Chiều Chủ nhật tại nhà nguyên Chủ tịch nước

Nhân dịp về tham dự Hội nghị người VN ở nước ngoài tại TP.HCM, các anh em nhà báo Quận Cam, bang California chúng tôi đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mời tới tỉnh Bình Dương thăm nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Vì đoàn xe gặp mưa nên trục trặc đến nơi hơi trễ. Khi xe chúng tôi vào qua cổng, đã nhìn thấy nguyên Chủ tịch nước đứng ở hiên nhà nhìn tới và nở nụ cười. Rồi từ xa, ông đi lại chỗ chúng tôi đang chờ nhau để vào chào một lượt vì nghe nói ông vừa phải mổ mắt, chắc bị cườm nên tôi cũng hơi rụt rè.

Chiều Chủ nhật tại nhà nguyên Chủ tịch nước


Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đoàn kiều bào tại hải ngoại đến thăm nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Không ngờ khi đến gần chúng tôi, ông đã giơ tay gần như muốm ôm cả đám người khách vừa già lẫn trẻ. Nhìn kỹ ông tôi liền so sánh với những lần được gặp ông trong bữa tiệc tại khu nghỉ mát St. Regis, thành phố Dana Point, tiểu bang California, Hoa Kỳ hồi năm 2007 và sau đó cuộc họp mặt tất niên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia có cả ông Nguyễn Cao Kỳ, tiếp sau là tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất năm 2009. Trông ông không già đi mấy, nhưng nụ cười vẫn tươi và rạng rỡ, giọng nói truyền cảm chứa đậm chân tình còn nguyên, y như khi ông nhắn nhủ những người cực đoan biểu tình trên lề đường Niguel trước khu nghỉ mát.

Nhìn căn nhà hai tầng nơi ông cư ngụ xây dựng đơn sơ, anh em chúng tôi đã chụp một số tấm ảnh. Ông mời chúng tôi vào căn nhà ngang, lợp lá dừa mát rượi. Tại đó đã có một bàn ăn tròn nhiều thức ăn bày sẵn. Ông mời chúng tôi ngồi uống nước trà trước và kể về những ngày trong quá khứ, thỉnh thoảng, ông ngước nhìn lên với vẻ mặt tự hào của một con người đã làm tròn trách nhiệm và nay trở về với cuộc sống xa thành phố, bên sông nước, bến đò với cây cỏ thiên nhiên và hẳn là đêm đêm cũng "nghe tiếng ếch bên tai".

Nhà không xây tường cao, kín cổng, đậm chất dân dã và gần gũi với nhân dân. Sau những câu chuyện vui của thời tại chức, ông mời chúng tôi qua bàn ăn và nhắc lại, đúng theo phong tục, khách phương xa đến là phải chuẩn bị cơm ăn và rượu uống. Mâm cơm thịnh soạn nhiều loại rau và cá thịt nhưng là sản phẩm cây nhà lá vườn, lươn um bạc hà, dọc chuối, gỏi, đậu bắp luộc, các món xào... các loại rau củ nào cũng đều có bàn tay của ông chăm sóc, kể cả cây ớt ngoài vườn gần sát với bàn ăn cũng vậy. Quả chín đỏ tươi, tôi chỉ xin trẩy một quả để ăn trong bữa nhưng được cho một túi lớn.

Khi chúng tôi ăn, ông tự tay cầm từng bát để múc canh, tiếp cho từng người và luôn nhắc "ăn tự nhiên đi nhé". Lúc đó, ông lại kể về những việc đã làm khiến ông thấy vui. Dưới nhiệm kỳ của ông, Việt Nam bắt đầu hội nhập lớn, tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương viết tắt là APEC, gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm (CPC), Việt Nam trở thành Hội viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc... Tất cả đã nêu danh Việt Nam trở thành điểm sáng, nơi đáng tin cậy, địa chỉ đến du lịch an toàn, có tiếng nói trong khu vực và trọng nể trên trường quốc tế.

Tôi nhớ lại hôm ông tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nhân kỳ Hội nghị cấp cao APEC tháng 9/2006, ông đã đề nghị phía Mỹ hợp tác với Việt Nam trong việc nghiêm trị một số đối tượng có hành động khủng bố chống phá Nhà nước Việt Nam. Tại buổi hội đàm đó, Tổng thống Bush đã mời ông thăm Mỹ và chuyến viếng thăm Mỹ của ông năm 2007 đã thành công rõ rệt. Những kiều bào đúng đắn đến dự quá đông, hết chỗ, một số người đi kèm đã phải trở về. Tối hôm đó, không một mảnh giấy trên tay, ông mở đầu bài nói từ ý tưởng "Tha hương ngộ cố tri" ông đã nói cả giờ đồng hồ và liên tục được những tràng pháo tay và tiếng hoan hô vang cả đại hội trường khách sạn St. Regis. Vị Đại sứ Mỹ Michael Marine tỏ ra rất tâm đắc với bài nói chuyện của ông.

Sau đó, tôi có hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ thì ông trả lời: "Nói như thế là hay quá, thuyết phục được" và cũng qua buổi tiệc ấy,ông Kỳ đã tuyên bố xóa bỏ lằn ranh Quốc Cộng khi ông được mời phát biểu. Hai vị ngồi cách nhau bởi Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. Tôi có cảm tưởng ông rất quan tâm tới ông Kỳ, có lần dự tất niên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, khi thấy ông Kỳ hiện diện ông cũng đặc biệt giới thiệu "ở đây có cả anh Kỳ", riêng để mọi người vỗ tay tán thưởng.

Dứt bữa cơm chiều, ông cho chúng tôi đi xem quanh nhà. Phía xa là căn nhà nuôi chim yến, hàng chục con đang bay về từng nhóm chui vào các lỗ hổng, ông nói vui: "nguồn lợi kinh tế của gia đình tôi đấy", và như thế tháng cũng có thể khoảng hai chục triệu đồng hay hơn nữa. Ông chỉ cho chúng tôi xem từ cây đu đủ có trùm trái đang ương, đến cái ao vũng ven sông của ông được chặn bờ để giữ cá, ông kể về những lần tát ao, lội bắt cá khiến tôi nhớ lại hồi xa xưa ở quê miền Bắc. Những bụi rau, đám húng của ông đủ cả. Ông cũng mở cả chiếc cửa nhỏ đặt chiếc cầu ra sông chỉ rào sơ sài bằng vài sợi kẽm gai. Phong cách sống đơn sơ ấy, tôi nghĩ ông đã tin vào cái đức của mình, được thân hữu và nhân dân bảo vệ.

Ông cũng đáp lời đề nghị của hai anh bạn đồng nghiệp Ecetera Nguyễn của báo Việt Weekly và Vũ Hoàng Lân của Bolsa TV là cho một cuộc phỏng vấn ngắn với những lời nhắn nhủ đến đồng bào hải ngoại. Qua ống kính truyền hình, ngôi trên ghế đá ở vườn cây, ông đã kêu gọi những đồng bào hải ngoại hết sức cùng nhau giữ tình đoàn kết để xây dựng cộng đồng cũng như ổn định cuộc sống gia đình, tôn trọng pháp luật quốc gia sở tại và hướng về quê hương đất nước. Ông cũng muốn mọi người có điều kiện thì cứ về thăm, làm ăn hoặc du lịch thoải mái. Ông cũng cho biết Nhà nước vẫn không ngừng mở rộng chính sách đối với bà con kiều bào, những điều kiện ấy đã đáp ứng hầu hết ý muốn của bà con.

Trước khi ra về, chúng tôi chụp chung một số tấm hình kỷ niệm với ông và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Đúng là một chuyến đi để lại rất nhiều ấn tượng.

Trên đường về lại thành phố Hồ Chí Minh, tôi tự nghĩ, lần sau về nước, địa chỉ đầu tiên đến thăm sẽ là nhà của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin cầu chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và đạt được những điều mong muốn để góp phần đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

Đinh Viết Tứ (Từ Mỹ)

Theo Quê hương