Xác định thủ phạm gây hiện tượng “sâu lạ ăn trụi lá” ở Bình Dương, TPHCM

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - Thời gian qua, ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh có xảy ra hiện tượng sâu lạ ăn trụi lá cây, gây lo lắng cho người dân sinh sống trong khu vực.

Để tìm hiểu về loại sâu này, Viện Sinh thái học miền Nam đã cử cán bộ đến thu thập mẫu sâu ở khu vực Mỹ Phước – Tân Vạn và đường Phạm Văn Đồng để gây nuôi và tiến hành xác định loài.

Mới đây, trang trên thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, kết quả nhận định ban đầu về thủ phạm gây hiện tượng trên là loài bướm đêm nằm trong giống Antheraea, có tên gọi chung là Ngài tơ tasar (tussar), tên tiếng Anh là Tasar silkmoth (hoặc Tasar silkworm), thuộc họ Ngài hoàng đế (Saturniidae), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera).

Xác định thủ phạm gây hiện tượng “sâu lạ ăn trụi lá” ở  Bình Dương, TPHCM - 1

Con đực của loài Antheraea frithi Moore, 1859 (Ảnh: VAST)

Xác định thủ phạm gây hiện tượng “sâu lạ ăn trụi lá” ở  Bình Dương, TPHCM - 2

Con cái của loài Antheraea frithi Moore, 1859 (Ảnh: VAST)

Giống bướm đêm này được nhận xét là rất khó phân loại, do đặc điểm đa hình và nhiều quần thể trong cùng một loài tiến hóa tách biệt, tạo nên các loài phụ. Mặc dù vậy, dựa trên hình thái bên ngoài, nhóm nghiên cứu đã xác định được đây là loài Ngài tơ tasar hoang dã Antheraea frithi Moore, 1859 (tên tiếng Anh là Wild tasar silkmoth), đã từng được ghi nhận ở Sài Gòn (Arora và Gupta, 1979) và một số khu vực khác ở Việt Nam. Loài này có vùng phân bố khá rộng, từ Ấn Độ trải dài sang phía nam Trung Quốc, xuống đến đảo Java ở Indonesia.

Giống Antheraea được ghi nhận chủ yếu trong các khu rừng tự nhiên, có kích thước lớn, sải cánh thường trên 10cm, và sâu của chúng có thể ăn được trên nhiều loại cây khác nhau, trong đó có họ Dipterocarpaceae, điển hình là cây Sao đen và cây Dầu con rái đã được ghi nhận bị sâu tấn công trong thời gian vừa qua.

Kẻ thù tự nhiên của các loài Ngài tơ tasar khá đa dạng, bao gồm ong kí sinh, ong vò vẽ, kiến vàng, bọ xít, ruồi kí sinh và bọ ngựa. Thời gian từ lúc trứng nở đến hết sâu tuổi 5 là khoảng 30-45 ngày, từ kén phát triển thành bướm đêm mất khoảng 25-45 ngày nhưng có thể lâu hơn nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Thực tế cho thấy sâu được ghi nhận nhiều vào khoảng tháng 9-11 (thường là cuối mùa mưa), do đó chúng thường sẽ có hai thế hệ nở trong năm, một lần là vào khoảng tháng 6-8 trong mùa mưa và một lần nữa là vào tháng 12-1 đầu mùa khô nhưng số lượng ít hơn. Sau khi nở thành bướm đêm, chúng sẽ giao phối, đẻ trứng lên cây chủ để sâu phát triển tiếp tục một vòng đời mới.

Điều khá thú vị đó là các loài thuốc giống Antheraea đóng góp rất lớn cho ngành dệt lụa ở Ấn Độ và Trung Quốc và những ứng dụng khác trong y học. Do đó, loài Ngài tơ tasar hoang dã Antheraea frithi và rất nhiều loài khác thuộc giống Antheraea đã được nghiên cứu gây nuôi có kiểm soát trong tự nhiên, đặc biệt là ở các khu vực trồng cây phục hồi rừng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Chính vì thế, theo các nhà khoa học thì người dân không nên quá lo lắng bởi đây là một loài nếu được kiểm soát tốt sẽ có lợi cho con người và hệ sinh thái tự nhiên. Mặc dù vậy, việc chúng xuất hiện với số lượng lớn thời gian gần đây là một vấn đề cần được quan tâm tìm hiểu.

Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng trước đây có thể đã có một vài quần thể nhỏ tồn tại rải rác ở trong các khoảnh đất tự nhiên còn chưa khai hoang. Quá trình phát triển quần thể, chúng tìm đến những nơi thuận lợi hơn (số lượng cây chủ nhiều, ít bị tác động bởi kẻ thù tự nhiên) nên bùng phát mạnh. Do đó, cần thiết có sự thông báo rộng rãi đến người dân, nhằm ghi nhận bổ sung thêm dữ liệu về địa điểm, thời gian phát hiện để có thể đề xuất các biện pháp xử lí hữu hiệu, kiểm soát kịp thời tình trạng này trong tương lai.

Hiện tại, các nhà khoa học đề xuất biện pháp xử lí tình trạng sâu bùng phát như sau: Hầu hết sâu khi hóa kén đều quấn 2-3 chiếc lá bao xung quanh rồi mới kéo tơ và bọc lấy cơ thể bằng một cái kén dày, nên việc xử lí bằng cách phun thuốc chỉ có thể làm chết sâu, không ảnh hưởng đến các con đã hóa nhộng. Do đó cần thiết thực hiện thêm một bước nữa là thu nhận thủ công các cái kèn này, để tránh tình trạng chúng vẫn có khả năng nở thành bướm đêm và tiếp tục giao phối duy trì quần thể sau này.

Trong tương lai, khi mới phát hiện hiện tượng sâu ăn trụi lá, để hạn chế việc phun thuốc, chúng ta có thể xử lí như sau: bọc một tấm vải hoặc tấm nilong xung quanh gốc cây có kích thước lớn hơn so với tán cây, rồi rung cây để sâu rơi xuống. Sau đó tiến hành tỉa gọn cây để loại bỏ sâu và nhộng bướm còn bám trên cây. Làm mở rộng sang các cây lận cận đến khi không còn thấy sâu rơi sau khi rung cây thì có thể dừng. Biện pháp này có thể mất nhiều công sức nhưng giảm thiểu việc quần thể phát triển sau này. Sâu, nhộng thu được có thể đem tiêu hủy, hoặc chôn làm phân bón sạch, hoặc phân bố đều về các khu rừng tự nhiên để chúng tự cân bằng trong tự nhiên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm