÀNG HÀ” (cà phê) tuy đều được gói gọn trong một phòng rộng có diện tích khoảng 150 mét vuông, nhưng ở hai vị trí riêng biệt gần như đối diện nhau và được thể hiện qua hai gam màu khá hòa đồng: Đỏ của NEM và nâu của cà phê HOÀNG HÀ.

 

Khách hàng có thể thưởng thức nem, phở, bánh cuốn… xong thì chuyển sang món cà phê phin: đen, nâu tùy sở thích. Giá cả  phải chăng, vừa hợp với túi tiền bình dân vừa hợp với thị trường. Tới đây, khách còn được xem các chương trình ca nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam và các nước, được chiếu liên tục qua chiếc tivi màn hình phẳng 70 inch.

 

Anh chị Hoàng - Hạnh cho biết: hiện nhà hàng chưa quảng cáo rầm rộ ở các vị trí công cộng. nhưng lượng khách rỉ tai nhau đã đến thưởng thức kha khá. Vậy là “hên” lắm rồi! Chúng tôi động viên và chia sẻ những thành công bước đầu với ông bà chủ.

 

Với chúng tôi, anh chị đã  làm một việc hết sức có ý nghĩa. Không chỉ là tăng thêm doanh thu cho nhà hàng của mình, mà cái quan trọng là anh chị đã quảng bá cho bè bạn Nga một món quà “xa xỉ” mà cũng  bình dân “Made in Vietnam”: cà phê Trung nguyên pha bằng phin. Một thương hiệu không chỉ có tiếng ở Việt Nam, mà đang tiếp tục lan tỏa danh tiếng ra nước ngoài. Cũng qua đó,  anh chị còn tạo thêm công ăn việc làm cho một số người Việt Nam đang trong hoàn cảnh chợ búa khó khăn, việc làm bấp bênh như hiện nay tại Nga.

 

Và còn một điểm đặc biệt nữa. Đó là HOÀNG HÀ với độc chiêu cà phê này đã tạo nên một điểm đến mới thu hút một lượng khách ngoại quốc bị mê hoặc bởi món cà phê Trung Nguyên pha phin. Đồng thời cũng là nơi gặp gỡ lý tưởng cho những người Việt mượn dịp thưởng thức hương cà phê quê hương tại quán quê hương, để  đàm đạo, chia sẻ tâm tư với bạn hữu cho vơi bớt những nỗi niềm nhớ nhung, hoài niệm…...

 

Bài và ảnh Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm