1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc thử nghiệm bom hydro phi hạt nhân: Bước ngoặt vũ khí hiện đại

Minh Khôi

(Dân trí) - Khác với các loại bom truyền thống, loại thiết bị mới này không cần dùng đến uranium hay plutonium, hai thành phần đặc trưng trong vũ khí hạt nhân, từ đó tránh được các hệ lụy với môi trường.

Trung Quốc thử nghiệm bom hydro phi hạt nhân: Bước ngoặt vũ khí hiện đại - 1

Trung Quốc thử nghiệm bom hydro không sử dụng vật liệu hạt nhân (Ảnh minh họa: Nexta).

Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ quốc phòng toàn cầu ngày càng căng thẳng, Trung Quốc vừa đạt được một bước tiến đáng chú ý khi tiến hành thành công thử nghiệm một loại bom hydro không sử dụng vật liệu hạt nhân. 

Theo một công bố khoa học đăng trên Tạp chí Tên lửa, Đạn đạo và Dẫn đường (Trung Quốc), các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu 705 - trực thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) - đã phát triển một thiết bị nổ nặng 2kg sử dụng hydride magiê, một hợp chất rắn có khả năng lưu trữ khí hydro vượt trội.

Trong điều kiện nổ có kiểm soát, áp suất quá mức cực đại đạt 428,43 kilopascal ở khoảng cách 2 mét từ quả bom. Sức mạnh này mạnh hơn khoảng 40% so với một vụ nổ TNT tương đương, nhưng nhiệt lượng mà nó giải phóng vượt xa những gì TNT có thể đạt được.

Cụ thể, khi được kích hoạt bằng thuốc nổ thông thường, vật liệu này trải qua quá trình phân hủy nhiệt, giải phóng khí hydro và tạo thành quả cầu lửa có nhiệt độ trên 1.000⁰C, tồn tại hơn 2 giây - gấp 15 lần thời gian cháy của một vụ nổ TNT thông thường.

Khác với các loại bom truyền thống, loại thiết bị mới này không cần dùng đến uranium hay plutonium, hai thành phần đặc trưng trong vũ khí hạt nhân. Nhờ đó, nó tránh được các hệ lụy về ô nhiễm phóng xạ.

Ngoài lĩnh vực quân sự, vật liệu hydride magiê ban đầu được phát triển để cung cấp nhiên liệu hydro sạch cho các khu vực hẻo lánh, sử dụng trong pin nhiên liệu, nhưng đang dần được quan tâm trong các ứng dụng chiến lược.

Bom hydro truyền thống: Vũ khí tối thượng với sức công phá không tưởng

Trung Quốc thử nghiệm bom hydro phi hạt nhân: Bước ngoặt vũ khí hiện đại - 2

Hình ảnh quả bom nguyên tử Little Boy, cùng loại vũ khí được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản, vào tháng 8/1945 (Ảnh: Wikipedia).

Mặc dù thiết bị mà Trung Quốc vừa thử nghiệm không chứa nguyên tố hạt nhân, nhưng khái niệm bom hydro (hay còn gọi là bom nhiệt hạch, bom H) từ lâu đã là biểu tượng cho sức hủy diệt cực đoan nhất mà con người từng chế tạo.

Khác biệt căn bản giữa bom hydro và bom nguyên tử (bom A) nằm ở phản ứng hạt nhân: nếu bom nguyên tử dựa vào phản ứng phân hạch (chia tách hạt nhân nặng như uranium-235 hoặc plutonium-239), thì bom hydro sử dụng phản ứng nhiệt hạch - quá trình tổng hợp các hạt nhân nhẹ như deuterium và tritium thành helium, đồng thời giải phóng năng lượng gấp hàng trăm đến hàng nghìn lần.

Cấu trúc của bom hydro thường gồm 2 tầng: Tầng sơ cấp là một quả bom phân hạch nhỏ, tạo ra nhiệt độ và áp suất cực lớn, đủ để kích hoạt phản ứng nhiệt hạch ở tầng thứ cấp chứa nhiên liệu deuterium và tritium.

Nhờ cách bố trí này, bom hydro có thể đạt tới sức công phá từ vài megaton đến hàng chục megaton TNT - một mức độ vượt xa mọi loại vũ khí thông thường. Ví dụ điển hình là vụ thử nghiệm vũ khí "Ivy Mike" năm 1952 của Mỹ với sức nổ 10,4 megaton, mạnh gấp khoảng 700 lần quả bom nguyên tử Little Boy từng thả xuống Hiroshima.

Hiện nay, các cường quốc sở hữu công nghệ và kho vũ khí nhiệt hạch bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, cùng với các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm bom hydro hoặc đang phát triển công nghệ liên quan.

Tuy nhiên, bom hydro cũng là biểu tượng của sự diệt vong đối với Trái Đất. Đó là vì ngoài sức công phá tức thời, nó còn để lại hệ lụy phóng xạ kéo dài hàng thập kỷ, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sống.

Chính vì vậy, vũ khí nhiệt hạch luôn là tâm điểm trong các hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn cầu như Hiệp ước Cấm Thử Hạt Nhân Toàn diện (CTBT) hay Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Góc nhìn khoa học và an ninh chiến lược

Trung Quốc thử nghiệm bom hydro phi hạt nhân: Bước ngoặt vũ khí hiện đại - 3

Vụ nổ bom hydro có thể gây ra sức công phá cực lớn (Ảnh minh họa: Getty).

Thử nghiệm bom hydro không hạt nhân của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc sở hữu một loại vũ khí ngang hàng với bom nhiệt hạch truyền thống, mà mở ra một hướng đi tiềm năng trong việc phát triển các loại vũ khí năng lượng cao, cường độ mạnh, có thể triển khai trong các chiến dịch phi hạt nhân hoặc trong môi trường dân sự đặc biệt.

Theo SCMP, thành công này cũng chứng minh năng lực R&D đáng kể của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ vật liệu và năng lượng nhiệt động.

Từ góc độ an ninh toàn cầu, các loại vũ khí kiểu mới - đặc biệt là những thiết bị có sức sát thương cao mà không bị ràng buộc bởi các hiệp ước hạt nhân - có thể thay đổi cán cân quân sự và đặt ra thách thức đối với cơ chế kiểm soát vũ khí hiện nay.

Trong bối cảnh đó, việc nắm bắt và hiểu rõ bản chất các công nghệ này là điều cấp thiết không chỉ với giới khoa học mà cả với giới hoạch định chính sách và an ninh quốc gia.