Có một người Việt rất Huế ở Thụy Sĩ
Camille Huyền đã làm xao xuyến bao khán giả ở thủ đô Bern, Zurich, Geneva...qua những làn điệu dân ca Việt Nam và Thụy Sỹ.
Chị đã làm xao xuyến bao khán giả ở thủ đô Bern, Zurich, Geneva...qua những làn điệu dân ca Việt Nam và Thụy Sỹ. giọng ca của người con gái dòng dõi hoàng tộc đang định cư tại Thụy Sỹ Camille Huyền cùng tiếng guitar bậc thầy của nghệ sĩ Walter Ginger luôn được đợi chờ trong mỗi kỳ Festival Huế.
Camille Huyền tên thật là Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng, sinh ra ở Huế và định cư ở nước ngoài từ năm 1978. Với chất giọng ngọt ngào, sâu lắng và niềm đam mê dành cho âm nhạc dân tộc của mình, Camille Huyền bắt đầu đi hát tại các phòng trà ở Paris từ năm 1986, khi còn là sinh viên thanh nhạc.
Nghệ sĩ Huế đa tài
Nhắc đến Camille Huyền, người ta không chỉ ngưỡng mộ chị bởi giọng ca trời phú hay niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc dân gian Việt Nam mà còn bởi dù xa quê hương lâu năm nhưng chất Huế trong chị vẫn nguyên vẹn đến đậm đà. Camille Huyền vẫn nói giọng Huế, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dễ thương như biết bao cô gái Huế, thích ăn vận kiểu Huế và sống với tâm tưởng thấm đẫm chất Huế…
Nghệ sĩ Camille Huyền trong đêm diễn tại Nha Trang, tháng 4/2012.
Năm 1996, sau khi hoàn thành các nghiên cứu về âm nhạc, Camille Huyền chuyển tới định cư ở Thụy Sĩ và tiếp tục tham gia biểu biễn cho cộng đồng người Việt tại đây, đồng thời cũng đi lưu diễn tại các cộng đồng người Việt tại những nước như Đức, Pháp, Italy với mục đích từ thiện. Nhưng, giới nghệ sĩ còn biết đến cái tên Camille Huyền trong vai trò là một họa sĩ tự do có tài.
Tại Thụy Sĩ, chị đã gặp họa sĩ Trịnh Cung như một sự tình cờ. Để rồi, người phụ nữ ấy lại san sẻ tình yêu của mình cho một niềm đam mê nữa: hội họa. Chị tiếp tục được họa sĩ Vĩnh Phối tiếp lửa cho niềm đam mê này và bắt đầu miệt mài lao động sáng tạo với cây cọ và bảng màu. Sự chăm chỉ đến nghiêm túc của Camille Huyền đã được đền đáp xứng đáng khi tổ chức được một triển lãm tranh sơn dầu của riêng mình tại nhiều địa phương ở Pháp và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đồng hành với nghiệp cầm cọ, chị vẫn không hề lơ là niềm đam mê ca hát của mình.
Trở về Bến Xuân
Năm 2004, trong một sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức, chị đã cùng người bạn học là Walther Ginger biểu diễn những bài dân ca Thụy Sĩ, dân ca Việt Nam và ra album đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình ngay trong năm đó. Album có tên Huyền Cầm. Để thể hiện những tình cảm trân quý đối với quê hương mình là thành phố Huế, trong album Huyền Cầm, Camille Huyền đã biểu diễn các ca khúc trữ tình của Khúc Dương, một nhạc sĩ Huế. Khúc Dương sáng tác bài hát dựa trên những bài thơ tình của các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Văn Cao, Quang Dũng...
Cũng từ đây, Camille Huyền tiếp tục thử sức với môn guitar cổ điển với nghệ sĩ Walther Giger. Ông là một tay guitar và nhà soạn nhạc danh tiếng của ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich. Sau 3 năm vật vã với ý tưởng "sâu - sang và đẹp" trong những bài thơ của nhà thơ - nhạc sĩ Cung Tiến, Camille Huyền cùng với ban nhạc Orches Trio Zurich đã hoàn thành việc thu âm album Cung Tiến với những bài hát dân ca được chuyển thể từ các tác phẩm thi ca của các nhà thơ hiện đại Việt Nam và bài thơ Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Thôi Hiệu (Trung Quốc) được Vũ Hoàng Chương dịch sang lời Việt năm 1976.
Từ thành công này, Orches Trio Zurich và Camille Huyền đã được mời biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc Huế và tháng 6/2008, với các bài hát nghệ thuật Cung Tiến trong chương trình chính. Sự kết hợp giữa Orches Trio Zurich và Camille Huyền sẽ tạo nên một chương trình nhạc cổ điển và hiện đại hấp dẫn tại Festival Huế 2008.
Từ đó, tên tuổi của Camille Huyền và bạn đồng hành Walther Giger gắn bó chặt chẽ hơn với mỗi kỳ Festival Huế. Lúc nào chị cũng tất bật với những dự án nghệ thuật của mình, bận rộn chuẩn bị cho những mùa Festival.
Nhưng với Camille Huyền, niềm hạnh phúc lớn nhất là được về với Huế thương, với Bến Xuân, công trình tâm huyết của chị và chồng là anh Trương Đình Ngộ trên bờ sông Hương. Bến Xuân không chỉ là một nhà hát, một địa chỉ văn hóa đất Thần Kinh mà còn là nơi chị và anh Ngộ đón tiếp bạn bè và các nghệ sĩ từ bốn phương trời tới hàn huyên hoặc cùng nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ và ngắm Huế mộng mơ mỗi buổi chiều về. /.
Theo Giang Minh Hà
Thế giới và Việt Nam