Thư Brussels:

Hoài niệm về thế hệ lính sinh viên "chẳng bao giờ kịp tuổi 20"

(Dân trí) - Quảng trị 1972 luôn được nhắc đến cùng với một thế hệ lính sinh viên. Tuy nhiên hồi ấy còn một lớp lính khác cũng rất đặc biệt, đó là lứa học sinh lớp 10. Khóa 1971-1972 đa phần là sinh năm 1954-1955.

Hoài niệm về thế hệ lính sinh viên "chẳng bao giờ kịp tuổi 20" - 1

"Tổ linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng!" (Đảo Bé, Lý Sơn tháng 4/2016; tác giả đứng thứ 2 từ phải sang)

Năm 1972 hầu hết các bạn nam sinh năm 1954 hoặc sớm hơn đều bị gọi vào lính. Đợt gọi đầu tiên đông lắm. Lính phổ thông quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tập trung ở cổng trường Việt Đức, bịn rịn chia tay bạn học.

Thế rồi không biết ai “rò rỉ thông tin” rằng tân binh sẽ tập trung ở Yên Sở, thế là có bao nhiêu xe đạp đều được trưng dụng. Chở 2, chở 3 kéo nhau lên Yên Sở để tiếp tục “chia tay”.

Hình như chẳng có khóa nào như thế vì trước và sau 1972 hình như không có đợt nào “vét” lính sắp tốt nghiệp phổ thông.

Hoài niệm về thế hệ lính sinh viên "chẳng bao giờ kịp tuổi 20" - 2

Tháng 4/2016 tại Lý Sơn

Khóa ấy không có lễ ra trường vì (máy bay) B52. Các bạn đi bộ đội sau này về được đặc cách tốt nghiệp. Chả thế có một người bạn khóa 72 còn tếu táo đùa: “Chúng tớ xài bằng tốt nghiệp... giả”.

Khóa ấy xáo trộn nhiều, sơ tán đi sơ tán lại nên ai cũng nhiều bạn. Khóa ấy gắn bó với nhau đến tận bây giờ.

Mới đây tôi cùng một số bạn khóa 1972 đồng khóa nhưng không đồng môn đi thăm các nghĩa trang dọc Quảng Trị-Thừa Thiên Huế. Và bài thơ này tôi viết cho “bạn bè cũ”, gửi các bạn khi tháng 7 lại về…

Thơ cho bạn bè cũ

Nhớ cái ngày các cậu ra đi

Hầu hết chúng mình chỉ gần gần 17

Phượng chưa đến mùa để mà rực cháy

Học đã xong đâu mà nghĩ đến chia tay

Ngoảnh lại ngoảnh đi mà đã đến ngày

Lứa chúng mình sắp về hưu hết cả

Tóc đã bạc bởi một thời gian khó

Lại nhớ nhiều hơn về lớp về trường

Lứa chúng mình rất là dễ thương

Như thể cả Hà Nội cùng chung một khóa

Chắc các cậu ở đây cũng thế

Hà nội A, B, Chu Văn An... đủ cả nơi này…

Có những người trước đây chưa kịp quen nhau

Nhưng cứ chuyện trò vài câu là rôm rả

Trong đám bạn học trò một thủa

Ta thể nào cũng có bạn quen chung

Có khác chăng chỉ một chút lắng lòng

Các cậu mãi mãi chẳng bao giờ kịp 20 tuổi

Giữa Quảng trị trời trong xanh nhường ấy

Tớ khóc vì 1975 mình vừa đúng 20 !

Cuộc gặp nào cũng đến lúc chia tay

Chúng tớ sắp phải về rồi, ngoài kia xe đã gọi

Cho tớ thắp thêm một tuần hương mới

Không phải vĩnh biệt các cậu đâu,

mà để trải lòng mình

Cho những bạn bè tớ chưa kịp đến thăm

Và hộ những đứa chưa kịp về thăm các cậu

Dẫu âm – dương hai đường thì vẫn vậy

Khóa chúng mình đâu có dễ quên nhau...

Tran Thanh Thu (từ Brussels)

Hoài niệm về thế hệ lính sinh viên "chẳng bao giờ kịp tuổi 20" - 3

* Nguyen Manh Dzung: Đây là trang đầu của cuốn sổ tay các bạn lớp 10b tặng mình ngày nhập ngũ tháng 4/72. Các bạn có nhận ra chữ ai viết không? Mình đoán là của T. Thu hoặc Xuân Minh? Một kỷ vật mình vẫn giữ trong ba lô suốt đời lính và đến bây giờ. Cảm ơn các bạn. Mình cũng rất cảm động về tình cảm của các bạn. Hồi chiến tranh mình vẫn tin sẽ có ngày hôm nay, bởi vậy mình cố giữ những kỷ niệm này...

Ra mặt trận, tất cả đều trông chờ vào sự may mắn. Những người trở về đều được hưởng hồng phúc. Bởi vậy mình không thể quên được những người đã ngã xuống. những kỷ niệm của đời lính là vô giá đối với những người từng trải thấm thía khổ đau.

* Thanh Rau: Kỷ vật những ngày cuối cùng của đời học sinh trước khi bước vào cuộc chiến tranh đẫm máu. Dòng lưu bút tình cảm bạn bè đã đi qua gần nửa thế kỷ... thật vô giá...

Bọn mình mới học xong lớp 9b Ngô Sĩ Liên (1972) thì hầu hết đám con trai trong lớp đều lên đường nhập ngũ. Người hy sinh đầu tiên là bạn Duyên, nhỏ nhắn hơn mình (lúc khám sức khỏe tuyển quân mình nặng có 43kg), lúc nào trên môi bạn ấy cũng có nụ cười rất tươi. Bạn Duyên hành quân vượt Trường Sơn vào B2.

Trong trận đánh xe thiết giáp của địch ở Trảng Bàng, đại đội của Duyên bắn cháy nhiều xe địch, đến lúc hết đạn B40, B41, bị bọn nó bao vây chặt, bắn pháo sáng suốt đêm để quan sát ngăn chặn đường rút, anh em phải móc bùn "chém vè" tại chỗ.

Sáng ra chúng ập đến, anh em bật lên đánh trả quyết liệt nhưng địch quá đông nên lần lượt hy sinh. Duyên bị thương và bị bắt, bọn địch dùng dây dù trói tay lại và buộc Duyên sau đuôi xe thiết giáp kéo lê về sân vận động thị xã Tây Ninh.

Duyên đã hy sinh ngay trên đường...!!!

Hoài niệm về thế hệ lính sinh viên "chẳng bao giờ kịp tuổi 20" - 4

(Trích từ FB của Tran Thanh Thu)