GS. Nguyễn Văn Tuấn: Trăn trở vì nền y khoa nước nhà

Sang Australia chỉ với hai bàn tay trắng và gặp vô vàn khó khăn, song GS. Nguyễn Văn Tuấn đã nỗ lực phấn đấu và trở thành nhà khoa học danh tiếng.

Thời gian sau này, ông thường xuyên về nước như một chuyên gia, đồng nghiệp, người bạn, người con thúc đẩy phát triển nền khoa học nước nhà.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Người gốc Việt duy nhất được phong giáo sư y khoa

GS. Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sĩ y khoa và Tiến sĩ thống kê, hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền học ở Viện nghiên cứu y khoa danh tiếng Garvan (thành phố Sydney thuộc tiểu bang New South Wales, Australia. "Gia tài” ông gồm hơn 400 bài báo khoa học đăng tải khắp các tạp chí chuyên đề uy tín thế giới như Nature, New Science, Lancet Wngland Journal of Medicine, … (theo PubMed). Việc tìm ra gene loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương và gần đây nhất tìm ra gen FTO có liên hệ giữa chứng loãng xương và béo phì của ông có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Vào năm 2005, trường Đại học New South Wales (Australia) bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, rồi tiếp tục là giáo sư. GS. Nguyễn Văn Tuấn được xem là người gốc Việt duy nhất được phong giáo sư y khoa tại Australia. Cũng trong năm 2005, GS. Nguyễn Văn Tuấn là 1 trong 15 người được vinh danh trong Lễ vinh danh nước Việt (lễ vinh danh dành cho những người Việt Nam đạt thành tựu xuất sắc trong mọi lĩnh vực đang sinh sống tại Việt Nam và các nước trên thế giới). Năm 2008, Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế của Australia (NHMRC) bổ nhiệm chức danh Senior Fellow và GS. Tuấn liên tục được mời thỉnh giảng tại Anh quốc, Thụy Sĩ, Mỹ, Thái Lan.

Giáo sư Tuấn trở về quê hương làm diễn giả khoa học lần đầu tiên do một công ty dược mời, nhân dịp ông tham dự một hội nghị tại Thái Lan. "Tiếng lành đồn xa”, được đánh giá là một diễn giả có duyên, trong hơn chục năm qua GS. Tuấn đã thực hiện hơn 30 lớp tập huấn, trên 100 buổi seminar cho các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học từ Nam ra Bắc về khoa học. Từ chứng loãng xương, đến phương pháp nghiên cứu, hướng nghiên cứu, kỹ năng mềm cho nhà khoa học… 

Ông cũng đã xuất bản 12 cuốn sách về loãng xương, y học thực chứng, cách làm khoa học tại Việt Nam. Nội dung những chủ đề này thường bị xem là khô khan, tuy nhiên cách viết hấp dẫn của ông đã thu hút nhiều người đọc và nhiều cuốn được tái bản. Năm 2013, Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục IRED đã trao giải thưởng Sách hay cho quyển "Đi vào nghiên cứu khoa học” của ông.

Vì sự nghiệp giáo dục nước nhà

Cùng với nghiên cứu khoa học, GS. Nguyễn Văn Tuấn luôn theo dõi sự nghiệp giáo dục trong nước, hướng dẫn các nghiên cứu sinh, làm giáo sư thỉnh giảng…Ông cho biết: "Tôi nhận thấy cách làm khoa học ở Việt Nam có nhiều cái vẫn chưa hoàn hảo lắm. Gắn bó với ngành y lâu năm, tôi thấy số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học quốc tế của Việt Nam tuy có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với một số nước trong khu vực (bằng 1/4 so với Thái Lan và 1/8 so với Singapore). 

Nhiều công trình khoa học của nước ta ít có khả năng công bố quốc tế vì việc nghiên cứu đơn giản, phương pháp chưa đúng. Nhiều đề tài chỉ tập trung nghiên cứu lại cái thế giới đã làm, không có tính đột phá hay đóng góp mới…Có thể nói rằng, nền khoa học Việt Nam là khoa học lệ thuộc khi có đến 80% các kết quả nghiên cứu được công bố quốc tế luôn cần đến sự hỗ trợ, hợp tác hay làm chung cùng các nhà khoa học nước ngoài. Trong khi ở Thái Lan, Malaysia, Philippines tỉ lệ này chỉ 50%. 

Tuy nhiên cũng rất may mắn khi gần đây Việt Nam có Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Tôi đánh giá cao cách tài trợ khoa học và đánh giá kết quả nghiên cứu của quỹ này. Cần nhân rộng cách làm của quỹ NAFOSTED và sớm chấm dứt cách xét duyệt, tài trợ, nghiệm thu như hiện nay đang được áp dụng ở nhiều địa phương, kể cả cấp bộ”.

Theo Trung Nguyên
Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm