Chàng thanh niên Pháp chọn Việt Nam là nơi khởi nghiệp vì mê món ăn Việt
Từng làm việc ở những khách sạn nổi tiếng như Four Seasons hay Sofitel ở London và Chicago, sau đó kinh qua nhiều công việc tại nhiều quốc gia khác nhau, nhưng cuối cùng chàng thanh niên người Pháp Antoine Verbizier lại quyết định chọn Việt Nam là nơi khởi nghiệp vì mê những món ăn Việt.
Mười năm trước, Antoine Verbizier khi đó mới 22 tuổi lần đầu gặp Quân, một người bạn Việt Nam tại Pháp. Với cùng độ tuổi như nhau và cùng làm trong ngành thực phẩm, mối quan hệ giữa hai người nhanh chóng trở lên thân thiết. Qua Quân, Antoine đến thăm Việt Nam nhiều lần và điều mà anh thấy hấp dẫn nhất là đồ ăn ở Việt Nam rất ngon và đa dạng. Có lẽ sự hấp dẫn đó cũng một phần là vì Antoine làm trong lĩnh vực thực phẩm vì vậy nên anh thường để ý và so sánh các món ăn ở mỗi nơi anh đến.
“Tôi đã đi đến và làm việc ở nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới, mỗi nơi đều có những món ăn ngon, nhưng các món ăn ở Việt Nam là đa dạng nhất. Mỗi một vùng miền có một nét đặc trưng riêng về các món ăn và khẩu vị. Đó là điều tôi ấn tượng,” Antoine kể lại khi đang ngồi ở một quán cà phê nằm trên phố Tràng Tiền, Hà Nội, ngay bên cạnh khu phố cổ với những món ăn đường phố nổi tiếng nhất đất Hà thành.
Chính vì niềm đam mê với các món ăn Việt đó, chàng thanh niên Pháp năm nay đã 32 tuổi này đã nảy sinh ra ý tưởng khởi nghiệp ở Việt Nam và chọn Việt Nam là nơi mà anh có thể “ổn định cuộc sống và gia đình.” Antoine kể lại cách đây hai năm, anh gặp Quân và đưa ra ý tưởng khởi nghiệp là lập một công ty “à Table!” chuyên chế biến thực phẩm đóng gói an toàn có thể sử dụng ngay được, mà anh gọi đó là “thực phẩm tiện ích.” Rất nhanh chóng, Quân đồng ý ngay và cả hai cùng hùn vốn nhập thiết bị máy móc từ Châu Âu về và mở một xưởng sản xuất tại quận Long Biên, Hà Nội.
Nhưng điều bất ngờ là dù yêu thích các món ăn Việt, Antoine lại quyết định khởi nghiệp với đồ ăn Phương Tây ở Việt Nam. Đó là những chiếc bánh Sandwich và bánh mỳ kẹp được chế biến và đóng gói cẩn thận trong những chiếc hộp xinh xắn, và sau này còn có thể là cả món mỳ ống, salad và bánh ngọt được dùng trong những bữa ăn sáng, bữa phụ và cả trong những bữa ăn chính tại nhà.
Người tạo dựng thị trường – Market Maker
Khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có những vất vả. Khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm ở Việt Nam còn vất vả hơn, vì người Việt đã quá quen với những món ăn đường phố như bún chả, phở, các món miến, bún hay là xôi. Với đồ ăn Phương Tây như sandwich, bánh mỳ kẹp hay mỳ ống vẫn còn là những món chưa phổ biến. Hơn nữa, thị trường đồ ăn nhanh (fast food) có thể đang phát triển ở Việt Nam, nhưng một thị trường thực phẩm tiện ích lại vẫn còn là một điều gì đó quá mới.
Ngay cả Antoine cũng phải thừa nhận điều này khi nói rằng “à Table!” không có đối thủ trực tiếp. Anh cho biết có một vài công ty ở Việt Nam cũng có làm một số sản phẩm tương tự nhưng công nghệ đóng gói tiện ích mà tốt cho sức khoẻ thì chưa được áp dụng.
Theo những gì Antoine quan sát được, các món ăn đường phố ở Việt Nam rất ngon, nhưng lại không tiện lợi. Và một điểm nữa là khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, với dân số gần 100 triệu người và hơn một nửa là dân số trẻ rất dễ tiếp nhận những cái mới, Việt Nam được nhìn nhận là một thị trường đầy tiềm năng cho các món ăn Phương Tây.
“Thói quen tiêu dùng của mọi người sẽ thay đổi. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, mọi người sẽ ngày càng làm việc nhiều hơn, và có ít thời gian hơn cho nấu ăn hay đi ra ngoài ăn uống, mọi người cần một đồ ăn nhanh, tiện lợi và vẫn đảm bảo sức khỏe, an toàn” Antoine giải thích về lý do anh và Quân lại quyết định lựa chọn việc đưa ra thị trường đồ ăn theo phong cách Phương Tây được chế biến đóng gói sẵn.
Mục đích và định hướng của Antoine và Quân cũng được thể hiện ngay trong chính cái tên của công ty: à Table! Theo tiếng Pháp “à Table!” /à Tab/ nghĩa là lời gọi quen thuộc “Mời các con ra bàn ăn!” của các bà mẹ Pháp, cũng có nghĩa là các sản phẩm của công ty là những món ăn được chế biến có thể sử dụng để ăn được ngay.
Antoine chia sẻ rằng với anh “à Table!” không phải là một khoản đầu tư, mà đó một sự khởi nghiệp với tầm nhìn dài hạn và mục tiêu rõ ràng. “Khi lập công ty, chúng tôi không nhìn vào hiện tại, chúng tôi nhìn vào xu hướng trong 10 năm, 15 năm hay thậm chí là 20 năm tới.”
Để những chiếc bánh Sanwich hay bánh mỳ kẹp “à Table!” thân quen với người Việt hơn, Antoine cùng Quân đã phải mày mò cách chế biến làm cho những sản phẩm đó trở nên “Việt hóa” hơn. Cụ thể là thay vì giữ nguyên những nguyên liệu truyền thống Phương Tây trong nhân chiếc Sandwich, hai người bạn đã suy nghĩ để thay vào đó là những thực phẩm người Việt hay dùng như thịt bò, pate và cả các gia vị phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Sau hai năm khởi nghiệp, Antoine cho biết rằng sự phát triển của “à Table!” đang phát triển đúng theo kỳ vọng của anh. Những chiếc bánh Sandwich và bánh mỳ kẹp mang thương hiệu “à Table!” đang được bày bán ở rất nhiều các cửa hàng tiện ích như Circle K, Shop&Go, Kmart; các siêu thị như Vinmart, Citimart và cả các quán cà phê ở Hà Nội.
“Vì đó là thực phẩm tiện ích nên chúng tôi sẽ phân phối qua các hệ thống cửa hàng tiện ích, các siêu thị và các cửa hàng cà phê để cho tất cả mọi người có thể mua những sản phẩm đó một cách tiện lợi nhất. Hệ thống cửa hàng tiện ích như Circle K và Vinmart+ càng phát triển thì việc kinh doanh của chúng tôi càng phát triển,” Antoine nói với vẻ mặt đầy sự tự tin.
Hiện tại, mỗi ngày “à Table!” đang cung cấp vài trăm sản phẩm sandwich và bánh mỳ kẹp ra thị trường Hà Nội. Nhưng con số này sẽ tăng lên hàng nghìn vào cuối năm nay hoặc năm sau, khi Antoine và Quân quyết định mở rộng kênh bán hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế sầm uất và sôi động nhất cả nước.
Thực tế, doanh số bán hàng bây giờ chưa phải là nhiều, nhưng với đà tăng trưởng hiện tại và xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, Antoine tin rằng mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trong vài năm tới, giống như những gì anh từng chứng kiến ở Pháp, Thái Lan hay Indonesia – những nơi mà thị trường thực phẩm tiện ích đã khá phát triển. “Khó khăn nhất đối với chúng tôi là thay đổi được sự nhận thức của người tiêu dùng về loại hình thực phẩm tiện íchvới công nghệ đóng gói hiện đại này, vì nó vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Điều này cần có thời gian.”
Yếu tố thành công
Sự phát triển của “à Table!” trong hai năm qua có thể làm Antoine hài lòng, hay nói như anh là cảm thấy “hạnh phúc”, nhưng không phải khôngcó những thách thức. Và thách thức lớn nhất là lấy được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm của “à Table!”.
An toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng của món ăn chính là yếu tố quan trọng nhất mà Antoine tin rằng sẽ tạo ra thành công cho “à Table!”. Anh chia sẻ rằng lấy được niềm tin nơi khách hàng đã khó, nhưng nếu một lần mang tiếng xấu thì việc đó còn khó hơn gấp bội phần.
Nhận thức được điều đó, tất cả các sản phẩm của “à Table!” đều không dùng chất phụ gia và chất bảo quản. Với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C, những chiếc bánh Sandwich “à Table!” sẽ giữ tươi được 5 ngày. Antoine cho biết nếu dùng chất bảo quản, thì thời gian giữ tươi sẽ lâu hơn. Nhưng không vì thế mà Antoine đánh đổi.
“Chúng tôi muốn cung cấp những món ăn ngon, tiện lợi và an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng chứ không muốn kiếm tiền bằng mọi giá,” Antoine nói và chia sẻ rằng kinh nghiệm làm việc tại Sofitel và Four Seasons trước đây đã dạy cho anh luôn phải hướng tới những tiêu chuẩn cao nhất. Đó chính là yếu tố và cũng là cách mà anh đang hướng tới thành công tại Việt Nam.
PV