“Cần đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao ngay trong nước”

(Dân trí) - Đó là lời của Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ, một trong những gương mặt Việt kiều đã được tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt 2006, một nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử viễn thông.

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ sinh năm 1941 tại Việt Nam, trong một gia đình trí thức ở Thừa Thiên-Huế. Ông nội ông vốn là bạn của hai chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, và bố ông cũng từng đã hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

 

Vì vậy, ngay từ nhỏ Huỳnh Hữu Tuệ đã có tình yêu quê hương đất nước và ý thức được tầm quan trọng của học vấn. Lớn lên, khi đi học, Huỳnh Hữu Tuệ luôn là một học sinh giỏi, nhiều lần giành giải thưởng về thành tích học tập.

 

Năm 19 tuổi, Huỳnh Hữu Tuệ là một trong số những sinh viên Việt Nam xuất sắc được nhận học bổng du học tại CanadaNew Zealand. Ông đã chọn theo học tại Đại học LavalCanada. Với sự nỗ lực không ngừng để vươn tới chiếm lĩnh tri thức trong thế giới khoa học kỹ thuật tiến tiến tại những nước Phương Tây, nhờ có kết quả học tập tốt, chàng sinh viên Huỳnh Hữu Tuệ đã được Đại học Laval giữ lại trường để làm nghiên cứu sinh, đồng thời làm giảng viên tại trường. Trong những năm tháng sinh viên, Huỳnh Hữu Tuệ đã cùng những người con đất Việt yêu nước khác xuống đường tham gia phong trào phản chiến, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 

Năm 1968, chàng trai người Việt Huỳnh Hữu Tuệ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về viễn thông. Năm 1972, Huỳnh Hữu Tuệ lại hoàn tất thêm một luận án Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Xử lý thông tin. Thời đó, đây là những lĩnh vực khoa học còn mới mẻ, nên những thành tựu của vị Tiến sĩ Canada gốc Việt Huỳnh Hữu Tuệ đã khiến nhiều nhà khoa học nước bạn phải nể phục.

 

Năm 1981, ở tuổi 40, Tiến sĩ Huỳnh Hữu Tuệ được phong hàm Giáo sư. Trong những năm tháng đó, Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đã có những công trình nghiên cứu khoa học mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều giá trị. Nhiều trường cao đẳng, đại học, các nhà máy thường xuyên mời Giáo sư Tuệ đến trò chuyện và giảng dạy.

 

Tuy thành công và có một cuộc sống đầy đủ ở Canada, nhưng tâm trí Giáo sư chưa bao giờ ngừng hướng về quê nhà và quan tâm tới tình hình phát triển của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Ông đã làm Phó chủ tịch Hội người Việt ở Canada trong nhiều năm liền.

 

Sau khi đất nước hòa bình trở lại, Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đã có nhiều dịp về thăm Việt Nam. Điều làm ông trăn trở nhất chính là tình hình giáo dục của nước nhà. Từ những năm 1977, mỗi năm, Giáo sư Tuệ đều dành 1-2 tháng để về Việt Nam trò chuyện, giảng dạy tại các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Quân sự, Đại học Huế... về chuyên ngành Xử lý thông tin.

 

Năm 1976, tại một hội nghị về vật lý, Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ quen với Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó đang là Viện trưởng Viện Vật lý. Năm 1999, khi hai người gặp lại, Giáo sư Hiệu đang xúc tiến thành lập Trường Đại học Công nghệ, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã đề nghị Giáo sư Tuệ tham gia giảng dạy giúp Đại học Quốc gia và sau đó là gây dựng bộ môn Xử lý thông tin cho trường. Và Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đã nhận lời mời của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Năm 2002, Giáo sư Tuệ đã về giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội 4 tháng, năm 2004 ông về 6 tháng... Chi phí cho những lần đi lại giảng dạy ông đều tự chi trả.

 

Đến tháng 5/2005, khi bộ môn Xử lý thông tin của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, được hình thành, Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm bộ môn. Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đã trở thành trí thức Việt kiều đầu tiên được giao giữ chức vụ chủ nhiệm bộ môn tại một trường Đại học ở Việt Nam.

 

Để dành nhiều thời gian hơn cho công việc ở Việt Nam, Giáo sư Tuệ đã phải “về hưu non” ở Đại học Laval, và chỉ còn hướng dẫn vài học trò đang làm luận án tiến sĩ. Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đã rất vui vẻ về quê nhà để nhận mức lương bằng lương một giảng viên Đại học của Việt Nam, cộng với tiền thuê phòng ở và tiền ăn, trong khi lương giảng dạy của ông ở Canada là 10.000 đôla một tháng.

 

“Cần đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao ngay trong nước”  - 1
 Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ trong giờ thực hành cùng sinh viên

 

Ở lại Việt Nam, Giáo sư Tuệ như bắt đầu một cuộc sống mới. Xa gia đình, ông phải tự lo cho mình tất cả. Ông làm việc trung bình 70 giờ một tuần. Ông còn đi giảng thêm cho sinh viên hoặc nói chuyện với các bạn trẻ về vấn đề học tập, hướng dẫn học trò làm luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiều sinh viên Việt Nam đã được Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ đào tạo và trở thành những nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, phục vụ cho nền khoa học nước nhà. Ông cho biết, trong thời gian tới sẽ dần đưa các nghiên cứu sinh tiến sĩ có trình độ cao của ông giảng dạy thay thế mình.

 

Sau một thời gian giảng dạy trực tiếp ở Việt Nam, Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ cho rằng kiến thức cơ bản của sinh viên Việt Nam không thua kém ai. Cái cần là chúng ta phải thay đổi phương pháp và nội dung giảng dạy. Làm được điều này, sinh viên tốt nghiệp đại học tốt ở Việt Nam sẽ không thu kém sinh viên tốt nghiệp ở các trường Đại học nước ngoài.

 

Theo Giáo sư Tuệ, nhu cầu học đại học của thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng lớn. Lớp trẻ của Việt Nam về trình độ không thua kém gì so với lớp trẻ của thế giới, ham học và sẵn sàng đầu tư vào học tập nhưng kết quả lại chưa cao. Cần phải kích thích tính sáng tạo của sinh viên, một trong những phương pháp học rất tốt là đặt ra những câu hỏi để thầy và trò cùng thảo luận nhằm tìm ra vấn đề.

 

Giáo sư Tuệ nhận xét, cách giáo dục của Việt Nam có một nhược điểm lớn là ít quan tâm đến thế hệ kế thừa, mà thường quan tâm nhiều đến những thành tích Olympic 5, 10, 15, 20 tuổi hơn là việc đào tạo ra ngay tại trong nước những tiến sĩ, thạc sĩ thực sự giỏi và có tâm huyết. Tấm bằng tiến sĩ của Việt Nam còn chưa được xã hội coi trọng. Ông đặt câu hỏi: thay vì việc Nhà nước sẵn sàng chi trả học bổng đến 20.000USD/năm để gửi một sinh viên đi du học, tại sao chúng ta không dành số tiền ấy để đầu tư cho việc phát triển đào tạo trong nước để vẫn có sinh viên trình độ cao?

 

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ cho rằng, với mức phí tổn đó, trong nước hoàn toàn có thể đào tạo được 4-5 tiến sĩ có trình độ tương đương với ở nước ngoài, trong khi lại giảm thiểu được khả năng những người được cử đi đào tạo có thể không về cống hiến trong nước. Bởi vậy, cần tính đến phương án đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong nước để giảm thiểu chi phí và hạn chế chảy máu chất xám.

 

                               Vũ Anh Tuấn

Theo ulaval.ca

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm