1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Xăng pha chì nguy hiểm thế nào mà bị ngừng sản xuất trên toàn cầu?

Minh Khôi

(Dân trí) - Algeria là quốc gia cuối cùng chính thức khai tử xăng pha chì. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi việc này là một "thành công quốc tế".

Xăng pha chì nguy hiểm thế nào mà bị ngừng sản xuất trên toàn cầu? - 1

Algeria, quốc gia cuối cùng trên thế giới còn sử dụng xăng pha chì, đã chấm dứt sản xuất loại nhiên liệu này khiến cho nguồn cung của nó hoàn toàn cạn kiệt.

Từ khi ra đời, xăng pha chì ra đời giúp ngành công nghiệp ôtô chuyển sang một bước phát triển mới. Thế nhưng dần theo thời gian, nó đã bị cấm sử dụng do gây tác động xấu đến sức khỏe con người.

Tại sao gọi là xăng pha chì?

Sở dĩ gọi là xăng pha chì, là bởi trong xăng có pha thêm một ít "chì Tetraetyl" (C2H5)4Pb, có tác dụng làm tăng khả năng chịu nén của nhiên liệu, dẫn đến tiết kiệm khoảng 30% lượng xăng tiêu thụ.

Kết quả của nghiên cứu này do Charles F. Kettering, trưởng phòng nghiên cứu, sáng chế viên cao cấp hãng General Motors và đồng nghiệp Thomas Midgley thực hiện từ những năm đầu của thập niên 1910.

Thời kỳ ấy, xăng pha thêm chì được xem là một thành công ngoài sức tưởng tượng của thế giới, khi hợp chất "chì Tetraetyl" được pha vào xăng dầu đã cải thiện đáng kể quá trình đốt cháy và giảm hiện tượng "nổ lọc xọc" trong động cơ đốt trong.

Xăng pha chì nguy hiểm thế nào mà bị ngừng sản xuất trên toàn cầu? - 2

Xăng pha chì từng được sử dụng rộng rãi, và được xem là một thành công mang tính đột phá, trước khi người ta tìm thấy những tác hại của nó với sức khỏe.

Với công nghệ này, General Motor đã nâng ngành công nghiệp ôtô lên tầm cao mới, một thời kỳ phát triển mới với những động cơ có tỷ số nén cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Năm 1923, song song với việc cải tiến động cơ, thiết kế những mẫu xe mới, General Motor bắt đầu sản xuất "chì Tetraetyl" thương mại và sau khi liên kết với hãng dầu khí Standard Oil (Exxon Mobil ngày nay) vào năm 1924 để thành lập nên công ty Ethyl Corp.

Điều này đã khiến hàng loạt công ty hóa chất khác cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất này với tư cách là thành viên thứ 3.

Kể từ đó, xăng pha chì bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Có thời điểm, tất cả các loại xăng trên thế giới đều pha "chì Tetraetyl". Nó mang về cho General Motors lợi nhuận khổng lồ, đến nỗi Charles F. Kettering đã phải thốt lên: "Đó là món quà từ thiên đường!".

Vì sao ngày nay không dùng xăng pha chì?

Sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô gắn liền với "chì Tetraetyl" trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng như bao hóa chất thông dụng khác, bên cạnh những tính năng vượt trội, "chì Tetraetyl" bắt đầu có những ảnh hưởng đến sức khỏe con người trên diện rộng.

Các nhà khoa học cho biết khi cháy trong động cơ, chì oxit sinh ra từ xăng pha chì sẽ bám vào các ống xả, thành xilanh, nên thực tế còn trộn vào xăng chất 1,2 - đibrometan CH2Br - CH2Br để chì oxit chuyển thành muối PbBr2.

Xăng pha chì nguy hiểm thế nào mà bị ngừng sản xuất trên toàn cầu? - 3

Những hợp chất này khi bay hơi thoát ra khỏi xilanh, ống xả và thải vào không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Không phải đến tận khi có những số liệu thống kê về số người bị chết, bị thương do hít phải quá nhiều khí thải từ xăng pha chì người ta mới biết đến những tính chất độc hại của nó.

Ngay từ những năm 1925, trong cuộc hội thảo về "chì Tetraetyl" do Cục sức khỏe cộng đồng Mỹ tổ chức, Hamilton đã gọi General Motors là "những kẻ giết người không hơn, không kém" khi họ phổ biến hóa hợp chất độc hại "chì Tetraetyl".

Xăng pha chì nguy hiểm thế nào mà bị ngừng sản xuất trên toàn cầu? - 4

Trong suốt nhiều thập kỷ, nhiên liệu độc hại này đã làm ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước nghiêm trọng. Không những thế, loại xăng này có thể gây ra bệnh tim, ung thư, đột quỵ và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não bộ của trẻ em.

Hầu hết các nước phát triển đã cấm sử dụng nhiên liệu này từ những năm 80 của thế kỉ trước. Cho đến tháng 7/2021, Algeria là quốc gia cuối cùng chính thức khai tử xăng pha chì.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi việc loại bỏ loại xăng này là một "sự thành công quốc tế".