Đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva

(Dân trí) - Dù xa quê hương hàng vạn dặm, trong lòng mỗi người con dân đất Việt vẫn cháy bỏng tình yêu quê hương, luôn hướng về cội nguồn với những tình cảm nồng thắm, da diết… Những xúc cảm đó như từng đợt sóng trào dâng xuyên suốt đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva.

Đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva - 1
Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội VHNT VN tại Nga, khai mạc đêm thơ

 

Nàng Thơ trong những trái tim xa xứ

 

“Đêm thơ nhạc, Nguyên tiêu – 2012” được Hội Văn học nghệ thuật VN tại Nga và Hội người Việt phối hợp tổ chức chiều 6/2 tại hội trường Đại sứ quán VN tại thủ đô Mátxcơva. Tới dự có các cán bộ Đại sứ quán, đại diện các hiệp hội, cùng nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu và sinh viên Nga và đông đảo bà con VN đang làm ăn sinh sống học tập tại xứ sở bạch dương.

 

Tương phản với cái giá lạnh tới âm hàng chục độ C bên ngoài, “lửa” đam mê với “nàng thơ” như càng đốt cháy những tâm hồn tha thiết với thi ca bên trong khán phòng, khi các nhà thơ cộng đồng sôi nổi thể hiện những vần thơ mộc mạc nhưng rất xúc động về cuộc mưu sinh vất vả trong bối cảnh kinh tế thị trường nước bạn.

 

Nhà thơ Lê Anh Tuấn vốn là một cựu sĩ quan, suốt mấy chục năm qua lăn lộn với thương trường với bao đắng cay ngọt bùi  nên hiểu rất rõ thế nào là kiếp “con cò lặn lội bờ sông”. Song điều đó cũng chẳng thể ảnh hưởng tới cái sự say thơ như đã ăn vào máu thịt của anh. Những vần thơ viết về mẹ, về lũy tre làng… của anh đặc biệt có sức thu hút khán giả:  “…Ba mươi năm nơi đất khách quê người/Đã bao lần bầm môi nuốt từng giọt đắng…” hay: “…Ngày trở về trong vòng tay của mẹ/Hạt gạo quê hương cốm thơm nồng…” ( Trăng đất khách) Và: “…Đi xa mới hiểu lòng đất mẹ/Một thoáng tre nghiêng chợt nhớ nhà…” (Hồn quê).

 

Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật VN tại Nga cũng đọc những vần thơ đi vào lòng người: “… Khế nẫu rụng đầy mặt đất/ Còng lưng mẹ ngại ra vườn/ Chống gậy bước cha lẫm chẫm/ Ngóng con ở phía tha hương…” (Vô đề 3). Có thể nói nhà thơ Châu Hồng Thủy như một con người sinh ra là để cho thơ và mỗi vần thơ của anh đều thể hiện rõ sự nặng tình với xứ sở bạch dương qua bao mùa gió tuyết, như anh tự bạch: “…Thơ của tôi – Giếng nước trong sa mạc/Kẻ chăn chiên chiu chắt từng gầu/Thơ của tôi – những vẩy vàng trong cát/Phải nhọc nhằn đào những tầng sâu…” (Thơ của tôi).
 
Đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva - 2
Khán phòng “Đêm thơ nhạc, Nguyên tiêu 2012”

 

Còn nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, phó chủ tịch Hội, người vẫn còn chưa khỏe hẳn sau chuyến về thăm quê nhân 100 ngày mất của mẹ, vẫn có mặt và một lần nữa cho thấy sự nặng tình với “nàng thơ” của anh. Thơ với Nguyễn Huy Hoàng có lẽ là cả cuộc đời. “… Kiếp xưa có nợ gì không/ Mà ai đưa đẩy lấy chồng văn chương/ Nghiệp trần đất khách, tha phương/ Bao năm chỉ thấy tai ương kéo về…”(Nợ đời).

 

Có thể nói thơ của Nguyễn Huy Hoàng là cả một trời trăn trở với bao nỗi niềm, xúc cảm về những người đồng xứ: “…Bước về đâu, đành mắt nhắm, chân đưa/ Làm quần quật, mong góp tiền trả nợ/ Trở về quê xin chuộc lại ruộng vườn…” (Giữa cánh đồng rau). Với mẹ, anh viết:

 “…Con mang tội muôn ngàn lần với mẹ/ Khi mái tranh mưa vẫn dột tứ bề /Mỗi đêm ngủ canh ngọn đèn phấp phỏng/ Che bên này lại sợ gió bên kia…” (Với mẹ)
 
Đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva - 3
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
 

Cánh thơ bay xa, bay xa…

 

Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra như một thông lệ hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng. Đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lành mạnh, hấp dẫn và lôi cuốn đông đảo những người yêu thơ từ cả phía cộng đồng VN và bạn bè Nga.

 

Có thể nói, mặc dù tất bật với những lo toan, vất vả với nền kinh tế thị trường hàng ngày, nhưng không vì thế mà niềm đam mê thi ca trong nhiều người con VN xa xứ bị ảnh hưởng. Nhiều anh chị em đã có những bài thơ ca ngợi quê hương đất nước, nỗi nhớ gia đình và cả những băn khoăn trăn trở với đời thường nơi xứ bạn…đăng trên trang web của Hội: nguoibanduong.net.

 

Thơ ca là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhưng có một thực tế khiến mọi người VN ở Nga chúng tôi đều trăn trở và phàm đã là người VN ở Nga làm thơ đều phải chấp nhận: Đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, khiến đa số chỉ làm thơ cho vui. Còn để tâm cả đời làm thơ như hai anh Châu Hồng Thủy và Nguyễn Huy Hoàng thì… hiếm. Đúng như anh Hoàng đã dốc cả ruột gan qua câu thơ: “…Kiếp xưa có nợ gì không/Mà ai đưa đẩy lấy chồng văn chương…”  - Hội VHNT “rất nghèo” đúng theo nghĩa đen. Thậm chí, mỗi lần tổ chức hội hè là các anh lại thay nhau “gõ cửa”(?) từng nhà…tài trợ!

 

Đêm thơ còn có sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ Đại sứ quán. Các anh Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Đình Thái, chị Lê Thị Thanh Loan (phu nhân đại sứ Phạm Xuân Sơn)…cũng tự thể hiện những bài thơ khá hay về mẹ, hoặc kể lại những kỷ niệm về “một thời sôi nổi vụng về” từ ngày các anh chị còn là sinh viên du học tại Liên Xô cũ, và cả những dấu ấn thời chiến trường đạn bom khốc liệt…

 

Để lại dấu ấn khá đậm nét trong đêm thơ Nguyên tiêu này là sự góp mặt của những sinh viên trẻ người Nga đang học tiếng Việt. Cô sinh viên Nga gốc Triều Tiên Anna Nhi (trường MGIMO) chinh phục khán giả bằng giọng tiếng Việt khá chuẩn khi trình bày thơ thể hiện những cảm xúc trân trọng đối với con người VN. Khán phòng đã dành cho em những tràng vỗ tay nồng nhiệt và cả ánh mắt trìu mến. Vitali Palaghin, chàng sinh viên Viện Đông phương học thực hành (IPV) với vốn tiếng Việt còn bập bẹ vẫn “dũng cảm” thể hiện tình cảm“…Tôi yêu em…” (Anh trải lòng với cô gái Việt…)

 

Tiến sĩ Epghênhi Vaxilievich Kobelep là nhà nghiên cứu tiếng Việt (người cũng đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh) khiến ai cũng phải kính phục khi nghe ông lẩy Kiều: “…Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…”, và thể hiện những vần thơ đậm chất dân gian VN truyền thống: “…Sáng ngày em đi hái dâu/ Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn/ Hai anh đứng dậy hỏi han/ Hỏi rằng: Cô ấy vội vàng đi đâu/ Thưa rằng: Tôi đi hái dâu/ Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn/ Thưa rằng: Bác mẹ tôi răn /Làm thân con gái chớ ăn trầu người…” (“Hái dâu”). Rồi ông còn hát: “Bên ven bờ Hiền Lương” bằng tiếng Việt rất chuẩn, trong tiếng vỗ tay vang rền cả khán phòng đã biến thành dàn đồng ca hòa theo.

 
Đêm thơ Nguyên tiêu tại Mátxcơva - 4
Tiến sĩ Epghenhi Vaxilievich Kobelep đọc thơ và hát bằng tiếng Việt
 

Tình hữu nghị Việt – Nga quả là đã đưa con người xích lại gần nhau hơn, với những tình cảm thân quen và nồng ấm hơn. Và điều đó càng được thăng hoa với sự dẫn dắt của nàng thơ xuyên biên giới.

 

Các tiết mục múa hát phụ trợ  góp phần cho đêm thơ thêm sinh động, với những giọng ca như của nữ sinh viên Natalia Alexandrova thuộc IPV, với độc tấu ghita của nhạc sĩ Phạm Hồng Hà…

 

Thêm một chi tiết xúc động nữa là khi bà Irina Samarina - một nhà nghiên cứu về tiếng Việt, đặc biệt là ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số -  tặng Đại sứ Phạm Xuân Sơn một cuốn sách nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt của bà dày cả nghìn trang.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm