Cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc: Những cuộc gặp ý nghĩa

40 cô dâu Việt lấy chồng Hàn đã được giao lưu, trò chuyện trực tuyến với gia đình ở quê nhà. Bên cạnh đó, họ còn có cơ hội bày tỏ những mong ước, nỗi niềm của mình để nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía đơn vị tổ chức.

Trong suốt một tuần qua (từ 14 đến 18/7), 40 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đã được giao lưu, trò chuyện trực tuyến với gia đình mình tại Hà Nội, nhờ sự liên kết của công đoàn KT thuộc tổ chức liên đoàn lao động UCC. 

Bên cạnh việc được nói chuyện, chia sẻ với gia đình về tình hình sống ở Hàn Quốc, các cô dâu còn có quyền bày tỏ những mong ước, những nỗi niềm của mình và nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ phía đơn vị tổ chức.

Vợ chồng cô dâu Việt trò chuyện trực tuyến với gia đình

Vợ chồng cô dâu Việt trò chuyện trực tuyến với gia đình

Gặp gỡ ngắn ngủi nhưng hạnh phúc

Tuần lễ đoàn tụ của những cô dâu Việt mang tên "Buổi gặp gỡ trực tuyến dành cho các gia đình đa văn hóa Hàn - Việt” đã được tổ chức rất thành công. Đây là lần thứ 3 công ty KT thực hiện những cuộc gặp ý nghĩa này cho các gia đình cô dâu Việt. 

Thông qua trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trên toàn quốc, họ đã chọn 40 gia đình tham gia sự kiện đến từ các địa phương trên cả nước Hàn Quốc như Busan, Daegu, Chungnam… Tại Thủ đô Hà Nội, các gia đình Việt Nam đã được gặp mặt trực tuyến với con gái của mình. 

Mặc dù như một vài phụ huynh chia sẻ, thỉnh thoảng ở nhà họ cũng trò chuyện với con qua các phương tiện như mạng xã hội, điện thoại... Nhưng để có thể được nói chuyện rõ ràng, thấy hình ảnh con gái chỉn chu thì phải đến hôm nay mới có được. 

Qua những câu chuyện mà cô dâu Việt kể, người thân họ đã phần nào hiểu được cuộc sống của con em mình, thấy rõ được khuôn mặt, hình dáng và những thay đổi theo năm tháng. Với họ, đó là niềm hạnh phúc không phải gia đình nào cũng may mắn có được.

Một số cô dâu Việt như chị Phạm Thị Tuyết Mai đã đi cùng chồng tới gặp bố mẹ và em trai của mình. Người thân họ vui sướng khi nhìn thấy cả con gái lẫn con rể cùng ngồi nói chuyện. 

Thỉnh thoảng chàng rể lại thêm vào một vài câu tiếng Việt khiến những người có mặt cảm thấy vui và tự hào. Bởi văn hóa Việt, tiếng nói Việt đã và đang được những con người ấy làm giàu thêm ở nước bạn. 

Những nỗi lo sợ, những công việc nội trợ hàng ngày cũng được kể trong buổi gặp. Gia đình Bùi Thị Phượng lần đầu tham gia sự kiện gặp gỡ người thân qua truyền hình đã không giấu nổi xúc động kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình. 

Phượng sang Hàn Quốc và lấy chồng từ năm 2009 khi tuổi còn rất trẻ. Nếu ở Việt Nam thì năm nay Phượng mới học xong lớp 12. Ở bên kia, Phượng chỉ ở nhà làm nội trợ, còn chồng làm xây dựng. 

Vội vàng lên xe từ Quảng Ninh ra Hà Nội, từ bố, mẹ, chị gái đến cả đứa cháu cũng mừng rỡ khi nhìn thấy con em mình tươi tắn, khỏe mạnh nói chuyện về cuộc sống.

Mong muốn lớn hơn cho những cô dâu Việt

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn lao động UCC, hiện tại số cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc có tới khoảng 50 nghìn người. Trong 50 nghìn cô dâu ấy sinh ra 100 nghìn đứa trẻ đang mang hai dòng máu Việt - Hàn. Nhưng có tới 80% các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc sống ở nông thôn. 

Bởi thế việc gặp gỡ, trò chuyện qua mạng cũng là rất ít. Họ luôn cần có một cầu nối để chia sẻ, để bày tỏ nguyện vọng của cá nhân mình. Qua lần gặp này, họ đã chia sẻ với nhau sự nhớ nhung, những hứa hẹn về thăm gia đình, bày tỏ cả về những nỗi niềm trong thời gian sống không có người thân thích ở bên...

Nằm trong chương trình hoạt động cống hiến vì xã hội của tổ chức, những gia đình tới Hà Nội cũng được đi tham quan du lịch và được đội ngũ các bác sĩ thuộc bệnh viện Bundang Đại học Seoul khám chữa bệnh miễn phí. 

Ông Choi Jang Bok – đoàn tình nguyện toàn cầu UCC cho biết, Ban tổ chức cũng đang nuôi dưỡng ý định mở rộng thêm nhiều cuộc gặp gỡ nữa chứ không bó hẹp trong 40 gia đình, đặc biệt ông hứa hẹn sẽ tổ chức định kỳ hàng năm để có thêm nhiều Tuần lễ đoàn tụ trực tuyến. 

Ông nói rằng: "Sau khi Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển nhanh chóng. Và sự kiện gặp gỡ trực tuyến dành cho các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn cũng mang ý nghĩa hết sức sâu sắc". 

Sự kiện lần này chính là "bước đệm” giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như đưa Hàn Quốc, đến gần với đất nước Việt Nam tại các gia đình đa văn hóa nói riêng, cũng như đưa mối quan hệ Hàn - Việt lên một tầm cao mới. 

Đó cũng là mong muốn công chúng ở Hàn Quốc biết và hiểu được tầm quan trọng của các cô dâu đến từ Việt Nam, để từ đó Chính phủ có thể đưa ra nhiều hơn nữa những hỗ trợ cần thiết cho các cô dâu Việt”. 

Ban tổ chức chương trình khẳng định, trong tương lai công đoàn KT và UCC sẽ không ngừng hỗ trợ cho hoạt động tình nguyện toàn cầu. Hi vọng, sắp tới sẽ có nhiều tổ chức hỗ trợ hơn nữa để những cô dâu Việt có hoàn cảnh khó khăn tìm đến bày tỏ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của mình.

Theo Huyền Trang
Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm