Khánh Hòa: Năm học 2018-2019 không có phòng học tranh tre, nứa lá

(Dân trí) - Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm học 2018-2019, trên địa bàn tỉnh này tiếp tục không có phòng học tranh tre, nứa lá và cơ sở phòng, lớp đáp ứng đủ cho nhu cầu dạy và học.

Trong những năm qua, Khánh Hòa đã có sự đầu tư mạnh cho giáo dục, mở rộng trường lớp
Trong những năm qua, Khánh Hòa đã có sự đầu tư mạnh cho giáo dục, mở rộng trường lớp

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, năm học 2018-2019, các địa phương, đơn vị đã chú trọng đầu tư, sửa chữa, trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy-học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới.

Năm 2018, kinh phí đầu tư để thực hiện các đề án, sửa chữa giáo dục, mua sắm phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học toàn ngành hơn 412 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hơn 377 tỷ đồng, đầu tư mua sắm thiết bị nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp hơn 34 tỷ đồng.

Số phòng học thông thường hiện có 8.101, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp học, bậc học. Trong đó, nhà trẻ có 611 nhóm/611 phòng; mẫu giáo có 1.743 lớp/1.743 phòng; tiểu học có 3.408 lớp/3.353 phòng; THCS có 2.223 lớp/1.681 phòng; THPT có 951 lớp/713 phòng.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, các trường học đều có nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên. Phòng học bộ môn của các trường mặc dù chưa đầy đủ nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy, học.

Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tham mưu kế hoạch về việc thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Cụ thể, đối với trẻ (mức hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng, thời gian hưởng tối đa 9 tháng/năm); đối với giáo viên mầm non (mức hỗ trợ 450.000 đồng/tháng, thời gian hưởng tối đa 9 tháng/năm).

Trong khi đó, 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tiếp tục thực hiện chương trình sữa học đường.

Viết Hảo