Cảm xúc Hoàng Sa

Vay mượn từ bạn bè, người thân tại Nhật Bản được khoản tiền 200 triệu đồng, số tiền này được Nhà báo, nhiếp ảnh gia người Nhật - Murayama Yasufumi (46 tuổi, sống ở Kyoto) dùng làm lộ phí sang Việt Nam, với mong muốn được ra tận Hoàng Sa để tác nghiệp.

Murayama Yasufumi có tình yêu và tình cảm đặc biệt đối với đất nước, con người Việt Nam

Murayama Yasufumi có tình yêu và tình cảm đặc biệt đối với đất nước, con người Việt Nam

"Tôi ý thức chuyến đi Việt Nam lần này của mình với những hình ảnh tác nghiệp gửi về sẽ giúp người Nhật hiểu được lòng yêu nước và sự đấu tranh cho chủ quyền có ý nghĩa lớn lao thế nào đối với vận mệnh đất nước”, Nhà báo Murayama Yasufumi tâm sự trong cuộc trò chuyện với PV Đại Đoàn Kết vào sáng 24-7 tại Lễ khai mạc triển lãm ảnh của anh về Cảm xúc Hoàng Sa 2014”.

Vay mượn tiền để về Việt Nam tác nghiệp

Trong câu chuyện, Murayama Yasufumi kể: Ý định ban đầu khi sang Việt Nam tác nghiệp đã bị gia đình phản đối quyết liệt, nhất là vợ anh rất lo lắng vì báo chí Nhật đưa tin tình hình tại Biển Đông rất nóng. Thế nhưng, Murayama Yasufumi không hề nản chí và quyết tâm làm một điều gì đó có ý nghĩa cho Việt Nam và cho chính cả người Nhật. Anh vẫn âm thầm tìm cách vay mượn thêm bạn bè, người thân được khoảng 200 triệu tiền Việt Nam để thực hiện ý định của mình. Kể đến đây Murayama Yasufumi cười hóm hỉnh: "Khi hiểu ra vấn đề, chính vợ của mình là người đã liên hệ khắp nơi để mượn tiền cho chồng. Thậm chí, cô ấy cũng đã gặp bố mẹ ruột của mình để vay tiền cho chồng sang Việt Nam”.

Cuộc hành trình của Murayama Yasufumi bắt đầu khi anh đến Đà Nẵng. Ở đây, anh chụp ảnh và phỏng vấn ngư dân miền Trung và lưu lại ít ngày trong thời gian đợi tàu ra biển Hoàng Sa. Lúc này, ý thức từ Murayama Yasufumi rất rõ ràng: anh ra Hoàng Sa với tư cách là một phóng viên tự do, tường thuật khách quan, chứ không nghiêng về bên nào.

Nói về cơ hội may mắn của mình khi được ra "điểm nóng” tại Hoàng Sa tác nghiệp, Murayama Yasufumi hồ hởi cho biết: "Một người bạn đã giới thiệu tôi liên hệ với anh Thanh, cán bộ làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. Sau khi nghe tôi trình bày muốn ra Hoàng Sa tác nghiệp anh Thanh đã hướng dẫn cho tôi làm hồ sơ đăng ký và chờ đợi Bộ Ngoại giao Việt Nam xem xét và phản hồi. Cuối cùng, như các anh cũng đã biết, không chỉ riêng tôi mà nhiều các đồng nghiệp đến từ CNN, BBC, hay NewYork Times cũng đã có mặt tại Hoàng Sa trên con tàu Cảnh sát biển VN, mang số hiệu CSB-8003”.

Đông đảo bạn trẻ tại TP.HCM thăm quan triển lãm sáng 24-7

Đông đảo bạn trẻ tại TP.HCM thăm quan triển lãm sáng 24-7

Ngưỡng mộ trước lòng yêu nước của người Việt

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhà báo Murayama Yasufumi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nói về người Việt Nam: "Hơn 37 lần đi đi về về giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi cảm nhận ở người dân Việt Nam luôn có một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, một lòng yêu nước nồng nàn. Tôi cũng đã gặp nhiều ngư dân miền Trung và chứng kiến họ đương đầu với khó khăn trên biển như thế nào và tôi nhận thấy những phẩm chất của lòng yêu nước đặc biệt từ họ”.

Murayama Yasufumi cũng gặp nhiều tầng lớp khác nhau ở Việt Nam để phỏng vấn… Sau thời gian tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa anh đã ghi lại được rất nhiều những bức ảnh với các chủ đề khác nhau về những diễn biến trên biển Hoàng Sa và đẹp nhất có lẽ là những khoảnh khắc của ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển. Những con người rắn rỏi, khoáng đạt luôn vững vàng nơi sóng gió biển khơi, vừa đánh bắt trên ngư trường truyền thống vừa khẳng định mạnh mẽ chủ quyền Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi từ biển Hoàng Sa trở vào đất liền, Murayama Yasufumi đã liên hệ nhiều nơi để tìm địa điểm tổ chức triển lãm ảnh – triển lãm mà anh hi vọng sẽ giúp cho khách du lịch quốc tế, và ngay cả người Việt Nam có được cái nhìn cận cảnh về "Cảm xúc Hoàng Sa” của một ký giả nước ngoài.

Thật may, trong một lần trò chuyện với một sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II tại TP.HCM, bạn trẻ này đã tìm cách liên hệ với Ban Giám hiệu trường của mình về nguyện vọng rất ý nghĩa của người bạn Nhật. Và, đúng như mong đợi, Murayama Yasufumi đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ lãnh đạo nhà trường. Thậm chí, anh không phải bỏ ra bất cứ khoản chi phí nào khác. "Tôi rất xúc động, thực sự là cho đến lúc này. Người hiệu trưởng kính mến nói với tôi rằng: Triển lãm rất có ý nghĩa đối với sinh viên của trường và đó đã là điều rất đặc biệt mà chúng tôi nhận được từ anh”.

Sau cuộc trò chuyện, nhà báo Murayama Yasufumi cười hóm hỉnh nói với chúng tôi: "Đất nước của các bạn thật tuyệt vời. Nhiều năm gắn bó với Việt Nam, thậm chí vợ của tôi phải ghen vì điều đó. Đơn giản vì tôi gặp cô ấy mới được 6 năm thôi, nhưng tôi đi đi về về Việt Nam đã 16 năm rồi”.

Triển lãm ảnh, với chủ đề "Cảm xúc Hoàng Sa 2014” của Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Murayama Yasufumi đã diễn ra tại Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II (Q.5, TP.HCM) từ ngày 24-27/7. Hơn 40 tấm ảnh đẹp được chọn lọc tại triển lãm, đặc biệt là những khoảnh khắc của ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển…Trước triển lãm này, Murayama Yasufumi đã có 16 năm gắn bó, qua lại thường xuyên Việt Nam. Mỗi lần, anh đều ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt về đất nước, con người ở nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam.










Theo Thành Luân
Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm