Đại học Y tế Công cộng đào tạo Cử nhân xét nghiệm y học dự phòng:

Chương trình hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Với sự đầu tư cả về lý thuyết và thực hành, kết hợp thực tiễn trong nước với nước ngoài, Trường Đại học Y tế Công cộng cam kết cung cấp nguồn cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp với công tác xét nghiệm y tế dự phòng trong giai đoạn mới.

Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng trong Lễ Tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng trong Lễ Tốt nghiệp.

Thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực

Theo ước tính, Việt Nam đang thiếu gần 22.000 cán bộ y tế làm trong lĩnh vực y tế dự phòng (YTDP), trong đó nhu cầu cho nhân lực xét nghiệm khoảng 10%. Tình trạng này đã tạo ra một khoảng trống lớn trong công tác phối hợp phòng chống cũng như điều trị dịch bệnh.

Được biết, ngày 11/12/2015, liên bộ Bộ Y tế và Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đã chính thức đưa hệ thống trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh của Việt Nam hội nhập theo mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của thế giới.

Mặc dù hệ thống này dần dân sẽ được hình thành ở các tỉnh, thành trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, nhưng nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng với các chức năng nhiệm vụ hoàn chỉnh như kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống là rất lớn. Việc nâng cao năng lực xét nghiệm về thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực đang là nhu cầu thiết yếu của hệ thống. Nguồn nhân lực xét nghiệm của các Trung tâm YTDP tuyến tỉnh hiện rất đa dạng, bao gồm cử nhân hóa học, cử nhân sinh học; kĩ thuật y học.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm của các lĩnh vực như vi sinh, ký sinh trùng, môi trường, nghề nghiệp..., nhu cầu có nhân lực có khả năng phù hợp với yêu cầu công việc đang là thách thức đối với Trung tâm YTDP.

Nhìn nhận được vấn đề, với vai trò là cơ sở cung cấp nhân lực y tế công cộng và y tế dự phòng, Trường Đại học Y tế Công cộng đã sớm chủ động tiếp cận mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật và triển khai đào tạo cử nhân xét nghiệm y học dự phòng (CNXN YHDP) từ năm 2014, nhằm cung cấp nguồn nhân lực xét nghiệm có đủ năng lực để hoạt động, thích nghi với mô hình mới như xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm hóa sinh – huyết học, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, xét nghiệm môi trường, xét nghiệm môi trường lao động...

Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng trong Lễ Tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng trong Lễ Tốt nghiệp.

Đào tạo bài bản, sát nhu cầu thực tế

Được thiết kế và thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn đào tạo đảm bảo kiểm định chất lượng AUN-QA của mạng lưới kiểm định chất lượng các trường đại học khu vực ASEAN, Chương trình được xây dựng dựa theo đánh giá nhu cầu đào tạo thực tiễn với 5 chuẩn đầu ra về kiến thức, 1 chuẩn thái độ và 8 chuẩn kĩ năng đảm bảo thực hiện các xét nghiệm tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh. Trong đó, chuẩn đầu ra được xây dựng dựa trên các chuẩn năng lực xét nghiệm của hệ thống CDC Mỹ, có tính đến các yếu tố thực tiễn của hệ thống y tế dự phòng đặc thù của Việt Nam và tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm y học dự phòng của Việt Nam.

Chuẩn kiến thức, gồm: Hiểu biết các kiến thức cơ bản về an toàn và quản lý chất lượng phòng xét nghiệm; Giải thích các kiến thức cơ bản ứng dụng trong xây dựng và triển khai các quy trình xét nghiệm ;Tích hợp các kiến thức cơ sở ứng dụng trong xây dựng và triển khai các quy trình xét nghiệm Sinh y, Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, và Sức khỏe Môi trường – Nghề nghiệp; Hiểu biết các kiến thức cơ bản phục vụ giám sát trọng điểm; Diễn giải được các kiến thức cơ bản về nghiên cứu xét nghiệm y học dự phòng

Chuẩn thái độ, gồm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Chuẩn kỹ năng gồm Kỹ năng Xét nghiệm và Kỹ năng mềm. Theo đó, kỹ năng xét nghiệm gồm: Áp dụng kỹ năng xét nghiệm cơ bản vào thực hiện các quy trình xét nghiệm, đánh giá chất lượng xét nghiệm; Thuần thục các kỹ thuật xét nghiệm cơ bản và ứng dụng một số kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nâng cao trong xét nghiệm Sinh y (Xét nghiệm Vi sinh, Ký sinh trùng, Hóa sinh, Huyết học, Miễn dịch) phục vụ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng;

Kỹ năng mềm gồm: Thực hành các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp; Chứng tỏ khả năng tự học và phát triển chuyên môn liên tục;

Trung tâm xét nghiệm của Trường ĐHYTCC được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác giảng dạy và thực hành của sinh viên. Nhà trường cũng có mạng lưới các cơ sở thực tập tại các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh đảm bảo cho sinh viên có cơ hội thực hành. Chương trình đào tạo được thiết kế và tổ chức dựa theo năng lực theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng AUN-QA. Việc đạt các chỉ tiêu tay nghề là tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành chương trình học tập của các sinh viên.

Giảng viên và sinh viên nhà trường trong giờ học tại Phòng thí nghiệm.
Giảng viên và sinh viên nhà trường trong giờ học tại Phòng thí nghiệm.

Với việc được đào tạo bài bản, chương trình hiện đại và sát thực tế, sau khi tốt nghiệp, CNXNYHDP có thể làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với chức danh Kỹ thuật viên y (theo Thông tư số 26/2015/TTLT-BYT-BNV). Và chắc chắn những CNXNYHDP đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2018 sẽ góp phần cho hệ thống y tế dự phòng làm việc ngày càng hiệu quả hơn.

Thuần thục là thực hiện chính xác các xét nghiệm và phiên giải chính xác kết quả xét nghiệm. Thuần thục các xét nghiệm cơ bản về an toàn thực phẩm phục vụ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thuần thục các xét nghiệm cơ bản phục vụ giám sát, đo kiểm tra môi trường, môi trường lao động phục vụ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tham gia giám sát trọng điểm và đáp ứng tình huống khẩn cấp. Tham gia xây dựng và triển khai nghiên cứu về xét nghiệm y học dự phòng.