Nhà thiết kế Việt bước ra thế giới

Để ngành thời trang non trẻ nước nhà có thể sải bước trên sàn diễn thế giới, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo cho các nhà thiết kế, cần thay đổi nhận thức của xã hội về ngành công nghiệp khổng lồ lớn mạnh nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các yếu tố thiết kế, sản xuất và kinh doanh.

Từ khi các nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton (năm 1997) hay Salvatore Ferragamo (năm 2005) vào Việt Nam, người tiêu dùng trong nước mới biết đến khái niệm may đo cao cấp (haute couture), đồng thời tạo cảm hứng thúc đẩy thế hệ trẻ tìm hiểu về thời trang thế giới.

Thế hệ các nhà thiết kế đầu tiên như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng và sau đó là Nguyễn Công Trí, Nguyễn Hoàng Hải… đã tạo ra thay đổi đáng kể và đưa được những mẫu thiết kế của mình lên sàn diễn thời trang.

Tuy nhiên, phát biểu tại chuỗi hội thảo với chủ đề Sản xuất thời trang: Made in Vietnam tổ chức tại Đại học RMIT Việt Nam vào trung tuần tháng 7/2016, Chủ tịch Sunflower Media bà Trần Nguyễn Thiên Hương nhận xét: “Một thời gian dài việc đào tạo thời trang xa rời thực tế, khiến phần lớn các nhà thiết kế trẻ không được đánh giá cao khi ra trường. Không ít nhà thiết kế chỉ dừng lại ở khả năng phát triển mẫu chứ chưa tạo được phong cách cá nhân”.

Nhà thiết kế Việt bước ra thế giới - 1

Chính vì vậy, đào tạo nhân sự làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam cần phải thay đổi. Bà Võ Thị Bích Ngọc, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Zalora, chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng thời trang là điều gì đó hào nhoáng và chỉ dành cho sàn diễn, chứ không phải là công việc. Chúng ta cần có chương trình đào tạo tốt hơn giúp sinh viên hiểu đúng bản chất của ngành thời trang cũng như đóng góp của ngành này”.

Quả thực, ngành thời trang Việt Nam cần được hỗ trợ bằng những chương trình đào tạo bài bản vì đội ngũ thiết kế trẻ rất giàu tiềm năng sáng tạo nhưng chủ yếu dựa vào năng khiếu bẩm sinh là chứ chưa qua đào tạo chính quy. Nhà thiết kế hiện đại không chỉ cần vẽ đẹp, có ý tưởng bay bổng mà còn phải biết ứng dụng công nghệ vào thiết kế và đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Chương trình đào tạo quản lý và kinh doanh thời trang tại RMIT Việt Nam là một trong những chương trình kết hợp được ba yếu tố trọng yếu gồm thiết kế, sản xuất và kinh doanh, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trên.

“Tôi tin rằng tương lai của thời trang Việt nằm trong tay hàng trăm nhà thiết kế đang gầy dựng cửa hàng thời trang của riêng mình và nhiều nhà thiết kế trong số đó có thể xuất thân từ môi trường đào tạo bài bản như tại RMIT Việt Nam”, bà Thiên Hương bổ sung thêm.


Sinh viên RMIT VN thực hành trang trí cửa hàng thời trang ngay tại trường

Sinh viên RMIT VN thực hành trang trí cửa hàng thời trang ngay tại trường

Bên cạnh đó, bảo hộ sản phẩm trí tuệ của đội ngũ thiết kế cũng là vấn đề cần chú tâm nếu muốn thúc đẩy ngành thời trang. Bà Trần Thiện Hà Mi, Giám đốc tổ chức các chương trình thời trang, cùng các khách mời khác bày tỏ lo lắng khi Việt Nam chưa có tổ chức hỗ trợ phát triển cũng như bảo vệ sản phẩm trí tuệ của đội ngũ thiết kế trẻ.

Dễ thấy rằng việc sao chép mẫu thời trang không còn là chuyện lạ ở nước ta. Không chỉ sao chép mẫu mã, kiểu dáng thiết kế, nhiều người còn nhái cả thương hiệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các nhãn hiệu có tiếng cũng như mới định danh trên thị trường. Đã đến lúc, những các nhà thiết kế trẻ cần liên kết lại, thành lập tổ chức bảo hộ sản phẩm của mình.

Tuy còn chập chững nhưng ngành thời trang Việt đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến phân phối, bán lẻ, hứa hẹn tạo nên khác biệt và sánh vai cùng các tên tuổi lớn trong tương lai không xa.

P.V